17:12 ICT Thứ tư, 01/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Bản sắc của đình thần Nam bộ

Thứ tư - 11/12/2019 09:23
Bản sắc của đình thần Nam bộ

Bản sắc của đình thần Nam bộ

Văn hóa dân gian trong đó bao gồm các lễ hội truyền thống, các công trình văn hóa cổ… làm nên toàn bộ nền văn hóa dân tộc. Đình làng là một nét văn hóa trong cuộc sống cộng đồng của người dân Nam bộ từ xưa đến nay.

Từ cuối thế kỷ XVII, người Việt từ miền Trung di cư đến vùng đất phía Nam sinh sống và đã tạo dựng nên Đình làng. Đình làng hay đình thần, là nơi thờ thần Thành hoàng, vị thần chủ tể trên cõi thiêng của thôn làng. Nhìn chung ở Nam bộ, sau khi mỗi làng xã được hình thành và tương đối ổn định, thì tùy theo cuộc đất, tiền bạc và công sức đóng góp của cư dân, mà tiến hành xây dựng một ngôi đình. Từ đó, ngôi đình tồn tại, phát triển, biến đổi qua các giai đoạn lịch sử khác nhau của cộng đồng ấy.

Theo Nhà nghiên cứu Sử học  - Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, không như ngôi đình làng ngoài Bắc là một kiến trúc gỗ đồ sộ, gồm 5-7 gian, ngôi đình Nam bộ thường là một quần thể kiến trúc gỗ, gồm nhiều ngôi nhà sát liền nhau theo kiểu sắp đọi và thường được xây dựng ở vị trí cao ráo, tiện việc đi lại, ít bị chi phối bởi thuật phong thủy.

Ngày nay, đình thần Nam bộ có lối kiến trúc khá đa dạng, bởi sau khi bị hư hại bởi thời gian và chiến tranh; kiểu thức truyền thống chẳng còn lại bao nhiêu. Tuy đã ít nhiều thay đổi, nhưng một ngôi đình ở Nam bộ, lần lượt từ ngoài vào trong đại để như sau:

 

**Cổng đình có kiểu dáng, có trụ cột, trên mái lợp ngói, hoặc trên hai trụ có đặt cặp lân bằng sành tráng men.

**Bình phong nằm chính giữa phía trước sân đình. Mặt bình phong thường đắp nổi hoặc vẽ cảnh cọp vàng (hoàng hổ) đứng bên gộp đá lởm chởm, có một cây cổ thụ gie cành lá; hoặc cảnh long mã chở cái phù đồ, hoặc cảnh long hổ hội (cọp dưới đất ngước lên nhìn rồng đang bay ẩn trong mây nhìn xuống); cốt để biểu thị âm dương hòa hợp.

**Miễu thờ Thần hổ.

**Sân đình thường có đàn thờ Thần Nông (tức Tắc thần), có nơi lập đàn tế chung với thần Thần Đất (tức Xã thần) gọi là đàn Xã Tắc. Hai bên đàn thường là các miễu thờ cọp (Chúa xứ Sơn quân), miễu thờ Hội đồng hoặc miễu thờ nữ thần (có nơi gọi là Bà ngũ Hành, Chúa Xứ Nguyên Nhung, Linh Sơn Thánh Mẫu, Chúa Tiên, Chúa Ngọc...).

Ngôi đình chính thường là ba hoặc nhiều nếp nhà tứ trụ (tức nhà vuông có 4 cột cái, một gian, hai chái), cùng kiểu cùng cỡ, bố trí theo kiểu "trùng thềm điệp ốc". Mái đình thường lợp ngói âm dương hoặc ngói ống, ngói kiểu vảy cá; trên nóc thường gắn những hình sành tráng men màu như Lưỡng long tranh châu, chim phượng ngậm cuốn thư, lân mẹ dạy lân con, cá hóa long, bát tiên, ông mặt trời, bà mặt trăng, con nạ (một loài thủy quái theo truyền thuyết); nhằm tượng trưng cho âm dương hòa hợp, sung túc, thiêng liêng.

Bên trong mỗi đình có cách phân chia hơi khác nhau, nhưng thường là có ba gian chính:

- Vỏ ca (gian trước), dành làm nơi xây chầu và hát tuồng vào mỗi dịp lễ Kỳ yên.

- Vỏ qui còn gọi vỏ cua hay nhà chầu (gian giữa) đặt bàn thờ 18 đời vua Hùng, bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; và cũng có nơi dùng làm chỗ cho các chức sắc chầu lễ, cầm chầu (mỗi khi hát bội) hoặc hội họp.

- Chính điện hay Chính tẩm (gian cuối), là gian được coi là mỹ thuật nhất ở đình, gồm hoành phi, câu đối, khám thờ, các bao lam và các mảng phù điêu... Tất cả đều được chạm khắc, sơn son thiếp vàng đẹp đẽ, tinh tế. Ở gian này, đối tượng thờ chính là Thành Hoàng làng.

Đình làng ở Nam bộ, mỗi năm có 2 lệ cúng: Thượng điền (tức là sau khi mùa màng được thu hoạch xong) và Hạ điền (khi bắt đầu gieo cấy cho vụ tiếp theo).

Lễ cúng Kỳ Yên, tức là lễ cầu cho dân trong làng được bình yên trong năm. Nhưng trong văn hóa dân gian Nam bộ, thì lễ Kỳ Yên được xem là lễ tế Thành hoàng lớn nhất trong năm. Không ít người ví von rằng Lễ Kỳ yên (cúng đình) vui không thua gì 3 ngày tết.

Đình thần Dĩ An tọa lạc tại Khu phố Nhị Đồng 1, P.Dĩ An, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Xưa đình được gọi là Dĩ An cổ miếu. Gọi là “miếu” bởi ban đầu đình chỉ được dựng tạm bằng tranh, tre, nứa, lá, phục vụ cho nhu cầu tâm linh thiết yếu của những người con xa xứ tới vùng đất Dĩ An mở đất, lập làng. Khoảng năm 1838, khi dân số nơi đây đông hơn, cuộc sống khá giả, nhân dân trong vùng đã cùng nhau chung tay xây dựng lại miếu Dĩ An kiên cố và đổi tên gọi là Đình thần Dĩ An. Đến năm 1910, sau một đợt đại trùng tu, đình Dĩ An có được diện mạo khang trang như ngày nay. Năm 1852, Thành Hoàng đình đã được vua Tự Đức sắc phong. Năm 2011, đình Dĩ An được công nhận là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đình Dĩ An có lối kiến trúc chữ Nhất (-) với các dãy nhà liên tiếp nhau, gồm: Nhà Võ ca, Tiền điện, Chánh điện và Hậu điện. Sau này, dù trong khuôn viên đình có thêm nhiều công trình khác, song đình chính vẫn được giữ gìn nguyên vẹn và ở đó lưu giữ vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ trên những bao lam, khán thờ, hoàng phi, câu đối; lưu giữ vẻ đẹp của nghệ thuật cẩn gốm sứ, nghệ thuật vẽ tranh sơn thủy cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác.

Không chỉ có giá trị ở mặt kiến trúc, ý thức giữ gìn vốn cổ còn thể hiện trong nghi thức tế lễ. Ông Trịnh Văn Xuân, Trưởng Ban Quý tế Đình thần Dĩ An cho biết, hàng năm, đình Dĩ An có lệ cúng chính vào ngày 15 và 16-11 (âm lịch). Riêng những năm đáo lệ Kỳ Yên, đình Dĩ An tổ chức lễ hội lớn trong 3 ngày, từ ngày 14 đến 16-11 (âm lịch), có mời đoàn hát bội tham gia biểu diễn.

Lệ cúng trong đình được trao truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ gồm các nghi thức như: thỉnh sắc, nghinh và tụng kinh cầu an; thỉnh sanh, túc yết; Xây chầu, hát chầu; tế tiền hiền hay hậu hiền… lễ vật thường cúng là một con heo đặt nằm sấp, xôi, trái cây, gạo, muối…

Đặc trưng của lễ Kỳ Yên ở Đình thần là nghi thức xây chầu, hát bội. Lễ này bắt nguồn từ quan niệm dịch lý của đạo nho đó là: Thuận đạo trời, an đạo đất, hòa đạo người.

Hát bội là loại hình nghệ thuật sân khấu tồn tại rất lâu đời ở Việt nam nói chung, Nam bộ nói riêng. Các tuồng thường chọn diễn đều là các trích đoạn có tích, có hậu như: San Hậu (tôn vương), Phàn Lê Huê (tôn nữ soái), Tiết Nhơn Quý (tôn soái), Lưu Kim Đính, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Trần Bình Trọng, Sát Thát (tức nhà Trần chống quân Nguyên Mông), Trưng Nữ Vương...

Trong mỗi nghi lễ cúng đình lại có sự chuẩn mực trong từng nghi thức mà ở đó ta thấy được sự chỉn chu và ý thức giữ gìn từng nét đẹp văn hóa. Ở mỗi nghi thức cúng tế không chỉ là sự đề cao thần quyền, thần lực mà còn là sự thể hiện lòng biết ơn của người sau đối với người trước, thể hiện nét đẹp văn hóa “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Vì vậy, việc gìn giữ hay thực hành nghi thức là biểu hiện của lòng tri ân đối với thế hệ trước và trách nhiệm trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống đối với thế hệ sau.

Từ năm 2000, Ban Quý tế đình Dĩ An đã cho đầu tư, sửa chữa, xây dựng thêm nhiều hạng mục mới: nhà khách, đền thờ năm bà Ngũ Hành, đền thờ Vua Hùng, đền thờ liệt sĩ và các bà mẹ Việt Nam anh hùng; riêng đình Dĩ An được giữ nguyên kiến trúc cũ được xây dựng từ năm 1910. Có thể nói, đình Dĩ An đang tiến tới trở thành một quần thể di tích với nhiều công trình và nhiều đối tượng thờ. Nhưng điều đáng quý là mặc dù có thêm nhiều hạng mục mới nhưng đình vẫn giữ gìn các miếu và ban thờ cũ.

Lễ Kỳ Yên ở các Đình thần Nam bộ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “lễ” và “hội”, giữa nghi thức truyền thống và các loại hình văn hóa mới và dù là “lễ” hay “hội”, là truyền thống hay hiện đại đều rất được trân quý…

Đình là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng xã thời xưa, là nơi thờ thần Thành hoàng, được sắc phong theo ý nghĩa là thần phù hộ cư dân một làng. Ngoài ra, ngôi đình còn là nơi thờ các vị phúc thần, thần linh, danh nhân lịch sử, Tiền hiền, Hậu hiền (những người có công thành lập và xây dựng làng xã); là nơi dân làng đến lễ bái cầu mưa thuận gió hòa, xóm làng yên ổn, là nơi tụ họp dân làng, yến ẩm, vui chơi...

Giá trị kết nối ở các lễ hội Kỳ yên của Đình thần Nam bộ nói chung đều mang lại đó là sự trao truyền những nét đẹp văn hóa từ cổ đến kim, từ những con người được sinh ra và lớn lên ở vùng đất của ông cha mình gây dựng, đến những người mới đến định cư sinh sống. Tất cả họ đều đã coi nơi đây là điểm tựa tinh thần, là nơi để họ hướng về cội nguồn, tìm ký ức quê hương và hướng đến những giá trị tốt đẹp.

Văn hóa luôn biến đổi không ngừng và để phát triển văn hóa, những chủ thể nắm giữ văn hóa cũng phải biết chọn lọc, tiếp thu những cái mới dựa trên nền tảng về cái đẹp và sự tích giá trị; kết hợp có hiệu quả truyền thống và hiện đại, tạo nên một hệ thống giá trị, thu hút được người dân, định hướng người dân đến với những giá trị văn hóa truyền thống, kết nối con người với con người là ý nghĩa lớn nhất mà các lễ hội Kỳ Yên ở đình làng Nam bộ mang lại và chúng ta cần phải gìn giữ và phát huy.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước