22:42 ICT Thứ bảy, 21/12/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động du lich

Quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều

Thứ ba - 11/09/2018 07:44
Sản phẩm nhân hạt điều của Hợp tác xã Phước Hưng

Sản phẩm nhân hạt điều của Hợp tác xã Phước Hưng

UBND tỉnh ngày 29-8-2018 đã ban hành Quyết định số 2065/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, sử dụng và kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu hạt điều Bình Phước là cơ sở để Bình Phước trở thành “thủ phủ” cả về chế biến, xuất khẩu, làm tăng giá trị hạt điều Bình Phước trên thị trường.

PHẢI ĐƯỢC CHẾ BIẾN TỪ 100% HẠT ĐIỀU NGUYÊN LIỆU

Điều 4 của quy chế nêu rõ: Chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều bao gồm những sản phẩm sau: hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân và hạt điều rang muối. Các tính chất chất lượng đặc thù của sản phẩm hạt điều mang chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” được quy định tại Điều 1 Quyết định số 673/QĐ-SHTT ngày 13-3-2018 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” cho sản phẩm hạt điều.

Sản phẩm nhân hạt điều của Hợp tác xã Phước Hưng, nhóm phát triển điều bền vững Hội Nông dân xã Tiến Hưng (Đồng Xoài), sản phẩm tiêu biểu năm 2013 sẽ được quản lý, sử dụng và kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Bình Phước” - Ảnh: S.H

Điều kiện để sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý quy định tại Điều 5 của quy chế. Đó là các sản phẩm đáp ứng quy định tại Điều 4 quy chế; sản phẩm được sản xuất, chế biến bởi các tổ chức, cá nhân đã được cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý cho phép sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”; sản phẩm được sản xuất, sơ chế, chế biến và đóng gói trong khu vực chỉ dẫn địa lý được bảo hộ; đối với hạt điều nhân, hạt điều rang muối phải được chế biến từ 100% hạt điều nguyên liệu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”; sản phẩm được kiểm soát theo quy định trong quá trình sản xuất và có khả năng truy xuất nguồn gốc.

THẨM QUYỀN QUẢN LÝ

Quyền quản lý chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” quy định tại Điều 6 Chương II quy chế. Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền quản lý chỉ dẫn địa lý, được quy định tại Điều 19 Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp. UBND tỉnh Bình Phước có các quyền tài sản và quyền tự bảo vệ được quy định tại Điều 123 và Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ. UBND tỉnh Bình Phước ủy quyền quyền quản lý chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước.

Về sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” trên nhãn hàng hóa, Điều 7 quy chế nêu: Khoản 1, UBND tỉnh Bình Phước cho phép sử dụng logo quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo quyết định này là logo chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Khoản 2, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” phải sử dụng logo chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, đồng thời có thể sử dụng thêm dấu hiệu Bình Phước trên nhãn hàng hóa sản phẩm theo quy định sau: a. Logo chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước phải được đặt trên nhãn hàng hóa của sản phẩm, đặt trên mặt trước của nhãn và có kích thước không nhỏ hơn 2/3 kích thước logo riêng của tổ chức và cá nhân; b. Sử dụng logo chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” theo đúng quy định về hình ảnh, bố cục, kiểu chữ, màu chữ và màu nền quy định tại Khoản 1 điều này; c. Có thể lựa chọn logo có chữ bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh tùy thuộc vào thị trường và nhu cầu của tổ chức, cá nhân; d. Được phép phóng to, thu nhỏ phù hợp với bao bì đóng gói nhưng không được thay đổi bố cục, màu sắc, tỷ lệ hoặc bất kỳ dấu hiệu nào trên logo được quy định tại Khoản 1 điều này và Điểm a, Khoản 2 điều này; đ. Khi sử dụng dấu hiệu “Hạt điều Bình Phước” hoặc “Binh Phuoc cashew” trên nhãn hàng hóa sản phẩm thì dấu hiệu đó phải được đặt ở vị trí trang trọng, dễ nhận biết và có kích thước phù hợp để người tiêu dùng có thể đọc được.

KHÔNG SỬ DỤNG LIÊN TỤC TỪ  2 NĂM TRỞ LÊN SẼ BỊ THU HỒI

Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau: Không tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến chỉ dẫn địa lý; Sản phẩm của tổ chức, cá nhân không đáp ứng điều kiện bảo hộ; Sản phẩm không tuân thủ các quy định về kiểm soát chỉ dẫn địa lý; Sử dụng các dấu hiệu chỉ dẫn địa lý không đúng quy định; Tổ chức, cá nhân đã được cấp văn bản trao quyền nhưng không tiến hành sử dụng chỉ dẫn địa lý liên tục từ 2 năm trở lên; Chuyển giao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân khác; Tổ chức có tư cách pháp nhân bị giải thể hoặc phá sản; Tổ chức, cá nhân tự nguyện chấm dứt việc sử dụng chỉ dẫn địa lý; Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi nghiêm trọng khác có liên quan.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước