Tín ngưỡng thờ cúng thần hổ ở Bình Phước
Đến những năm 1870-1880 tập tục này không còn duy trì. Ngày nay, tại nhiều đền, đình, miếu ở Bình Phước thờ thần hổ hay còn gọi là Ông Cả Cọp được đặt ở nhiều vị trí khác nhau, điển hình nhất thường được dựng trước cửa vào gian chính điện theo quan niệm phong thủy, vừa che chắn những điều không hay vừa tạo sự kín đáo cho công trình phía trong, cũng có khi bức bình phong này được đặt trước sân. Một số nơi còn lập riêng miếu nhỏ với hoa văn trang trí, đặt bát hương và bài vị ghi “Sơn Quân chi thần”, “Lý Nhị đại tướng quân”, “Sơn Lâm Hổ Lang chi thần”, “Hổ đồng Hương chi thần”, “mãnh hổ đại tướng quân”, “Ngũ hổ đại tướng quân”. Điều này được thể hiện rõ nhất ở thị xã Bình Long như: đền Bà Chúa hay còn gọi là miếu Ông Hổ (phường Phú Đức), đình Tân Lập Phú (phường Phú Thịnh); đền Trần Hưng Đạo (xã Thanh Phú); đền Đức Thánh Trần (phường Hưng Chiến); ở Bù Đăng có đình Thần Hoàng (thị trấn Đức Phong); ở Hớn Quản có đình Tân Khai (xã Tân Khai) và đền thờ Trần Hưng Đạo (xã Tân Lợi); ở thị xã Đồng Xoài có đền Trần Hưng Đạo (phường Tân Phú), huyện Chơn Thành có đình thần Hưng Long.
TÍN NGƯỠNG CÚNG THẦN HỔ
Ông Nguyễn Văn Liệp, chủ đền Trần Hưng Đạo, ấp Thanh Xuân, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long cho biết: Trước đây, hàng năm vào các dịp lễ, người dân trong xã đều phải bày các vật phẩm cúng thần hổ, gồm trà rượu, nhang đèn, thịt heo sống, trứng gà, vịt sống. Tục lệ này duy trì thường xuyên vào các tiết xuân, hạ, thu, đông. Đến nay, tục lệ này vẫn được duy trì, đền Trần Hưng Đạo thường tổ chức lễ cúng lớn vào mồng 3-3, 20-8 và dành một khoảng không gian trước đền để cúng thần hổ, tạo niềm tin bình an cho nhân dân trong vùng.
Người Việt bắt đầu di cư tới Bình Phước vào nửa đầu thế kỷ XVII. Quá trình khai hoang, mở ấp, lập làng diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt và hiểm nguy, họ phải đối mặt với thú dữ; đặc biệt là hổ. Chúng thường đe dọa đến tính mạng người, vật nuôi… Từ đó, tín ngưỡng cúng thần hổ xuất hiện nhằm tạo ra niềm tin bình an; góp phần giúp đỡ và bảo vệ mùa màng cho người dân, nhà nhà yên ổn và cũng còn có chức năng hộ vệ như vị thành hoàng bổn cảnh. |
Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng ban quản lý đền Đức Thánh Trần, khu phố Hưng Thịnh, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long cho biết: Tín ngưỡng thờ cúng thần hổ được duy trì từ thời xa xưa, nghe các cụ kể lại ngôi đền xưa kia xung quanh là rừng rậm, có rất nhiều thú dữ, đặc biệt là hổ, thường quấy nhiễu dân làng. Vì vậy, để yên ổn nên lập bàn thờ riêng trong đền để cúng thần hổ vào các dịp cúng đền. Ngày nay, bên cạnh việc duy trì lễ cúng đền vào ngày lễ lớn đền cũng cúng riêng thần hổ.
Tín ngưỡng thờ cúng thần hổ trong các ngôi đình, đền, miếu là một trong những nét đẹp văn hóa mang tính nhân văn của người Việt có mặt ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam, trong đó có Bình Phước. Duy trì tín ngưỡng này không chỉ giữ nét tín ngưỡng có giá trị lịch sử - văn hóa mà còn là sản phẩm tinh thần gắn liền với sự phát triển của một vùng đất, tiết ra từ quá trình định cư và cộng cư. Ở một phạm vi nào đó, hình thức tín ngưỡng này còn thể hiện lòng biết ơn của cộng đồng cư dân trước việc thiên nhiên đã dung chứa con người từ những ngày đầu mở đất. Xét về việc thờ cúng thần hổ luôn được phối hưởng vật phẩm thờ tự mỗi khi có lễ là để nhớ đến công lao các bậc tiền nhân “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa truyền thống góp phần bổ sung vào kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Tác giả bài viết: Trân Luân cập nhật
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn