Hấp dẫn Bình Phước
Bình Phước được ví như viên ngọc chưa mài rũa của Đông Nam Bộ. Với thiên nhiên hùng vỹ và hàng loạt địa danh ít người biết đến, vùng đất này vẫn còn vô số những điều bí ẩn cho dân mê xê dịch.
Rừng cao su Bình Phước.
Cách TP Hồ Chí Minh chừng 150 km nhưng nhắc đến Bình Phước hầu như dân yêu thích du lịch không có quá nhiều ấn tượng, nếu có cũng chỉ là những vườn hồ tiêu, vườn điều hay những nông trường cao su bạt ngàn. Ở đây có sự giao thoa giữa Tây Nguyên màu sắc và Đông Nam Bộ. So với những điểm đến khác ở Đông Nam Bộ đang chuyển mình rầm rộ thì Bình Phước được ví như một viên ngọc chưa mài rũa.
Nhưng, cũng không ít người lại thích thú với sự “nguyên vẹn” đó.
Trước hết phải kể đến sản phẩm du lịch về nguồn tìm về địa chỉ đỏ với tuyến quốc lộ 13 trải dài qua các di tích như: Di tích lịch sử quốc gia địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô ở Hớn Quản, Mộ 3.000 người ở Bình Long, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Quân ủy Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết, Nhà giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Di tích lịch sử quốc gia tổng kho xăng dầu VK98, Di tích lịch sử quốc gia Cục hậu cần Miền tại Hồ Cầu Trắng.
Qua tuyến đường ĐT741 và quốc lộ 14 có Di tích lịch sử quốc gia Núi Bà Rá, nơi thành lập Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng đầu tiên ở Miền đông Nam bộ Phú Riềng Đỏ, Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo.
Du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên ở Bình Phước với Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có diện tích tự nhiên là 26.032 ha, hệ động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên thơ mộng và những thác nước hùng vỹ. Đặc biệt, Trảng cỏ Bù Lạch là một danh thắng nổi tiếng ở Bình Phước với những cánh rừng bao quanh những đồng cỏ trải dài tít tắp. Về du lịch tâm linh, Bình Phước có núi Bà Rá với Miếu Bà linh thiêng.
Đặc biệt, Bình Phước có địa danh Sóc BomBo thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng được hình thành từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Những anh hùng chiến sĩ du kích thời xưa như Điểu Lên, Điểu Sen nay đều đã thành già làng nhưng vẫn còn sinh sống tại Sóc.
Hầu hết chúng ta đều biết đến Sóc BomBo qua bài hát “Tiếng chày trên Sóc BomBo” nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Hồng, hình ảnh của những người dân đồng bào S’Tiêng ngày đêm giã gạo nuôi quân chống giặc đã đi vào thơ ca và lịch sử như thế. Ngày nay thì cả cối và chày đều là những vật dụng khá xa lạ với chính người dân S’tiêng, chúng chỉ còn được lưu giữ trong nhà truyền thống, như để tưởng nhớ về một quá khứ vẻ vang và oai hùng.
Trong những dịp lễ hội, người dân cũng tổ chức các cuộc thi giã gạo như thể hiện một niềm tự nào chưa bao giờ nguôi của Sóc BomBo. Hiện nay phần lớn dân làng ở đây là người S’tiêng và chưa có bất kỳ dịch vụ du lịch nào. Điểm đến này chỉ phù hợp với những bạn yêu thích khám phá, trải nghiệm hơn là nghỉ dưỡng.
Ấn tượng với du khách lần đầu đến Bình Phước còn là Thác Đứng cao chừng 4 - 6m, rộng khoảng 10m và ẩn trong màu xanh bạt ngàn của rừng cây và nương rẫy.
Tuy thấp nhưng dòng chảy của nước không hiền hoà mà cuồn cuộn đổ xuống từ trên cao, đập mạnh vào những tảng đá dưới chân thác làm tung lên hàng ngàn bọt nước trắng xoá.
Dưới chân thác là dòng DakQuotte với nhiều hòn đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau trải dài như vô tận, hai bên bờ là những thảm cỏ, những cây cổ thụ còn sót lại, lác đác điểm những chùm hoa phong lan nở.
Không nối tiếp thành hàng, cũng chẳng theo một trật tự nhất định, nhưng những tảng đá trên dòng DakQuotte cũng là chiếc cầu đưa du khách qua bờ bên kia, chọn những gốc cây cổ thụ, dựa lưng nghỉ ngơi, hàn huyên với bạn bè hay ngắm những cụm phong lan rừng đầy sức sống đong đưa trên những tán cây.
Để khai thác có hiệu quả vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch, tỉnh Bình Phước đã đầu tư xây dựng thuỷ điện nhỏ kết hợp với du lịch sinh thái tại thác Đứng. Trong tương lai nơi đây sẽ trở thành khu du lịch sinh thái với nhiều loại hình vui chơi giải trí.
Có một điểm khá độc đáo, hiện tỉnh Bình Phước còn sở hữu những công trình kiến trúc độc đáo thời Pháp thuộc. Lịch sử vẫn còn ghi dấu ấn, năm 1910, người Pháp trồng 100 ha cao su tại Lộc Ninh mở ra kỷ nguyên mới cho cây cao su trên vùng đất đỏ bazan Bình Phước.
Cùng với đó, bệnh viện Lộc Tấn ở ấp 5B, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh được xây dựng vào đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, chủ yếu để phục vụ đồn điền Misolanh (Pháp). Bệnh viện Lộc Tấn được UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2012.
Ai lần đầu đến Lộc Ninh và đi qua di tích Bệnh viện Lộc Tấn sẽ phải ngạc nhiên trước một công trình kiến trúc lạ và độc đáo. Đó là những nhà mái vòm được đúc bằng bê tông vững chắc mà thoạt nhìn có vẻ thấp, được xây dựng thứ tự ở một khoảng cách phù hợp bảo đảm không gian thoáng đãng theo triền dốc cao xuống thấp.
Lễ hội ở Sóc Bom Bo.
Ở cuối của khuôn viên gần 1km là con suối dùng để lấy nước phục vụ bệnh viện. Bệnh viện có tất cả 3 dãy nhà, mỗi dãy 2 nhà dài được nối với nhau bằng các hành lang bảo đảm cho người bệnh đi lại không bị ảnh hưởng của mưa, nắng.
Cũng như những công trình khác do Pháp xây dựng ở Việt Nam với kiến trúc đẹp, khuôn viên rộng, thoáng đãng làm cho con người cảm thấy dễ chịu kể cả mùa khô.
Đến vùng đất này để thấy, thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã nỗ lực khơi thông điểm nghẽn đưa du khách đến nơi này qua việc đầu tư các dự án lớn như: Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Quân ủy Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết, Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo, Khu du lịch tâm linh Núi Bà Rá, Khu phim trường Trảng cỏ Bù Lạch…
Tuy nhiên, du khách đến Bình Phước chưa nhiều. Có lẽ là do những sản phẩm du lịch tại các khu, điểm du lịch còn đơn điệu. Sự kết nối giữa các khu, điểm, các sản phẩm du lịch từ về nguồn, tâm linh, sinh thái và tìm hiểu văn hóa thành một tuyến du lịch cụ thể còn rất rời rạc. Các khu, điểm du lịch trên địa bàn Bình Phước chủ yếu là mạnh ai nấy làm.
Do đó, tuy gần một thị trường du lịch sôi động là TP Hồ Chí Minh, rồi Bình Dương, Đồng Nai nhưng du khách biết về du lịch Bình Phước còn rất hạn chế. Bởi vậy, việc kết nối, đánh thức các tiềm năng du lịch Bình Phước là một việc làm cần thiết.
Nguồn tin: Đại Đoàn Kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn