00:19 ICT Chủ nhật, 22/12/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Để xứng đáng là nơi “lưu hồn” di sản

Thứ hai - 16/03/2020 16:21
Ảnh đại diện

Ảnh đại diện

Bình Phước được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến với nhiều bảo vật quốc gia như đàn đá Lộc Hòa, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rượu cần của đồng bào S’tiêng, lễ hội miếu Bà Rá..., và mới nhất là di tích quốc gia Thành đất hình tròn Lộc Tấn. Bên cạnh đó, còn rất nhiều di tích lịch sử, như: Căn cứ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, Nhà giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Bệnh viện Lộc Ninh cũ, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, nhà tù Bà Rá... Đây là những tín hiệu lạc quan, đồng thời cũng là thách thức đối với phương hướng, nhiệm vụ của Bảo tàng tỉnh trong thời gian tới.

TỰ HÀO VÙNG ĐẤT VĂN HÓA

Năm 2019, Bình Phước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng và lễ hội miếu Bà Rá (Phước Long). Cùng với bảo vật quốc gia đàn đá Lộc Hòa, đây là cột mốc quan trọng để Bảo tàng Bình Phước tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA

Ông Phạm Hữu Hiến, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có 82 xã, phường, thị trấn có đồng bào S’tiêng cư trú. Tuy nhiên, chỉ 27 xã, thị trấn còn duy trì di sản văn hóa rượu cần và 55 xã, phường, thị trấn đang có nguy cơ mai một. Nguyên nhân là nguồn nguyên liệu để làm men hạn chế, điều kiện chiến tranh phải di dời nhiều nơi, khó duy trì thường xuyên và sự xâm nhập của các loại thức uống mới khiến thị hiếu uống rượu cần thay đổi. Để bảo tồn rượu cần, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, trưng bày và giới thiệu các hiện vật, tài liệu liên quan đến di sản văn hóa này. Điển hình như trưng bày giới thiệu rượu cần tại Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc giới thiệu văn hóa truyền thống của người S’tiêng nói chung, rượu cần nói riêng để hướng tới xây dựng và phát triển thương hiệu rượu cần Bom Bo - Bình Phước.

Nghệ nhân S’tiêng trình diễn nghệ thuật dân gian tại trưng bày văn hóa dân tộc S’tiêng do Bảo tàng tỉnh phối hợp Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh thực hiện

Kỹ thuật chế biến rượu cần của người S’tiêng ở Bình Phước được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hết sức có ý nghĩa. Bởi đây là cơ sở để Bảo tàng tỉnh tham mưu về thực hiện trưng bày không gian văn hóa truyền thống của các dân tộc tỉnh Bình Phước, trong đó có văn hóa truyền thống người S’tiêng và rượu cần. Phối hợp các hộ gia đình chế biến rượu cần, cơ quan liên quan để giới thiệu sản phẩm; xây dựng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm liên quan đến chế biến rượu cần để khách tham quan, nhân dân hiểu rõ hơn về kỹ thuật chế biến rượu cần của cộng đồng người S’tiêng ở Bình Phước. Đồng thời phối hợp, hỗ trợ, tư vấn các địa phương còn duy trì lễ hội truyền thống để góp phần bảo tồn rượu cần, nhất là phát huy hiệu quả Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (Bù Đăng).

Đối với lễ hội miếu Bà Rá diễn ra từ mồng 1 tháng 3 âm lịch hằng năm, đang phát huy giá trị, thu hút đông khách thập phương. Điều này cho thấy, di sản văn hóa phi vật thể lễ hội miếu Bà Rá có vai trò quan trọng đối với địa phương cả về văn hóa, lịch sử, khoa học lẫn du lịch tâm linh của nhân dân trong vùng Đông Nam bộ. Bảo tồn và phát huy di sản sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

XÂY DỰNG KHÔNG GIAN TRƯNG BÀY

Năm 2020, UBND tỉnh đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng 2 phòng để bảo tàng trưng bày lịch sử văn hóa tỉnh Bình Phước. Đây là niềm vui chung của đơn vị, bởi sau nhiều năm hoạt động, Bảo tàng tỉnh có không gian trưng bày cố định nhằm lưu giữ, bảo tồn di sản văn hóa địa phương. Phòng trưng bày cố định dự kiến gồm 2 phòng, phòng 1 trưng bày về vùng đất và con người Bình Phước; phòng 2 trưng bày văn hóa tộc người và lịch sử kháng chiến Bình Phước.

Thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê bảo quản và trưng bày, tuyên truyền giáo dục khoa học, theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, hiện có 12.747 tư liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến lịch sử văn hóa các cộng đồng dân tộc ở Bình Phước và lịch sử đấu tranh cách mạng. Trong đó có hiện vật thuộc loại quý hiếm được đưa vào danh mục bảo vật quốc gia, nhiều tài liệu độc bản, nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của địa phương và quốc gia.

Ông Phạm Hữu Hiến, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết thêm: Sau khi hoàn thành, Bảo tàng tỉnh sẽ thực hiện các hoạt động nhằm phát huy tốt giá trị 2 phòng trưng bày, nâng cao hoạt động của bảo tàng. Đặc biệt, chú trọng việc tổ chức các hoạt động bổ trợ nhằm đa dạng hóa hình thức tham quan góp phần làm sinh động, phong phú, thu hút khách. Điều này phù hợp xu thế chung trong hoạt động của bảo tàng hiện nay và đang được nhiều nơi áp dụng.

Trong năm 2019, các chỉ tiêu nhiệm vụ của Bảo tàng tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Công tác lập hồ sơ khoa học di tích đạt 150%, công tác tu bổ tôn tạo di tích đạt 125%; lập hồ sơ khoa học di sản phi vật thể đạt 200%; sưu tầm hiện vật đạt 158%. Công tác trưng bày, triển lãm đạt 160%, số lượng khách tham quan tại các di tích đạt 123%, số lượng khách tham quan tại các đợt trưng bày, triển lãm đạt 369%.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước