23:21 ICT Thứ bảy, 21/12/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động du lich

Hướng đi mới cho du lịch Bình Phước

Chủ nhật - 17/12/2017 16:48
Hướng đi mới cho du lịch Bình Phước

Hướng đi mới cho du lịch Bình Phước

Trần Văn Chung (Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch)

 

Trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ kết nối khu vực Tây Nguyên với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có quốc lộ 13 nối với Vương quốc Campuchia và Lào, cùng rất nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa đặc trưng của các dân tộc, Bình Phước được đánh giá là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Song, những tiềm năng này đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả trong thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương phát triển. Điều này buộc ngành du lịch tỉnh cần phải đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước mở lối cho du lịch phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

TIỀM NĂNG DU LỊCH DỒI DÀO

Theo đánh giá của ngành, tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch tỉnh tương đối dồi dào với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ cùng nhiều con thác và những hồ nước tuyệt đẹp, những cánh rừng nguyên sinh có quần thể động - thực vật phong phú, đa dạng. Tài nguyên du lịch của Bình Phước đều mang những nét đặc thù riêng, nổi bật có các địa danh như trảng cỏ Bù Lạch (Bù Đăng), Vườn quốc gia Bù Gia Mập (Bù Gia Mập), núi Bà Rá, Thác Mơ (Phước Long), Căn cứ Quân ủy Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, Nhà giao tế, kho xăng Lộc Quang (Lộc Ninh), căn cứ cách mạng sóc Bom Bo (Bù Đăng), Phú Riềng Đỏ (Đồng Phú)... Trong đó, tỉnh đang từng bước khai thác tiềm năng của núi Bà Rá với các dự án phát triển du lịch tâm linh và kết hợp về nguồn địa chỉ đỏ - nhà tù Bà Rá; trảng cỏ Bù Lạch đang phát triển dự án phim trường ngoài trời kết hợp du lịch sinh thái cụm thác trên đầu nguồn sông Đồng Nai; các khu di tích lịch sử cách mạng như Căn cứ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, kho xăng Lộc Quang, mộ tập thể 3.000 người (Bình Long)... được trùng tu, đầu tư xây dựng có quy mô. Đặc biệt, việc đi vào hoạt động Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo sẽ làm nên điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch Bình Phước.

Đài tưởng niệm tại khu Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, xã Lộc Thành (Lộc Ninh) - Ảnh: S.H

Ngoài ra, Bình Phước còn có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau và có những nét văn hóa đặc sắc riêng, thể hiện qua các lễ hội như lễ lập làng mới, đặt tên con, lễ quay đầu trâu, cúng lúa mới, cầu mưa... Các công trình kiến trúc cổ, đình, chùa, nhà thờ và các di chỉ đất đắp dạng tròn cũng là nguồn tài nguyên du lịch quý giá của tỉnh. Chưa kể, nơi đây còn có nhiều món ăn đặc trưng như cơm lam, canh thụt, lá nhíp, đọt mây nướng, rượu cần, hạt điều... hứa hẹn đem đến sự hài lòng cho du khách.

...NHƯNG CHƯA TẠO DẤU ẤN RIÊNG

Với những lợi thế du lịch sẵn có, hằng năm, lượng du khách đến Bình Phước trung bình đạt khoảng 200-250 ngàn lượt. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng du lịch của tỉnh và ngành du lịch Bình Phước vẫn chưa tạo được dấu ấn trên bản đồ du lịch cả nước. Nguyên nhân lớn nhất của thực trạng này là cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh còn hạn chế, chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng và việc xúc tiến, quảng bá, liên kết vùng vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Để đánh thức tiềm năng du lịch của tỉnh, ngành du lịch đang tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy ngành phát triển.

Một trong những giải pháp mang tính cấp thiết hiện nay là tập trung nghiên cứu, tìm hiểu, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở thực trạng của ngành. Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp mà Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 11-7-2017 của Tỉnh ủy đã đề ra. Đó là: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh cho phù hợp với định hướng mới. Tăng cường thực hiện liên kết vùng, chú ý đến thị trường du lịch TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng các tuyến du lịch, nhất là tuyến du lịch quốc tế (TP. Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan). Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, độc đáo của tỉnh để đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Xây dựng chính sách để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, thành lập các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, xây dựng mới khách sạn, nhà nghỉ đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Nâng cao phát triển nguồn nhân lực du lịch.

XÂY DỰNG SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC TRƯNG

Trên cơ sở đánh giá về tài nguyên du lịch và những định hướng phát triển sản phẩm trong thời gian tới, ngành du lịch Bình Phước tập trung khai thác tài nguyên thế mạnh để xây dựng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh gồm:

Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm qua các hoạt động tham quan và trải nghiệm quá trình chăm sóc, thu hoạch sản phẩm của cây điều và cây cao su; trải nghiệm các dây chuyền sản xuất mủ cao su, dây chuyền sản xuất và chế biến hạt điều trên cơ sở khai thác thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên. Bình Phước là thủ phủ của cây cao su và cây điều với nhiều cơ sở sản xuất và chế biến quy mô lớn “đứng chân” trên địa bàn. Đây là lợi thế nổi trội mà không địa phương nào có được với các tour đặc trưng như “Cao su mùa lá rụng” hay “Một ngày làm công nhân hạt điều”; “Cao su - Kỹ năng mềm với người yêu thích thiên nhiên”. Đồng thời, tham gia giã gạo bằng cối, chày tay của đồng bào S’tiêng tại sóc Bom Bo. Phân khúc thị trường khách cho sản phẩm này chính là các bạn trẻ đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh theo phương pháp đông y trên cơ sở khai thác nét độc đáo về lịch sử và danh thắng tại núi Bà Rá và hồ Thác Mơ, nơi Dự án Khu quần thể văn hóa - cứu sinh núi Bà Rá được UBND phê duyệt tại Quyết định số 1799/QĐ-UBND ngày 11-7-2017. Sản phẩm cốt lõi được xác định là kết hợp du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng với điều trị bệnh theo phương pháp “thiền” và đông y trong thời gian từ 3-5 ngày. Phân khúc thị trường khách cho sản phẩm này hướng tới đối tượng khách trung niên và cao niên, có thời gian, có mức sống cao đến từ các tỉnh, thành trong nước và quốc tế.

Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch về nguồn trên cơ sở khai thác các thế mạnh về truyền thống lịch sử (Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Quân ủy Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, Nhà giao tế) và hệ thống di chỉ đất đắp dạng tròn (nơi cư trú và phòng thủ của các cư dân thời tiền sử còn lưu lại đến ngày nay rất độc đáo và trên đất nước tồn tại duy nhất chỉ ở Bình Phước). Sản phẩm du lịch hướng tới thị trường khách là học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức trong, ngoài tỉnh. Đặc biệt là hệ thống các trường đại học đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Định hướng khai thác hiệu quả tuyến du lịch quốc tế: TP. Hồ Chí Minh - Bình Phước - Campuchia - Lào - Thái Lan bằng việc tăng cường thực hiện liên kết vùng và Bình Phước là “điểm dừng chân” không thể thiếu trong chuyến hành trình xuyên Á với chuỗi sản phẩm và dịch vụ cung ứng hoàn hảo nhất có thể cho đối tượng khách quốc tế qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Chú trọng mở rộng liên kết với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Thực hiện liên kết, hợp tác các quốc gia láng giềng như Campuchia, Lào, Thái Lan trong xây dựng các tour, tuyến du lịch quốc tế, từng bước mở ra chuỗi liên kết du lịch đầy tiềm năng. 

Định hướng kênh phân phối sản phẩm tới người thụ hưởng trên cơ sở phát huy vai trò của cơ quan chuyên trách về triển khai chiến lược marketing - MIX.

Mặt khác, ngành du lịch Bình Phước cũng đang quan tâm nâng cao năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý về phát triển du lịch cho phù hợp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ dịch vụ du lịch. Đó là một trong những “chìa khóa” quan trọng để mở lối cho du lịch Bình Phước bứt phá đi lên trong thời gian tới, nhằm phát huy tối đa các dịch vụ, tạo đà cho việc xây dựng sản phẩm đặc trưng và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đưa Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là góp phần thực hiện thắng lợi các giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới mà Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 11-7-2017 của Tỉnh ủy đã chỉ đạo.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước