Nhà ở truyền thống ở Bình Phước và vấn đề bảo tồn (Bài 1)
Bình Phước là vùng đất có nhiều cộng đồng cư dân cùng sinh sống nên nhà ở của các cư dân rất phong phú. Mỗi cộng đồng cư dân có một kiểu kiến trúc nhà ở khác nhau, tạo nên bản sắc văn hóa riêng. Trong đó, người Kinh, Khơme, Xêtiêng, Mơnông là các cộng đồng cư dân có kiểu nhà ở mang đặc trưng rõ nét. Chẳng hạn: Người Mơnông, Xêtiêng (Bù Lơ) có kiểu nhà trệt dài, nhà sàn (người Xêtiêng Bù Đek); người Khơme có kiểu nhà sàn với nhiều họa tiết trang trí rất phong phú, sắc sảo. Hầu hết nhà ở của các cộng đồng cư dân này đều được xây dựng bằng các vật liệu phổ biến có trong tự nhiên như gỗ, tre, tranh, mây...
Các kiểu nhà ở của cộng đồng cư dân ngoài mục đích chính là để cư trú còn thể hiện nhiều giá trị lịch sử, văn hóa khác. Trước hết là thể hiện tính cộng đồng và tổ chức của mỗi cộng đồng cư dân, thể hiện quan điểm nhân sinh, quan niệm ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Không gian bên trong của các ngôi nhà còn chứa đựng cả không gian văn hóa (bài trí vật dụng, tài sản của gia đình), tâm linh (thờ cúng tổ tiên). Qua những ngôi nhà truyền thống có thể cho thấy sự phát triển kinh tế của một cộng đồng, một vùng trong lịch sử. Chỉ có sự giàu có, chỉ có những gia đình có thế lực thì mới xây dựng được những căn nhà có quy mô lớn, khang trang, có giá trị mỹ cao.
Nhà của ông Liên Thành Quân ở thị trấn Chơn Thành, là một trong những kiểu nhà truyền thống của người Kinh ở Bình Phước
Chẳng hạn, những ngôi nhà truyền thống của người Kinh còn lại cho đến ngày nay ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành phân bố rải rác trên phạm vi rộng cho thấy khu vực này trước đây từng là trung tâm kinh tế, có lịch sử phát triển lâu đời. Hay những ngôi nhà sàn với diện tích rộng lớn, kiên cố và bền vững của người Xêtiêng ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh cho thấy xã này trước đây có sự phát triển mạnh so với các xã trong khu vực. Nhà của ông Điểu Đố ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng hiện vẫn còn tồn tại cho thấy kỹ thuật làm nhà khá tốt và cách bảo dưỡng hợp lý mới có thể giữ được lâu dài với các vật liệu thiếu bền vững.
Đặc biệt, ở Bình Phước còn giữ được một loại nhà tuy không phải là truyền thống nhưng có giá trị to lớn về lịch sử mà hiện rất ít địa phương ở Nam bộ còn giữ được. Đó là nhà ở của phu cao su xưa. Hiện nay, số lượng nhà loại này còn khá lớn. Có những nơi phân bố thành khu vực, trong đó có những căn nhà có niên đại gần 100 năm (tập trung nhiều ở huyện Lộc Ninh) như những căn nhà ở ấp 5, xã Lộc Tấn (căn cứ vào tư liệu Hán - Nôm ở chùa Linh Thông thì được xây dựng vào khoảng trước năm 1919), nhà ở ấp 1, xã Lộc Thiện, nhà ở thị trấn Lộc Ninh... Những ngôi nhà này đều được xây dựng bằng bê tông cốt thép, vách xây, mái lợp ngói. Đây là chứng tích một thời của chế độ khai thác bóc lột thuộc địa của chính quyền thực dân và tư bản Pháp đối với phu cao su xưa. Qua những căn nhà này, chúng ta có thể thấy được phần nào đời sống của người dân phu xưa trên xứ đồn điền thuộc địa được xem là vùng đất “đi dễ khó về” này.
Ngoài ra, ở Bình Phước còn có những kiểu nhà của cư dân miền Trung di cư vào những năm 1950 (đi dinh điền), tạo ra nét riêng của họ đối với các nhóm cư dân khác trong khu vực. Tuy nhiên, giá trị thẩm mỹ và văn hóa cũng chưa thể hiện nhiều, hiện nay số lượng còn lại cũng không đáng kể.
Có thể thấy nhà ở truyền thống của các cộng đồng cư dân ở Bình Phước rất đa dạng, phong phú và có giá trị tiêu biểu của các cộng đồng cư dân sinh sống lâu đời trên vùng đất Bình Phước, chứa đựng những nét đặc trưng của các cộng đồng cư dân. Sự đa dạng, phong phú về nhà ở sẽ góp phần làm đa dạng, phong phú văn hóa truyền thống của địa phương.
Tác giả bài viết: Trân Luân cập nhật
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn