01:42 ICT Thứ hai, 23/12/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động thể thao

Phút trải lòng của “huyền thoại sống” làng điền kinh Việt Nam

Thứ hai - 02/11/2015 07:40
Phút trải lòng của “huyền thoại sống” làng điền kinh Việt Nam

Phút trải lòng của “huyền thoại sống” làng điền kinh Việt Nam

Điền kinh Bình Phước nói chung và marathon nói riêng đang ngày càng khẳng định được vị thế, không chỉ đấu trường quốc gia mà còn ở khu vực. Thành công ấy có công sức vun đắp không nhỏ của huấn luyện viên Bùi Lương - “huyền thoại sống”. Phóng viên Báo Bình Phước đã có cuộc phỏng vấn ngắn với ông Bùi Lương.

Phóng viên (PV): Chào thầy, xin thầy cho biết bề dày thành tích trong sự nghiệp điền kinh của mình từ khi còn là vận động viên (VĐV) tới bây giờ?

 HLV Bùi Lương: Tôi làm VĐV tròn 20 năm, bắt đầu gắn đời mình với đường chạy từ năm 1957 và kết thúc năm 1977. Trong 20 năm trên đường chạy, tôi đã nhiều lần giữ kỷ lục quốc gia ở các cự ly 5.000m, 10.000m, marathon 50km, 9 lần liên tiếp vô địch giải việt dã Báo Tiền Phong. Cũng trong 20 năm đó, tôi đã có gần chục năm là thành viên của tuyển điền kinh quốc gia. Giã từ đường chạy, tôi vào học Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh). Sau khi kết thúc việc học, tôi chuyển sang làm HLV cho đội điền kinh Hà Nội. Các VĐV mà tôi đào tạo đạt thành tích cao có thể kể tới như: VĐV Đặng Thị Tèo (vô địch quốc gia các cự ly 800m, 1.500m, 5.000m, 6 lần vô địch giải việt dã, giữ kỷ lục chạy marathon toàn quốc); Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Thị Hòa. Đặc biệt, năm 1992, tôi dẫn 2 VĐV Đặng Thị Tèo và Lê Văn Hùng dự thi Olympic Bacerlona. Tới năm 2001, tôi làm HLV cho đội tuyển quốc gia. Tại SEA Games 2003 tổ chức tại Việt Nam, 2 học trò do tôi huấn luyện đều đạt huy chương là Đoàn Nữ Trúc Vân HCV 10.000m, HCĐ 5.000m và Nguyễn Thị Hòa HCB marathon. SEA Games 2009 có Phạm Thị Hiên, Bùi Thị Hiền đạt huy chương và đặc biệt tại Đại hội thể thao Châu Á trong nhà Asian Indogame 2009, Bùi Thị Hiền đã giành được HCB, HCĐ.

Tôi giã từ đội tuyển quốc gia năm 2009 và đến với đội biên phòng. Đầu năm 2011, tôi bắt đầu có cơ duyên với điền kinh Bình Phước. Tôi đã đưa điền kinh đội chạy cự ly dài Bình Phước trở thành đội tuyển có tên tuổi tại Việt Nam với: Trần Văn Lợi (vô địch leo núi Bà Rá 2012-2013, vô địch marathon toàn quốc 2013); Hoàng Nguyên Thanh (vua leo núi Bà Rá 2014-2015, HCV giải vô địch marathon toàn quốc 2015, HCĐ SEA Games 28); Lâm Thị Thúy (xếp thứ 4 tại SEA Games 28, HCB giải vô địch marathon toàn quốc 2015). Tại giải Chinh phục đỉnh cao Bà Rá vừa qua, điền kinh Bình Phước đã lên ngôi vô địch 6/8 nội dung.

Sắp tới, thầy trò sẽ chuẩn bị hành trang lên Phước Long luyện tập để chinh phục đỉnh cao Bà Rá khởi tranh ngày 6-1-2016 với mục tiêu đem lại vinh quang cho tỉnh Bình Phước.

PV: Thầy hãy cho biết những khó khăn trong công tác đào tạo VĐV trẻ hiện nay?

HLV Bùi Lương: Điều khó khăn nhất là thầy phải tìm hiểu, nắm bắt đặc điểm của VĐV từng vùng để đưa ra các bài tập phù hợp. VĐV phải có lòng đam mê, ham thích kết hợp với sự tận tâm mới trong khâu đào tạo mới có thể đem đến những thành công. Đồng thời, quan trọng không kém là sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo các ban, ngành.

PV: VĐV điền kinh Bình Phước có những điểm yếu gì thưa thầy?

HLV Bùi Lương: “VĐV Bình Phước đa phần là con nhà nghèo, sống ở địa hình đồi núi nên có ưu thế về sức mạnh bền. Tuy vậy, hiểu biết về khoa học của các em còn hạn chế. Để có thành tích cao đòi hỏi phải có sự kết hợp của VĐV, HLV và bác sĩ. Trong huấn luyện, VĐV phải hiểu biết bài tập của người thầy, hiểu khoa học tập luyện mới đem lại kết quả tốt nhất. Khi người thầy đưa khoa học vào quá trình tập luyện nhưng VĐV chưa thể tiếp thu hết thì vẫn không phát huy hết sức mạnh của mình. VĐV Bình Phước còn yếu về hiểu biết khoa học”.

PV: Để công tác đào tạo VĐV trẻ từ cấp cơ sở phát triển cần những yếu tố gì, thưa thầy?

HLV Bùi Lương: Mong rằng, các cấp lãnh đạo thể thao tạo điều kiện tốt về hạ tầng cơ sở từ các lớp cơ bản đến chuyên sâu và chuyên môn cao. Phải có một hệ thống đào tạo vững vàng để sớm phát hiện ra VĐV tài năng. Quan trọng hơn là việc làm sao để các VĐV không hụt hẫng trong quá trình đi lên chuyên nghiệp.

Bình Phước là tỉnh có mũi nhọn marathon các cự ly 5.000, 10.000m. Đây đều là các cự ly dài và đầy thử thách, đòi hỏi VĐV sự hy sinh, nghị lực lớn. Bình Phước mới tập trung phát triển marathon từ năm 2011 mà chúng ta đã đạt được những thành công ở đấu trường quốc gia và khu vực. Đó là tín hiệu tích cực”.

PV: Chúc thầy luôn khỏe mạnh để tiếp tục sự nghiệp huấn luyện đầy vinh quang.

Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước