Núi Bà Rá - địa danh lịch sử của Bình Phước
VÀI NÉT LỊCH SỬ
Năm 1925, thực dân Pháp cho xây một nhà tù lớn dưới chân núi Bà Rá để giam cầm các chiến sĩ cách mạng và các tội phạm. Nhà tù này có 3 khu: Trại A sát chân núi, giam giữ tù thường phạm; trại B giam giữ nữ tù thường phạm hoặc chính trị phạm, đặt tại trung tâm trại Bà Rá. Năm 1941, Pháp xây dựng thêm trại C để giam giữ tù nhân chính trị. Nhà tù Bà Rá còn là nơi giam giữ hàng trăm tù chính trị bị treo án và khổ sai từ các nơi khác chuyển đến. Nỗi thống khổ của những tù nhân Bà Rá không sao kể xiết, đau ốm không có thuốc men lại còn bị đánh đập dã man và bị lao động khổ sai. Vì vậy, trại tù trở thành nơi cho những nhà cách mạng hoạt động. Họ đã vận động giác ngộ những phạm nhân trở thành những chiến sĩ cộng sản đi theo con đường của Đảng. Trại tù Bà Rá đã thành lập chi bộ cộng sản để lãnh đạo phong trào và tổ chức nhiều cuộc vượt ngục. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, tù nhân Bà Rá đã nổi dậy đập tan xiềng xích trở về chiến khu, hoặc trở về quê hương góp phần giải phóng đất nước...
Gần nhà tù Bà Rá có miếu Bà Rá ( Linh Sơn miếu), dân gian tôn gọi là “Bà Rá hộ quốc linh thần”. Năm 1943, miếu được những tù nhân chính trị ở nhà tù Bà Rá bí mật xây dựng để tưởng nhớ các tù chính trị bị chôn sống ở gốc cây cầy nơi đây. Năm 1958, người dân đã dời miếu lên sát đường lộ (cách nơi cũ 500m) để tiện đi lại thờ cúng. Miếu Bà Rá là một công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian, nằm trong quần thể di tích lịch sử Bà Rá. Miếu không chỉ là nơi thờ cúng tín ngưỡng của nhân dân mà còn là một trong những chứng tích về sự xâm lược tàn bạo của thực dân Pháp trên vùng đất Phước Long.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, núi Bà Rá là một căn cứ quân sự hiện đại của Mỹ - ngụy, có cả sân bay trực thăng trên đỉnh núi, kiểm soát toàn bộ vùng miền Đông Nam bộ. Nhưng núi Bà Rá cũng mang trên mình nhiều chiến tích anh dũng kiên cường của quân và dân ta, nhất là bộ đội địa phương thời kỳ chống Mỹ. Bên sườn núi phía tây có hang Dơi, hang Cây Sung, nơi đây đội công tác núi Bà Rá đã từng bám trụ và lập nhiều chiến công. Hiện nay, ngay tại đồi Bằng Lăng có đền thờ tưởng niệm các chiến sĩ và đồng bào hy sinh trong chống giặc ngoại xâm. Trên đỉnh núi có miếu thờ đức Phật thánh mẫu Thiên Hậu và bà Chúa xứ. Vào các ngày rằm và đặc biệt là ngày vía bà Chúa xứ (24 âm lịch hàng tháng), thường có rất đông khách lên núi dâng hương lễ Phật và viếng bà Chúa xứ.
BÀ RÁ NGÀY NAY
Quần thể danh thắng quanh núi Bà Rá- Thác Mơ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 4-10-1995. Đây là nơi có thắng cảnh đẹp nổi tiếng với công trình thủy điện và hồ Thác Mơ; rừng cây có hệ thực vật đa dạng, phong phú được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp vào hệ thống rừng đặc chủng. Từ đồi Bằng Lăng, bước lên 1.767 bậc tam cấp bằng đá sẽ lên đến đỉnh núi Bà Rá. Đường lên núi khá đẹp, được bao phủ bởi một màu xanh cây rừng, hai bên đường đi có nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Núi Bà Rá còn được biết đến khi hàng năm giải việt dã truyền thống tổ chức vào ngày 6-1 tại đây. Giải việt dã Chinh phục đỉnh cao Bà Rá không chỉ là giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia mà còn là giải mang tầm quốc tế. Quy mô của giải ngày càng rộng lớn qua từng năm, thu hút nhiều vận động viên đến từ các quốc gia như Lào, Campuchia, Thái Lan, nhằm thắt chặt tình hữu nghị, giao lưu học hỏi giữa các quốc gia lân cận. Trên đỉnh núi Bà Rá có Đài tiếp vận truyền thanh - truyền hình. Đây là trạm tiếp sóng do Đài Phát thanh -Truyền hình Bình Phước xây dựng, nhằm đưa sóng đến những vùng sâu, xa trong tỉnh.
Đến với Bình Phước và tham quan khu du lịch sinh thái núi Bà Rá -Thác Mơ du khách có thể hòa mình vào không khí thiên nhiên, cảm nhận gió mát từ hồ thủy điện thổi vào. Tháng 3-2010, hệ thống cáp treo hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần tăng lượng du khách đến tham quan núi Bà Rá. Đặc biệt trong dịp lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Phước Long (6-1-1975 - 6-1-2015) và giải truyền thống việt dã, Phước Long sẽ tổ chức bắn pháo hoa chào mừng. Đây cũng là sự kiện chính trị quan trọng của thị xã Phước Long và tỉnh Bình Phước khi bước vào năm mới 2015, chào xuân Ất Mùi.
Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn