Tham dự hội nghị còn có Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Lê Như Tiếp; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá - Vương Văn Việt; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - Phạm Văn Tuấn; Đại diện, các Vụ, Viện, Sở VHTTDL, trường Cao đẳng, Đại học, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật,TDTT và du lịch trên toàn quốc.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về thực trạng công tác đào tạo văn hoá, nghệ thuật, TDTT và du lịch giai đoạn 2007-2011. Theo đó, hiện tại trên cả nước có 448 cơ sở đào tạo bồi dưỡng, huấn luyện nhân lực ngành VHTTDL. Theo đánh giá, các ngành nghề đào tạo trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, TDTT và du lịch đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của xã hội và đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, công tác đào tạo trong các lĩnh vực trên không ngừng được mở rộng và phát triển.
Chỉ tính riêng hệ đào tạo sau đại học, 11 cơ sở đào tạo thuộc Bộ VHTTDL quản lý đã đào tạo được trên 1.500 Thạc sỹ, 100 Tiến sỹ (khối văn hoá, nghệ thuật), 906 Thạc sỹ, 66 Tiến sỹ (khối TDTT)... Bên cạnh đó, hệ thống các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật, TDTT và du lịch được đầu tư với số vốn ngày càng tăng để nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện dạy và học theo đặc thù từng chuyên ngành. Công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo ngày càng được đẩy mạnh, gắn kết với đào tạo đã giúp cho chất lượng chuyên môn ngày càng được nâng cao, phù hợp với thực tiễn....
Cùng với những thành tựu đã đạt được, báo cáo cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo văn hoá, nghệ thuật, TDTT và du lịch trong thời gian qua, trong đó đáng chý ý là các vấn đề như: hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa đồng bộ; đội ngũ giáo viên còn thiếu và yếu; chương trình, nội dung đào tạo còn chậm đổi mới, lạc hậu; sự liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo chưa hiệu quả...
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các đại biểu, trong đó, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: chính sách đặc thù đối với đội ngũ nhà giáo giảng dạy trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; chính sách sử dụng nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia đào tạo văn hóa nghệ thuật; chính sách đầu tư, tài chính cho các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật và các cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao; đổi mới nội dung chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo trên cơ sở bảo đảm tính thực tiễn, hiệu quả...
Ngoài ra, cần phải tạo cơ chế cho việc thực hiện liên thông, liên kết giữa các trường được thuận lợi; tiếp tục tăng cường nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện của các cơ sở đào tạo thông qua việc phát triển hệ thống chương trình, giáo trình, xây dựng đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, học tập và nghiên cứu; đồng thời, các trường trực thuộc Bộ phải đẩy mạnh việc xây dựng chuẩn đầu ra. Cam kết đào tạo và đánh giá người học theo chuẩn đầu ra đã được xây dựng và công bố với xã hội...
Tác giả bài viết: TL cập nhật
Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn