Kiến trúc Nhà ở truyền thống tại Bình Phước và vấn đề bảo tồn (Bài cuối)
>> Bài 1: Những giá trị cổ xưa
Theo khảo sát của tác giả, hiện số nhà truyền thống của người Kinh chỉ còn một số căn ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành. Nhà ở của người Khơme chỉ còn ở xã Lộc Thành và xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Nhà ở truyền thống của người Xêtiêng chỉ còn một số căn ở xã Lộc Thạnh và xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh. Nhà ở của người Mơnông chỉ còn 2 căn (một ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập và một căn ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng). Trong đó, những ngôi nhà có giá trị tiêu biểu đặc trưng của cộng đồng như: Nhà của ông Liên Thành Quân ở thị trấn Chơn Thành, kiểu nhà chữ Đinh, ba gian, mái lợp ngói vảy cá, sân vườn mang đặc trưng không gian truyền thống của người Kinh. Nhà của ông Điểu Đố ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, kiểu nhà trệt dài truyền thống của người Mơnông... Con số còn lại quá ít so với tỷ lệ dân số và sự phát triển nhà truyền thống của các cộng đồng cư dân trong lịch sử. Thực trạng đó cho thấy, nguy cơ biến mất hoàn toàn những ngôi nhà truyền thống có giá trị văn hóa của các cộng đồng cư dân có thể diễn ra trong thời gian không xa. Điều đó cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo tồn và phát huy nhà truyền thống của tỉnh trong thời gian tới.
Nhà của ông Điểu Đố ở thị trấn Đức Phong - nhà truyền thống tiêu biểu của người Mơnông ở Bình Phước
Vấn đề đặt ra là chúng ta có cần thiết phải bảo tồn nhà truyền thống không? Nếu có thì bảo tồn như thế nào? Và phương pháp tiến hành ra sao? Rõ ràng, nhà truyền thống ở Bình Phước là một trong những thành tố chứa đựng văn hóa của các cộng đồng cư dân, việc bảo tồn nhà truyền thống là góp phần bảo tồn di sản văn hóa của các cộng đồng cư dân ở Bình Phước, nghĩa là cần thiết. Làm tốt vấn đề này không chỉ giúp chúng ta giữ gìn được những di sản văn hóa của địa phương, hỗ trợ tốt cho việc nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội thông qua phát triển các loại hình du lịch.
Vấn đề bảo tồn không phải bất kỳ ngôi nhà truyền thống nào còn lại cũng đều đưa vào bảo tồn mà cần có chọn lọc theo hai phương án: Nếu là nhà truyền thống còn lại tập hợp thành những khu, làng thì cần bảo tồn nguyên trạng cả làng đó. Ngược lại, trong một khu vực mà số nhà truyền thống phân bố rải rác thì nên lựa chọn những căn nhà tiêu biểu để bảo tồn. Đối với những ngôi nhà còn lại mang tính độc nhất, thuộc loại quý hiếm như nhà ông Điểu Đố ở thị trấn Đức Phong thì cần phải bảo tồn ngay.
Về phương án bảo tồn, trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn về kinh phí như hiện nay thì cần đẩy mạnh giải pháp xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động bảo tồn, trong đó tập trung vào việc vận động chính chủ nhà gìn giữ nguyên trạng các căn nhà truyền thống đang có. Hướng dẫn chủ nhà cách trùng tu tôn tạo để đảm bảo gìn giữ tối đa các yếu tố gốc của ngôi nhà.
Giải pháp hiệu quả nhất, có thể gìn giữ được nguyên vẹn các nhà truyền thống đó chính là xếp hạng di tích. Tùy vào điều kiện của địa phương và giá trị của các ngôi nhà để có thể lập hồ sơ xếp hạng. Việc này tạo cơ sở khoa học và pháp lý để bảo tồn nhà truyền thống ở Bình Phước. Trong số các ngôi nhà truyền thống ở Bình Phước hiện nay, nhà của ông Điểu Đố ở thị trấn Đức Phong, nhà của ông Liên Thành Quân ở thị trấn Chơn Thành là có nhiều điều kiện để xếp hạng di tích. Song song với việc bảo tồn, cần xây dựng điểm đến cho khách tham quan đối với những ngôi nhà được bảo tồn. Việc này có tác động qua lại, một mặt góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, mặt khác sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là chủ ngôi nhà, tạo thêm động lực cho họ tham gia thực hiện tốt việc bảo tồn.
Hiện nay, vấn đề mai một nhà ở truyền thống ở Bình Phước đang diễn ra hết sức nhanh chóng, nếu không có giải pháp kịp thời thì tất cả sẽ đi vào quá khứ. Sau này nếu muốn đi tìm lại những thành tựu văn hóa xưa của cha ông qua ngôi nhà truyền thống đều không thể.
Tác giả bài viết: Trân Luân cập nhật
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn