21:30 ICT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Nét riêng và giá trị lịch sử của các ngôi đình ở Bình Phước (Bài cuối) - Lễ hội: Giá trị văn hóa và việc bảo tồn

Thứ hai - 20/07/2015 10:45
Đình Thần Hưng Long

Đình Thần Hưng Long

Thiết chế văn hóa đình của người Việt trên đất Bình Phước được trải theo suốt chiều dài lịch sử. Từ mái lá đơn sơ, đến nay, nhiều đình đã có độ tuổi hàng trăm năm. Không chỉ là những công trình lịch sử, văn hóa mang dấu ấn thời kỳ lập làng, lưu danh các nhân thần mà còn là nơi thể hiện đạo lý kính trọng thế hệ đi trước có công với làng xã thông qua các lễ hội hàng năm. Đây vừa là dịp để người dân sinh hoạt văn hóa, vừa để cầu mong sự che chở từ Thành Hoàng.

>> Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển
>> Bài 2: Đối tượng thờ cúng trong các ngôi đình
>> Bài 3: Kiến trúc, nghệ thuật trang trí trong các ngôi đình

Tại các ngôi đình ở Bình Phước, hàng năm vào dịp lễ, tết, tùy thuộc điều kiện mà mỗi đình tổ chức lễ hội lớn nhỏ khác nhau. Nhưng nhìn chung các ngôi đình thường tổ chức lễ với mục đích cầu quốc thái dân an (đất nước, người dân xứ sở được yên bình); phong điều vũ thuận (mưa gió thuận hòa), phong đăng hòa cốc (mùa màng tốt tươi). Đồng thời có những nghi thức tống ôn, tống phong để bảo vệ làng xã. Điển hình như đình Thần Hưng Long (Chơn Thành) thường tổ chức vào các ngày âm lịch hàng năm như: Lễ Khai sơn vào ngày 7-1, lễ Kỳ yên vào ngày 15 và 16-2, lễ Cầu bông vào ngày 16-6, lễ Rước thần ngày 25 đến 30-12. Đình Tân Lập Phú (Bình Long) tổ chức lễ Kỳ yên vào ngày 16-2, lễ Cầu bông 9-9; đình Tân Khai (Hớn Quản) tổ chức lễ Kỳ yên vào ngày 18-3, lễ Cầu bông ngày 18-8...

Vào các ngày lễ lớn như lễ Kỳ Yên, lễ Cầu Bông... người dân thường tập trung tại đình quét dọn, trang hoàng, bài trí, phân công người phụ trách đi chợ, bếp núc. Ngày đại lễ là dịp để con dân đang sinh sống trên mọi miền đất nước trở về tụ họp cầu quốc thái dân an và tỏ lòng nhớ công ơn các vị tiền khai canh, hậu khai khẩn cùng các vị tiền bối đã có công giữ gìn, tôn tạo đình để lại cho con cháu ngày nay. Bên cạnh phần lễ còn có phần hội thường tổ chức ăn uống. Đây là dịp để mọi người chúc tụng nhau, gặp gỡ, gửi gắm những tình cảm cầu cho một năm mạnh khỏe, làm ăn phát tài, phát lộc, phần dư được cất giữ cho lễ hội khác hoặc để trùng tu, tôn tạo đình.

Người dân đến thắp nhang trong lễ hội Kỳ yên tại đình Thần Hưng Long

Đi cùng năm tháng, các lễ hội trở thành cầu nối tâm linh giữa con người, quá khứ, hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở làng xã, bảo tồn vốn quý của di sản văn hóa tinh thần dân tộc. Bên cạnh đó, đình ở Bình Phước còn chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Một số ngôi đình trở thành nơi đóng quân, làm kho chứa lương thực, thuốc men để đánh giặc và bị đánh sập. Điển hình như giặc Pháp đánh sập đình Thần Hưng Long ở Chơn Thành năm 1946, đình Tân Lập Phú trong kháng chiến chống Mỹ cũng bị đánh sập hoàn toàn và đến năm 1986 mới xây dựng lại.

Những năm qua, nhiều ngôi đình ở Bình Phước đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc, điển hình như đình Thần Hưng Long được xếp hạng vào 15-12-2004; đình Tân Khai được xếp hạng di tích vào ngày 11-9-2014. Các ngôi đình đã trở thành địa chỉ hấp dẫn cho người dân, học sinh, sinh viên đến vui chơi, tìm hiểu, nghiên cứu.

Gần đây, do nhiều nguyên nhân làm cho một số ngôi đình xuống cấp, quá trình nghiên cứu, bảo tồn, phát huy, lập hồ sơ xếp hạng di tích diễn ra chậm. Việc trùng tu phải có sự chỉ đạo về chuyên môn, khoa học của các cơ quan chức năng để tránh làm biến dạng, mất giá trị lịch sử của di tích.

Mục đích của con người khi tìm đến đình thường là tìm về cội nguồn, quá khứ lịch sử của quê hương, dân tộc. Hay có người chỉ thuần túy là tín ngưỡng, tâm linh, giải tỏa tâm lý, giúp mỗi người được sự yên tĩnh, thoải mái sau những lo toan bộn bề của cuộc sống. Họ cùng nhau thắp nén nhang tri ân những vị nhân thần, Thành Hoàng Bổn Cảnh, Tiền hiền, Hậu hiền với tấm lòng thành kính.

Mong rằng, việc tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các ngôi đình ở Bình Phước được quan tâm đúng mức để giá trị văn hóa dân gian đọng mãi trong lòng người dân. Để mỗi độ tết đến xuân về, đình làng lại là nơi hội tụ của người dân bản xứ và đón những người con xa xứ trở về.

Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: văn hóa

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước