Ngôi nhà cổ tích
NGÔI NHÀ CỦA THỜI GIAN
Hỏi ngày, tháng, năm sinh già làng Điểu Đố không biết, còn theo giấy chứng minh nhân dân thì già sinh năm 1920. Vậy là xuân này, già ngót nghét gần trăm tuổi. Ngần ấy tuổi vẫn chưa thấm vào đâu so với tuổi của ngôi nhà già đang sở hữu. Ngôi nhà của già có từ thời ông cố để lại cho ông nội, nghĩa là nó đã đi qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Do chiến tranh, ngôi nhà phải 3 lần di chuyển đến những địa điểm khác nhau để tránh bom rơi, đạn lạc của kẻ thù. Đầu tiên nó được xây dựng ở xã Đoàn Kết, kháng chiến chống Pháp được di chuyển đến sóc Bù Môn; thời kỳ chống Mỹ lại tiếp tục di chuyển lên xã Phú Sơn để tránh bom đạn. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ngôi nhà được chuyển về sóc Bù Môn, thuộc thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng hiện nay. Khởi thủy của ngôi nhà chỉ có 6 cây cột được chia tách từ một cội của cây trai to đến 3 người ôm. Theo phong tục của người S’tiêng, trước khi làm nhà phải làm lễ xin giàng (trời), giàng cho phép mới được vào rừng tìm kiếm cây trai. Ngôi nhà của người S’tiêng bao giờ cũng có 6 cây cột được chia tách từ lõi của một cây trai to đến 3, 4 có khi 5, 6 người ôm. Để hạ được cây này, người S’tiêng dùng rìu đẽo một phần thân cây, sau đó dùng nõ đóng vào để chia thành 6 phần. Mọi trai tráng trong làng được huy động vào rừng rồi cùng nhau hò reo nắm từng phần của thân cây tách ra, hạ cây rồi sau đó dùng rìu ghè đẽo thành cột nhà.
Những gian nhà của người S’tiêng tiếp nối nhau qua nhiều thế hệ
Mỗi gian nhà của người S’tiêng bao giờ cũng có 6 cây cột và 2 cửa ra vào. Già Điểu Đố cho biết, cửa vào còn có chức năng đón ánh nắng mặt trời để sưởi ấm cho mọi thành viên trong gia đình. Cửa ra là nơi để thoát khói cho ngôi nhà nên thường đặt ở cuối chiều gió. Các thế hệ trong dòng tộc của người S’tiêng thường tiếp nối nhau qua mỗi gian nhà. Gian nhà của thế hệ sau tiếp nối gian nhà thế hệ trước hoặc gian nhà của người vợ sau tiếp nối gian nhà của người vợ trước. Do vậy, ngôi nhà của người S’tiêng trở thành ngôi nhà dài bất định theo dòng chảy của thời gian. Mỗi gian nhà bao giờ cũng có kho thóc được đặt phía trên bên trong. Tùy theo diện tích mỗi ngôi nhà mà kho thóc có kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Chỉ cần nhìn bên ngoài kho thóc, người S’tiêng có thể biết gia chủ còn nhiều cái ăn hay không.
VĂN HÓA NHÀ DÀI
Người S’tiêng không có chữ viết nên mọi văn hóa, tập tục đều được truyền miệng hoặc thông qua từng vật dụng trong đời sống thường nhật để lưu truyền và nhận biết. Mái nhà là nơi lưu giữ gần như tất cả mọi thứ tín ngưỡng từ tinh thần đến vật chất của người S’tiêng. Để nắm được số thành viên trong dòng tộc, người S’tiêng quy ước mỗi gia đình là một thanh tre, mỗi thành viên gia đình được biểu thị bằng một đoạn tre không thể tách rời trong thanh tre ấy. Nhìn vào số lượng của đoạn tre được gấp khúc trên thanh tre chúng ta có thể biết được gia đình ấy có bao nhiêu người, có bao nhiêu thanh tre là dòng tộc trên sóc đó có bao nhiêu gia đình. Những thanh tre này thường được già làng lưu giữ bên trong ở phía trên mái nhà. Xà gạc, cung nỏ, gùi, dao cho đến sừng trâu, đàn bầu hay kèn đinh jút cũng được lưu giữ trên mái nhà. Già làng Điểu Đố cho biết thêm, việc lưu giữ sừng trâu trên mái nhà là cách để người S’tiêng biết được mình đã quay đầu trâu bao nhiêu lần. Nếu nhìn ở góc độ tâm linh, việc lưu giữ sừng trâu sẽ giúp gia chủ chăn nuôi thuận lợi hơn.
Lửa khói không thể tắt trong gian nhà của người S’tiêng. Cứ mỗi gian nhà là một bếp lửa. Lửa lúc nào cũng hiện diện bên trong ngôi nhà từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này đến năm khác, có nghĩa là lửa khói luôn hiện hữu trong nhà từ lúc con người sinh ra cho đến khi biến mất trên cõi đời. Ngay cả khi con người chết đi lửa vẫn còn, vẫn luôn tiếp nối từ đời này sang đời khác. Bếp lửa của người S’tiêng không chỉ để nấu nướng thức ăn mà còn là nơi để mọi thành viên trong gia đình tụ tập trò chuyện. Bên bếp lửa, người mẹ sẽ hát ru con ngủ, bên bếp lửa người cha chỉ dạy cho các con cách săn bắt con hươu, con nai trong rừng. Bên bếp lửa cùng với tố rượu cần, người S’tiêng sẽ hát kể cho nhau nghe những cuộc tình thâu đêm suốt sáng. Lửa còn là vũ khí, là sức mạnh, là niềm tin để người S’tiêng tự tin chiến thắng với hồn ma và thú dữ.
Già làng Điểu Đố tự hào bên những sừng trâu được lưu giữ trên mái nhà qua các lần quay đầu trâu
Cùng với lửa là tố, ché, xà lung, cồng chiêng, nhạc cụ cũng là những thứ không bao giờ thiếu trong mỗi căn nhà dài của người S’tiêng. Nhìn vào số lượng tố, xà lung mà người ta có thể đoán biết được gia chủ giàu hay nghèo. Với người S’tiêng, tố 1 mắt, 3 mắt, 6 mắt hay xà lung, chà lung mới là của, là thứ tồn tại vĩnh hằng trong trời đất. Thậm chí chiếc xà lung 3 mắt có thể đổi được một mạng người trước khi chém ma lai. Cho dù giàu hay nghèo, trong mỗi ngôi nhà dài lúc nào cũng có ít nhất 1 tố rượu cần. Rượu cần là thứ đặc sản, là món ăn tinh thần dùng để thết đãi khách quý. Do vậy lúc nào trong nhà đồng bào S’tiêng cũng chuẩn bị sẵn bình rượu cần để tiếp đón khách. Với người S’tiêng, rượu cần còn được xem như nước quý để hiến dâng trong giao tiếp với thần linh.
CẦN BẢO VỆ KHẨN CẤP
20 năm trước, già làng Điểu Đố làm một căn nhà xây, gác lửng, nền lát gạch hoa ngay cạnh nhà dài của mình. Thế nhưng mọi sinh hoạt trong gia đình của già lâu nay vẫn cứ diễn ra trong nhà dài mái tranh, tường bằng tre nứa đã nhuộm màu thời gian qua 2 thế kỷ. Mọi du khách tìm đến đây đều muốn tham quan ngôi nhà dài, chụp hình với căn nhà tranh mái lá chứ không phải nhà xây thời hiện đại. Nghĩa là mọi người đang tìm về quá khứ, tìm về nguồn cội căn nhà truyền thống của người S’tiêng. Ý thức trước viễn cảnh ngôi nhà dài sẽ mất trong tương lai gần, cách đây 2 năm, già làng Điểu Đố âm thầm nhân rộng những bụi mây trong vườn nhà để tích lũy nguyên liệu chuẩn bị tu bổ ngôi nhà. Đi đến đâu có tranh là già cắt mang về chất thành đống để chuẩn bị nguyên liệu cho phần mái. Với già, ngôi nhà là hồn vía, là nguồn cội của dân tộc. Mất nhà là mất nguồn cội, mất nguồn cội là mất văn hóa, mất dân tộc. Với già, dân tộc là những người anh em sinh ra, lớn lên và mất đi ở một chỗ. Ngay cả khi chết đi cũng phải chôn ở nơi mình sinh ra, nếu chôn không đúng thì hồn ma sẽ đánh nhau, người ở trên mặt đất sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến đau bệnh triền miên.
Bình Phước có 41 dân tộc anh em, trong đó người S’tiêng là dân tộc thiểu số bản địa với nền văn hóa tương đồng với văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên lối kiến trúc nhà dài lại là nét đẹp riêng biệt vốn có của người S’tiêng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, không trộn lẫn với bất kỳ lối kiến trúc của các dân tộc khác. Nhiều du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh Bình Phước vẫn không quên đến đây để tìm hiểu nét đẹp văn hóa của người S’tiêng trong ngôi nhà dài của già làng Điểu Đố. Thế nhưng toàn tỉnh hiện nay chỉ còn một ngôi nhà dài của già Điểu Đố thể hiện rõ những đặc tính của nhà dài và mang đậm chất văn hóa của người S’tiêng trong căn nhà này. Văn hóa từ thời săn bắt, hái lượm, giao tiếp với thần linh đang còn hiện hữu rất rõ trong ngôi nhà này. Thế nhưng ngôi nhà hiện nay đã xuống cấp trầm trọng. Toàn bộ phần mái tranh của ngôi nhà hiện đã được thay thế mái tôn. Ngay cả vách tre nứa hiện có chỗ phải dùng tôn để che chắn mưa gió. Du khách khi chụp hình lưu niệm với ngôi nhà cứ “chạy trốn” những tấm tôn vô hồn để tìm đến phần tre nứa làm cho chủ nhà cũng thấy e ngại. Do vậy, việc trùng tu giữ gìn ngôi nhà của người S’tiêng có một không hai này không chỉ có già làng Điểu Đố mà còn là nhiệm vụ cấp thiết của huyện Bù Đăng nói riêng và ngành văn hóa tỉnh nói chung.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn