Bảo tồn văn hóa truyền thống để phát triển du lịch văn hóa
Bình Phước hiện lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ như Thành đắp đất hình tròn, đàn đá, trống đồng; các bộ sưu tập công cụ đá, gốm. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác cũng được bảo tồn và lưu giữ như: tín ngưỡng truyền thống, dân ca, dân vũ, sử thi; trường ca dân tộc S’tiêng, Mơnông... Các di sản văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cũng được tôn tạo, phục hồi như: Miếu Bà Rá, Đình thần Hưng Long, chùa Sóc Lớn... cùng rất nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng. Nổi bật là tết Chol Chnam Thmay, lễ hội xuống đồng, lễ hội phá bàu (dân tộc Khơme); lễ kỳ yên, lễ cầu bông (dân tộc Tày, Nùng); lễ Sen Dolta (dân tộc chăm, Khơme); lễ hội lập làng, mừng lúa mới (dân tộc S’tiêng)... Đây là những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện rõ nét văn hóa, tính cách con người và hình ảnh vùng đất quê hương cách mạng Bình Phước.
Để bảo tồn, lưu giữ những di sản văn hóa nói trên, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh đã thực hiện nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về văn hóa các dân tộc thiểu số như: Tổng điều tra sử thi các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Tổng điều tra các di sản văn hóa phi vật thể của người S’tiêng Bình Phước; Tổng điều tra cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể của người Khơme Bình Phước... Trong năm 2018, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngành sẽ phục dựng lễ hội kết bạn của cộng đồng người Mơnông Bình Phước. Đồng thời sưu tầm các hiện vật, hình ảnh về đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh... bước đầu tạo nền tảng để phát triển loại hình văn hóa du lịch trên địa bàn Bình Phước.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn