06:14 ICT Thứ năm, 02/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Tin tức cập nhật

Quan niệm làm nhà ở truyền thống của người S’Tiêng Bình Phước

Thứ sáu - 18/05/2012 15:58
Nhà dài của người S’tiêng Bù Lơ

Nhà dài của người S’tiêng Bù Lơ

Với loài người, ngôi nhà gắn bó với cuộc đời từ khi sinh ra cho đến khi rời xa thế giới này. Tùy điều kiện sống và hình thành, mỗi dân tộc có một quan niệm và cách làm nhà khác nhau. Người S’tiêng Bình Phước là một trong những cộng đồng cư dân bản địa sinh sống lâu đời, có nền văn hóa phong phú, đặc trưng. Trong cách làm nhà cư dân này có nhiều quan niệm, phương pháp khác nhau về nhiều mặt.

Người S’tiêng Bù Lơ (sống ở vùng cao) chủ yếu sử dụng kiểu nhà dài để ở, mái nhà thấp, nền trệt. Vật liệu chủ yếu để làm nhà là gỗ, tranh, tre. Trong quá trình chọn vật liệu làm nhà họ cũng có một số quan niện và kiêng cữ nhất định. Sau khi chuẩn bị xong vật liệu, họ bắt đầu chọn ngày, ngày tốt là những ngày lẻ trong tháng. Để chọn địa điểm làm nhà họ làm một mô hình nhà ở và mang đến địa điểm muốn làm nhà để cúng xin thần linh. Nếu đêm về ngủ nằm mơ thấy dòng nước trong là có thể làm nhà được, còn nếu mơ thấy dòng nước đục là không tốt, gia đình sẽ chọn chỗ khác với hình thức tương tự. Hướng nhà cũng được chọn theo cách là làm sao cho mặt trời phải chiếu xéo từ góc mái bên này sang góc bên kia, tuyệt đối không được để mặt trời đi cắt ngang qua mái nhà sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của những người sống trong ngôi nhà.

Khác với người S’tiêng Bù Lơ, người S’tiêng Bù Đek (sống ở vùng thấp)  cách làm nhà khá cầu kì, mỗi địa phương có một cách lựa chọn khác nhau. Kiểu nhà chủ yếu là nhà sàn, cách mặt đất từ 2m đến 2,5m. Vách thường nghiêng loe về phía mái, cột kèo khá chắc chắn. Thời điểm làm nhà chủ yếu vào mùa nắng, thời tiết thuận lợi cho việc chọn và lấy vật liệu từ thiên nhiên. Công đoạn đầu tiên là chọn vật liệu để làm nhà, ở công đoạn này người S’tiêng cũng có một số quan niệm nhất định. Với các loại tranh (vật liệu lợp) khi đi cắt mà chẳng may gặp trời mưa thì họ không sử dụng đám tranh đó nữa vì họ cho rằng trời mưa là điềm báo không lành (mưa đồng nghĩa với nước mắt – Trời khóc). Quá trình chở tranh về nếu xe bị lật thì họ cũng bỏ toàn bộ xe tranh đó để đi cắt lại xe khác. Trong việc chọn cây làm cột, trước tiên những cây bị dây leo quấn quanh, những cây bị cụt ngọn nhất định không chọn. Khi chặt hạ cây mà gốc cây bị thụt lùi, cây ngã không rơi hẳn xuống đất, cây ngã nghe tiếng kêu rắc rắc hoặc thân cây khi chặt chảy nhựa đều không được chọn.

Việc tiếp theo là chọn ngày tốt để làm nhà, lịch sử dụng để chọn là âm lịch (tính theo mặt trăng). Có nơi chọn những ngày lẻ trong tháng để làm, có nơi cho rằng mỗi tháng chỉ có hai ngày tốt để làm là ngày mồng 9 và ngày 24, có nơi chọn ngày rằm và ngày mười sáu hằng tháng. Với địa điểm làm nhà, sau khi chuẩn bị xong vật liệu, chủ nhà dùng hạt gạo vào ống tre hoặc đặt hẳn dưới đất rồi lấy chén úp lại và khấn xin thần linh cho làm nhà tại điểm này. Nếu sáng hôm sau kiểm tra thấy gạo còn nguyên thì làm nhà được còn gạo mất thì không được làm nhà. Hướng nhà cũng có nhiều cách chọn khác nhau, những nơi tọa lạc không có suối từ nhiên thì việc chọn hướng tương tự như của người S’tiêng Bù Lơ. Đối với những nơi có dòng suối tự nhiên, cư dân phải làm nhà sao cho nóc nhà nằm song song với dòng suối để thuận lợi trong làm ăn.

Một quan niệm hết sức đặc biệt khác của người S’tiêng Bù Đek là khi trong nhà có người chết thì họ phải xử lý một trong hai cách: Thứ nhất, nếu nhà nghèo, không có điều kiện thì gia chủ phải chặt phần vạc giường nơi người chết đã nằm, đồng thời dỡ luôn phần mái ngay đó. Sau ba ngày mới được lợp lại mái và sửa lại giường. Thứ hai là nếu gia đình có điều kiện kinh tế, họ sẽ dỡ bỏ ngôi nhà cũ và làm lại ngôi nhà mới bên cạnh ngôi nhà cũ. Theo họ, làm như vậy hồn người chết sẽ không có chỗ để cư trú, sẽ siêu thoát và không còn lẩn quẩn làm hại người sống.

Nhìn chung, ngôi nhà truyền thống của người S’tiêng có kiến trúc đơn giản, tính bền vững không cao. Tuy nhiên, những quan niệm và cách làm nhà phản ánh đặc trưng văn hóa và thế giới quan của họ. Mặc dù nhiều quan niệm không có cơ sở khoa học nhưng phản ánh ước mong sẽ mang lại những điều bình an, may mắn cho gia đình cộng đồng. Ngày nay, do nhiều điều kiện khác nhau, những ngôi nhà truyền thống cũng đang mai một dần, kéo theo đó, những quan niệm về nhà ở nói trên cũng phai nhòa cùng thời gian. Một điều thật sự đáng tiếc.

Tác giả bài viết: Dinh Nho Dương - Phạm Hữu Hiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước