19:07 ICT Thứ năm, 02/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Tin tức cập nhật

Hội nghị - Hội thảo “Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

Thứ ba - 15/11/2011 13:47
Hội nghị - Hội thảo “Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

Hội nghị - Hội thảo “Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

Ngày 11/10/2011 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội nghị - Hội thảo “Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở”.

Tham dự Hội nghị có 250 đại biểu đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo UBND các tỉnh đại diện cho các cụm Thi đua, các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Trung tâm Văn hóa 54 tỉnh, thành phố, các đại biểu đại diện cho các điển hình xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở ở các huyện, xã, thôn, làng trong toàn quốc và đặc biệt là các đồng chí nguyên là lãnh đạo Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành phố 2 năm 2009 - 2010 và 6 tháng đầu năm 2011 đã về tham dự Hội nghị - Hội thảo. Tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí khẳng định: Hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị; chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động văn hoá-thể thao ở cơ sở, là bộ mặt văn hoá của địa phương, là công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng.

Tính đến nay, toàn quốc hiện có 72 thiết chế văn hoá cấp tỉnh, gồm 60 Trung tâm Văn hoá, 03 Nhà Văn hoá, 04 Trung tâm Thông tin Triển lãm và 05 thiết chế văn hoá có tên gọi khác nhau như Nhà Triển lãm, Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo… Theo thống kê chưa đầy đủ, cán bộ công tác tại các Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh có trình độ đại học trở lên đạt 60%  cán bộ trung cấp  đạt 32%.

Ở cấp huyện có 542/698 có Trung tâm Văn hoá - Thông tin, Trung tâm Văn hoá-Thể thao hoặc Nhà văn hoá cấp huyện, đạt tỷ lệ 78%. Hầu hết các quận, huyện đã thống nhất chức năng, nhiệm vụ và tên gọi của các đơn vị sự nghiệp này là Trung tâm Văn hóa-Thể thao. Diện tích hoạt động trong nhà của Trung tâm đạt trung bình 1.400m2. Số cán bộ viên chức làm việc ở Trung tâm có trình độ đại học và trên đại học đạt 49%. Theo thống kê chưa đầy đủ, cán bộ công tác tại các Trung tâm Văn hóa cấp tỉnh có trình độ đại học trở lên đạt 60%  cán bộ trung cấp  đạt 32%.

Ở cấp xã có 4.823/11.100 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá -      Thể thao, đạt tỷ lệ 43,4%. Diện tích hoạt động trong nhà của Trung tâm trung bình gần 200m2. Hầu hết các Trung tâm Văn hoá-Thể thao cấp xã hoạt động ngoài trời là chủ yếu. Cán bộ ở các Trung tâm có trình độ đại học đạt 16%. Cán bộ trung cấp đạt 71%.

Ở cấp thôn, làng có 45.259/101.231 thôn, làng, ấp, bản, buôn, khu phố có Nhà văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 45%. Nhà văn hoá thôn, làng, ấp, bản, khu phố được xây dựng có diện tích từ 80m2 đến 100m2 trở lên, thường kết hợp với trạm truyền thanh, phòng đọc sách báo và một số cơ sở vật chất để hoạt động văn hoá, văn nghệ và tổ chức hội họp, học tập… cùng với sân chơi ngoài trời, sân chơi thể thao. Nhà văn hoá thôn, làng… có nội dung hoạt động đa dạng phong phú, gắn bó thiết thực với đời sống cộng đồng.

Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại 11 xã điểm, đến tháng 5 năm 2011 đã có 92/130 thôn có Nhà văn hoá, đạt tỷ lệ 70,7% và 37/130 thôn có Khu thể thao, đạt tỷ lệ 28,5%.

Ngoài các thiết chế văn hóa do ngành VHTTDL quản lý còn các thiết chế văn hoá thuộc các Bộ, ngành, đoàn thể khác như: Nhà văn hoá thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Cung hoặc Nhà văn hoá thiếu nhi thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Nhà văn hoá thuộc các lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, các thiết chế văn hoá đã đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình văn hoá quy mô lớn, kiến trúc đẹp được xây dựng; xu hướng chung của hệ thống thiết chế văn hoá đã phục vụ sát yêu cầu của nhân dân ở cơ sở.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều huyện, xã, thôn, làng, ấp bản, tổ dân phố, khu công nghiệp, khu chế xuất không có thiết chế văn hoá; một số nơi có thiết chế văn hoá-thể thao cơ sở nhưng bị xuống cấp, thiếu đồng bộ về trang thiết bị cho hoạt động, nhất là khu vực nông thôn nghèo, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Quy mô, kiểu dáng, vị trí còn tuỳ tiện; Đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở tác nghiệp còn thiếu và yếu, nhất là ở các xã, phường, thị trấn. Kinh phí tổ chức các hoạt động cho thiết chế văn hoá còn hạn hẹp, chưa tương xứng với nội dung tổ chức hoạt động và nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, các đại biểu đã đề ra các giải pháp, những bài học kinh nghiệm, những mô hình hoạt động có hiệu quả. Qua đó cùng đánh giá việc thực hiện các Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, những vấn đề mới phát sinh cần chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp; việc thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; việc xây dựng và thực hiện quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên các mặt về cơ sở vật chất, cán bộ, cơ chế chính sách, các nội dung hoạt động và đối tượng phục vụ.

Các đại biểu kiến nghị Chính phủ, các Bộ, Ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện xã hội hóa phù hợp với vùng miền, xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ sở vật chất; Đầu tư đồng bộ, không đại trà, phù hợp với bản sắc văn hóa vùng miền. Cần đầu tư cho hệ thống thiết chế văn hóa thôn bản nhiều hơn. Đầu tư xây dựng cơ bản và đầu tư duy trì hoạt động phải thường xuyên, đồng bộ nhất là vùng sâu, vùng xa; nên chuyên nghiệp hóa nhân lực, tổ chức bộ máy từ cấp xã trở lên và tổ chức thi nâng ngạch cho các cán bộ công tác tại các hệ thống thiết chế văn hóa.

Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật

Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước