Ảnh đại diện
Những ai từng sống ở Lộc Ninh trước năm 1975 đều biết “Nhà thương làng 5” và những thăng trầm của nó qua thời gian. Sau khi bình định xong Việt Nam, thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa và Lộc Ninh là một trong những trọng điểm đó. Thực dân Pháp chia Lộc Ninh thành 10 làng để dễ quản lý, cai trị. Bệnh viện Lộc Ninh tại làng 5 nên có tên gọi Nhà thương làng 5.
LỊCH SỬ DI TÍCH
Bệnh viện Lộc Ninh hay còn có các tên gọi khác là Hopital de Loc Ninh, Bệnh viện Cin gen, Nhà thương làng 5, Bệnh viện Lộc Tấn, tọa lạc tại ấp 5, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh. Năm 1936, thực dân Pháp cho xây dựng Hopital de Loc Ninh với mục đích khám chữa bệnh cho chủ đồn điền, tay sai, phu cao su và một số nhân dân trong các đồn điền cao su do chúng quản lý. Đến năm 1939, việc xây dựng hoàn thành và bệnh viện chính thức đi vào hoạt động. Năm 1972, Lộc Ninh hoàn toàn giải phóng, Hopital de Loc Ninh được chính quyền cách mạng tiếp quản, sử dụng và đổi tên thành Bệnh viện Lộc Ninh. Bệnh viện hoạt động theo mô hình quân – dân y kết hợp, là nơi cứu thương, khám chữa bệnh cho lực lượng vũ trang và nhân dân vùng Lộc Ninh, Bù Đốp.
Di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh Bệnh viện Lộc Ninh
Trong những năm chiến tranh biên giới Tây Nam (1977-1979), bệnh viện là nơi cứu chữa cho thương binh, bệnh binh và cả kiều bào từ Campuchia về. Từ năm 1979-2008, Bệnh viện Lộc Ninh là điểm khám chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân trong huyện. Đến tháng 9-2008, Bệnh viện Lộc Ninh được đầu tư xây dựng mới khang trang hơn, tọa lạc tại trung tâm thị trấn Lộc Ninh, thuận lợi cho việc đi lại và khám chữa bệnh của nhân dân. Công trình Bệnh viện Lộc Ninh cũ (công trình kiến trúc thời Pháp thuộc) được giữ làm di tích cho đến nay.
Di tích Bệnh viện Lộc Ninh là công trình y tế có quy mô lớn, được xây dựng kiên cố, kiến trúc mái vòm độc đáo, mang giá trị nghệ thuật tiêu biểu với chiều dài lịch sử hơn 80 năm. Di tích Bệnh viện Lộc Ninh hiện nay có vị trí rất thuận lợi trong bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị di tích: nằm cạnh quốc lộ 13, cách thị trấn Lộc Ninh khoảng 4km, cách Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư 15km, trong quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia trên địa bàn Lộc Ninh.
Với những giá trị về lịch sử kiến trúc nghệ thuật y tế, ngày 29-5-2012, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 1070/QĐ-UBND công nhận Bệnh viện Lộc Ninh (công trình kiến trúc thời Pháp thuộc) là di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
GIÁ TRỊ DI TÍCH VÀ NHỮNG TRĂN TRỞ
Việc phát huy giá trị di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật Hopital de Loc Ninh, góp phần phát triển kinh tế – xã hội là vấn đề bức thiết của Lộc Ninh trong thời gian tới.
Hopital de Loc Ninh được xây dựng theo lối kiến trúc độc đáo mái vòm thời Pháp thuộc, bằng công sức, mồ hôi và cả máu, nước mắt người dân Việt Nam một thời lầm than. Đi cùng năm tháng, nó trở thành biểu tượng tiêu biểu của cả dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhất định; ngày nay, chúng ta thử cải tạo thành mô hình du lịch trải nghiệm “Thử thách với thế giới người chết”. Nếu du khách khi bước vào bệnh viện với lịch sử hơn 80 năm tuổi để chứng kiến sự ra đi của phu cao su vì sốt rét rừng, vì sự đói khát sẽ gợi nhớ một thời lầm than để thấy được những giá trị to lớn của độc lập, tự do hôm nay. Mô hình còn dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm yếu tố tâm linh, huyền bí để thêm trân quý giá trị hòa bình.
Lộc Ninh là một trong những nơi tư bản Pháp tiến hành khai hoang, lập đồn điền cao su với quy mô lớn. Nói đến giai đoạn lịch sử này, nhiều người từng nghe câu “Cao su đi dễ khó về, khi đi trai tráng khi về bủng beo” để nói lên sự thống khổ của người dân dưới sự khai thác, bóc lột của tư bản Pháp và chính quyền cai trị thời bấy giờ. Song hiện nay, đây là lợi thế để Lộc Ninh thu hút khách du lịch thông qua tour du lịch trải nghiệm “Một ngày làm phu cao su”.
Trong quần thể hơn 10 di tích lịch sử cấp tỉnh và quốc gia, Bệnh viện Lộc Ninh có nhiều lợi thế khai thác và phát huy giá trị di tích, để trở thành điểm đến du lịch. Điều này cần sự quan tâm đầu tư của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể trong huyện. Trước hết, ngành văn hóa – thông tin cần tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí để bảo quản và phục dựng di tích, tránh sự xuống cấp. Mặt khác, cần có sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn tỉnh như bảo tàng và ngành văn hóa trong đầu tư nghiên cứu, tu bổ, tôn tạo giá trị lịch sử di tích; quan tâm quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng để khai thác đưa vào sử dụng thành tour du lịch thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương; người dân Lộc Ninh được thụ hưởng vừa là người hướng dẫn, giới thiệu du khách về những giá trị lịch sử của di tích.
Muốn làm được điều này ngoài yếu tố nội lực cần có sự quan tâm đặc biệt của ngành văn hóa – thông tin tỉnh trong việc tham mưu UBND tỉnh quan tâm đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm công nhận Bệnh viện Lộc Ninh là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là điều kiện thuận lợi để phát huy giá trị lịch sử – nghệ thuật vốn có của di tích và tránh tình trạng di tích hoang phế, xuống cấp.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn