09:18 ICT Chủ nhật, 22/12/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động du lich

Giới thiệu về du lịch tỉnh Bình Phước

Thứ hai - 05/09/2011 09:33
Giới thiệu về du lịch tỉnh Bình Phước

Giới thiệu về du lịch tỉnh Bình Phước

Bài viết được trích từ Công văn số 940/SVHTTDL-DL ngày 31 tháng 8 năm 2011

      I. TIỀM NĂNG, CƠ HỘI ĐẦU TƯ

Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Nam bộ gồm bảy huyện (Đồng Phú, Bù Đăng, Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập) và 03 thị xã (Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long) với diện tích tự nhiên 6.872,06km2 và dân số 877.484 người. Bình Phước có ranh giới giáp với các tỉnh: Lâm Đồng và Đồng Nai ở phía đông, Tây Ninh và Campuchia ở phía Tây, tỉnh Bình Dương (ở phía Nam), tỉnh Đắk Nông và Campuchia (ở phía Bắc).

Về vị trí địa lý - kinh tế, Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong những khu vực phát triển kinh tế mạnh nhất trên cả nước và tiếp giáp khu vực Tây Nguyên, một trong những khu vực có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, đồng thời có đường biên giới với Campuchia với 3 cửa khẩu chính là cửa khẩu Hoa Lư, cửa khẩu Hoàng Diệu, và cửa khẩu Tà Vát; về giao thông, Bình Phước nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến đường huyết mạch kết nối khu vực Tây Nguyên với khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội cũng như kết nối tour tuyến với các thị trường, các điểm đến du lịch nổi bật của khu vực như Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như khu vực Đông Nam Á....

Tài nguyên du lịch tỉnh Bình Phước tương đối phong phú, đa dạng và có giá trị tương đối thuận lợi cho phát triển du lịch như hệ sinh thái rừng nguyên sinh, hệ thống thác, hồ nước, các di tích lịch sử - văn hóa, các di tích lịch sử cách mạng, các lễ hội, các không gian văn hóa dân tộc thiểu số … Các tài nguyên đủ điều kiện phát triển thành các khu, điểm du lịch hấp dẫn du khách, đặc biệt là các loại hình du lịch riêng của Bình Phước như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái …

Bình Phước có thế mạnh về du lịch sinh thái rừng, về du lịch lịch sử và là vùng chuyển tiếp, giao thoa của văn hóa Phật giáo (Campuchia), văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, văn hóa đan xen các miền trên cả nước và của vùng Đông Nam Bộ. Do vậy, nếu tận dụng được lợi thế sản phẩm du lịch Bình Phước sẽ đa dạng hơn. Tài nguyên rừng của Bình Phước được bảo vệ tương đối tốt nhưng vẫn chưa được khai thác để phục vụ du lịch do cơ sở hạ tầng còn yếu kém.

Nguồn tài nguyên du lịch được phân bố khá tập trung, rất thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng. Hiện nay, tỉnh quy hoạch thành 4 cụm du lịch chính:

      1. Cụm du lịch trung tâm

-  Quy mô: Cụm du lịch trung tâm bao gồm khu vực thị xã Đồng Xoài và các khu vực phụ cận thuộc các huyện Đồng Phú, thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản.

-  Tính chất: là cụm du lịch trung tâm và là đầu mối điều hành hoạt động du lịch của Bình Phước với các loại hình sản phẩm dịch vụ chính bao gồm: du lịch cuối tuần, du lịch sinh thái, tham quan di tích lịch sử văn hoá, di tích lịch sử cách mạng....

-  Các điểm tiềm năng chính: Khu du lịch Suối Cam, khu tưởng niệm Phú Riềng đỏ, chùa Quang Minh, hồ Suối Giai...

-  Trung tâm của cụm là thị xã Đồng Xoài

      2. Cụm du lịch Đông Bắ

Đây là cụm du lịch có tiềm năng du lịch lớn nhất của tỉnh Bình Phước.

Quy mô: bao gồm khu vực thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập và một phần huyện Bù Đăng dọc theo đường tỉnh 741. Đây là cụm du lịch bao gồm hầu hết những giá trị tài nguyên du lịch ở khu vực Đông Bắc tỉnh như Sóc Bom Bo, hồ Thác Mơ, núi Bà Rá, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập ...

-  Tính chất: là cụm du lịch phía Đông Bắc tỉnh với các loại hình sản phẩm dịch vụ chính bao gồm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, tham quan di tích lịch sử cách mạng, du lịch văn hoá (tập trung vào văn hoá dân tộc thiểu số).

 - Các điểm tiềm năng chính: Khu vực núi Bà Rá, Khu vực Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Khu vực hồ Thác Mơ, Khu vực Thác Đăk Mai, khu vực Sóc Bom Bo...

- Trung tâm của cụm là khu vực phường Thác Mơ

      3. Cụm du lịch Tây Bắc

- Quy mô: Cụm Du lịch Tây Bắc bao gồm các khu vực dọc theo Quốc lộ 13 trên địa bàn huyện Lộc Ninh.

- Tính chất: là cụm du lịch phía Tây Bắc tỉnh với các sản phẩm dịch vụ chính bao gồm du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng, du lịch thương mại cửa khẩu.

- Các điểm tiềm năng chính: các điểm di tích lịch sử cách mạng liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như Căn cứ Bộ chỉ huy Miền, Sân bay Lộc Ninh, Nhà Giao tế, cửa khẩu Hoa Lư...

- Trung tâm của cụm là khu vực thị trấn Lộc Ninh.

     4. Cụm Du lịch Đông Nam

Là cụm du lịch mới phát triển trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch của Khu vực Vườn Quốc gia Tây Cát Tiên, Trảng cỏ Bù Lạch và Sông Đồng Nai.

- Quy mô: bao gồm phần phía Nam huyện Đồng Phú và huyện Bù Đăng nằm ở phía Nam đường quốc lộ 14.

- Tính chất: là cụm du lịch phía Đông Nam tỉnh với các sản phẩm du lịch khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái, văn hóa… của khu vực Đông Nam tỉnh đặc biệt là ở Vườn Quốc gia Tây Cát Tiên và khu vực Trảng cỏ Bù lạch.

- Các tiềm năng chính: bao gồm các khu vực có tiềm năng du lịch sinh thái, thể thao như Vườn Quốc gia Tây Cát Tiên, Sông Đồng Nai, Trảng cỏ Bù lạch… và các tiềm năng du lịch văn hóa gắn với dân tộc thiểu số.

- Trung tâm của cụm là thị trấn Đức Phong.

      II. CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ VÀO DU LỊCH

      1. Dự án khu vui chơi, giải trí tổng hợp Hồ Suối Cam

- Loại dự án: Dự án dịch vụ

- Địa điểm: Thị xã Đồng Xoài

- Miêu tả dự án: Dự án điểm của tỉnh Bình Phước, nằm trong quy hoạch phát triển khu du lịch trung tâm thị xã Đồng Xoài và phụ cận. Dự án được xây dựng từ một hồ tự nhiên rộng hơn 60ha, gắn kết với hồ suối Lam (cách thị xã Đồng Xoài 10km) là một danh thắng của tỉnh Bình Phước.

Hồ suối Cam nằm sát khu trung tâm tỉnh Bình Phước, nước trong xanh quanh năm, cảnh quan sinh động, nên thơ và mang dáng dấp của hồ trên núi.

- Vốn đầu tư: 340 tỷ đồng

- Loại hình đầu tư: kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài

- Hiện trạng: Cơ sở hạ tầng điện, đường, bưu chính viễn thông rất thuận lợi. Hiện UBND tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng xong đề án quy hoạch chi tiết khu du lịch hồ suối Cam gồm các hạng mục: nhà tủy tạ, sân khấu nhạc nước, công viên nước, thủy cung, làng dân tộc, trung tâm hội nghị - hội thảo và các hạng mục phụ trợ khác (khu du lịch này cách TPHCM 120km).

      2. Dự án quy hoạch khu du lịch sinh thái Bà Rá - Thác Mơ

- Mục tiêu dự án: khai thác cảnh quan sinh thái của núi Bà Rá, hồ thủy điện Thác Mơ, các thắng cảnh và di tích lịch sử lân cận tạo thành khu du lịch tổng hợp, có thể đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí, lễ hội, leo núi, bơi thuyền, nghỉ dưỡng …

- Địa điểm thực hiện: Khu vực núi Bà Rá (1.300)ha, đảo khỉ trên hồ Thác Mơ (200ha). Phạm vi bảo vệ sinh thái toàn bộ vùng núi Bà Rá và lòng hồ Thác Mơ rộng 1.000ha.

- Qui mô của dự án xây dựng tuyến cáp treo dài 2.160m, xây dựng làng kiến trúc trên Đảo Khỉ, làng du lịch, khách sạn và ẩm thực.

- Loại hình đầu tư: Kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước

- Vốn đầu tư: 540 tỷ đồng

      3. Dự án Khu du lịch sinh thái, lịch sử Khu căn cứ Qân ủy  Bộ chỉ huy Miền(B2) Tà Thiết

- Mục tiêu dự án: Khai thác cảnh quan sinh thái của khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn, các thắng cảnh và di tích lịch sử lân cận tạo thành khu du lich tổng hợp, đáp ứng nhu cầu tham quan di tích lịch sử, giải trí, nghỉ dưỡng … cho du khách.

- Địa điểm thực hiện: Khu vực xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh

- Qui mô của dự án: 3.500ha

- Miêu tả dự án: Xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử liên quan tới  Khu Căn cứ quân ủy Bộ chỉ huy miền và phục hồi các di tích liên quan tới điểm cuối đường Hồ Chí Minh

- Loại hình đầu tư: Kêu đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.

- Vốn đầu tư: 540 tỷ đồng

      4. Dự án khôi phục làng văn hóa các dân tộc thiểu số sóc Bom Bo

- Mục tiêu dự án: Khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc S’Tiêng, khai thác các giá trị văn hóa và lịch sử sóc Bom Bo và cảnh quan sinh thái khu vực sông Đăk Lâp, các thắng cảnh và di tích lịch sử lân cận tạo thành khu du lịch tổng hợp, có thể đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơ, giải trí, nghỉ dưỡng…

- Địa điểm thực hiện: Khu vực xã Bình Minh, huyện Bù Đăng

- Qui mô của dự án: 113,4ha

- Loại hình đầu tư: kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. 

- Vốn đầu tư: 118 tỷ đồng       

Tác giả bài viết: TL cập nhật

Nguồn tin: Phòng Nghiệp vụ du lịch

Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước