22:58 ICT Thứ bảy, 21/12/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động du lich

Những địa danh linh thiêng của người S'tiêng ở Bình Phước

Thứ sáu - 21/06/2019 09:07

Người S’tiêng Bu Dru và S’tiêng Bu Krwai (KơrơWai) là hai dòng tộc S’tiêng cư trú lâu đời ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Hai dòng tộc này còn có tên gọi là S’tiêng Jâng Brăh (S’tiêng chân núi Bà Rá, thuộc nhánh S’tiêng Bu Lơ), với số dân hơn 349 người, hiện đang sinh sống tại thôn 7, xã Long Giang, thị xã Phước Long. Từ Bu trong tiếng S’tiêng theo nghĩa rộng có nghĩa là người, cộng đồng tộc người, theo nghĩa hẹp tương ứng với khái niệm: họ, người ta. Dru là địa danh địa lý, Krơwai (Kơrơwai) là tên con suối Krơwai, con suối nằm giữa hai thôn Nhơn Hòa 1 và Nhơn Hòa 2 thuộc xã Long Giang. Yếu tố văn hóa này tương tự như một số họ của người Êđê thường gắn với địa danh sông, suối như: Buôn Krông, Ênuôl (Ea Nuôl)… Trong tâm thức của người S’tiêng Bu Dru và Krơwai, Phước Long là vùng đất thiêng (wêng, smiêt) không chỉ bởi những huyền thoại về vị thần Yau Nhưt đắp nên núi Bà Rá (Bnâm Brăk - núi thần), mà còn gắn với không gian địa lý và những địa danh gắn với đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng dân gian. 


Địa danh gắn với đặc điểm không gian địa lý

Theo sự xác định của cộng đồng S’tiêng, không gian địa lý của nhóm S’tiêng Bu Dru và Krwai, ở phía đông được xác định từ ranh giới phía Nam của Thác Mơ dòng Sông Bé (Chơn N’hai Prai), suối Dak Sung và Dak Trang trải dài về hướng Nam, Tây Bắc và Tây Nam núi Bà Rá, tức bao gồm địa giới hành chính của các phường thuộc Thác Mơ, Long Thủy, Sơn Giang, xã Long Giang và một phần diện tích của phường Long Phước (phần gần giáp với thôn Long Điền ngày nay). Ở phía Tây, giáp khu vực thôn Long Điền, phường Long Phước. Phía Bắc giáp con Sông Bé, phía Nam giáp khu vực chợ mới Phước Bình.

Không gian địa lý của Bu Dru và Bu Krwai có rất nhiều con suối bắt nguồn từ chân núi Bà Rá đổ ra Sông Bé. Yếu tố nước là yếu tố quan trọng đầu tiên của nhiều tộc người nói chung và tộc người S’tiêng nói riêng lựa chọn để dựng làng và phát triển kinh tế, xã hội. Sự đa dạng của các nguồn nước đã tạo nên đặc thù gắn với không gian cư trú của tộc người S’tiêng trong lịch sử. Điểm quan trọng đầu tiên về mặt địa lý là nguồn nước. Phía Đông chân núi Bà Rá, Suối (Dak) Sung và Trang bắt nguồn từ chân núi Bà Rá (khu vực thôn Phước Quả), rồi đổ về Sông Bé tạo thành địa danh Prai, Mlâu. Ở phía Tây chân núi Bà Rá là nguồn nước Dak Jung (suối Dung), suối Jung bắt nguồn từ khu vực thôn Phước Quả đổ về Sông Bé. Trên nguồn suối Jung có các con suối nhỏ đổ về như: dòng suối Sơwêt, Pômpam, Kup, Gar (gần cầu suối Jung). Dòng suối thứ ba là Dak Krwai, suối Krwai bắt nguồn khu vực phường Sơn Giang, nằm giữa thôn Nhơn Hòa 1 và Nhơn Hòa 2, đổ về Dak Băng (B-ăng), sau đó đổ về Dak Lwi (Lơwi) rồi hợp lưu với dòng Sông Bé. Trên dòng suối này có địa danh Chơn N’hai Rmas (thác tê giác), phải chăng vùng đất này xưa kia có con tê giác sinh sống. Lý do, có tên địa danh thôn Bù Krwai của xã Đức Hạnh ngày nay là sau giải phóng năm 1975, người S’tiêng Bu Dru và Bu Krwai cùng một số nhóm khác đến sinh sống tại xã Đức Hạnh và lấy tên thôn là Bu Krwai. Năm 1980, người S’tiêng Bu Dru và Krwai trở về quê hương cũ, nay là thôn 7, xã Long Giang. Nhóm người S’tiêng Bu Wiêr còn lại ở xã Đức Hạnh giữ luôn tên thôn là thôn BuKrwai như một sự trân trọng địa danh suối Krwai. Người S’tiêng Bu wiêr là dòng tộc S’tiêng sinh sống gắn với địa danh con suối Dak Wiêr, đầu nguồn con suối này hiện nay nằm trong lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Suối Dak Wiêr đổ về Sông Bé gần cổng của nhà máy thủy điện Thác Mơ hiện nay. Cửa suối này ngày xưa nổi tiếng nhiều cá sấu, đặc điểm này được tương truyền trong dân gian như sau: Kơr bơ bong Wiêr, kla niêr rông (cá sấu cửa suối Wiêr, cọp cây cầy cổ thụ/cây kơnia cổ thụ). Cây kơnia cổ thụ huyền thoại ấy gần trường trung học cơ sở Thác Mơ (trường Nhất Linh), thuộc  phường Thác Mơ đã bị đốn hạ khi mở rộng đường ĐT 741. Xét về mặt địa lý, cửa suối Wiêr là khúc sông, vùng tiếp giáp giữa đoạn nước sâu và đoạn nước cạn nên cá sấu đến đây nhiều (iêr ưt par Ѣưng rlac (rơrach): bìm bịp không thể bay qua sông). Còn khu vực cây kơnia cổ thụ có nhiều cọp, vị trí thuận lợi cho con cọp qua lại từ trên núi Bà Rá băng qua con Sông Bé hoặc ngược lại.
Dòng suối thứ tư là Dak Băng (B-ăng), suối bắt nguồn từ khu vực trung tâm hành chính của thị xã Phước Long (đường ĐT 741, hiện nay là quán lẩu dê Mười Trí), nằm giữa khu vực thôn Nhơn Hòa 2 và thôn 7, Long Giang. Suối Băng tiếp nhận thêm các con suối nhỏ như: Dak Pôh, Dak Ras (thuộc khu vực Phường Sơn Giang, gần khu di tích cây khế bà Nguyễn Thị Định) rồi đổ về suối Lwi, suối Lwi đổ ra Sông Bé. Theo tương truyền của người S’tiêng Bu Dru và Krwai, nguồn nước Băng có nhiều địa danh rất linh thiêng đó là Tmâu (Tơmâu) Meo, tức tảng đá con mèo, Chơn Nơhai, Tmâu Meo (thác con mèo), Tmau Kla kos (tảng đá cọp cào). Về phía hạ nguồn, dòng suối Băng còn tiếp nhận thêm Dak Lung Lên (suối bắt nguồn từ thôn 7, Long Giang).
Dòng suối thứ năm là Dak Pơn Dôk, suối bắt nguồn từ khu vực thôn Long Điền, phường Long Phước, nằm giữa khu vực thôn 7 với thôn Long Điền chảy về hướng Bắc và đổ về Dak Lwi, đổ về Sông Bé, tại thôn An Lương xã Long Giang. Nguồn suối Pơn Dôk tiếp nhận thêm một số nguồn suối nhỏ là: Dak Kưn Jray (đầu nguồn suối này xưa kia rất linh thiêng), Dak Dôông Dêng (có các địa danh Pơn Kăn, Măng Gây). Dak Pơn Dôk có nhiều địa danh linh thiêng như: Pưng Srêi Tmau Jun (cánh đồng con  nai), Tmau Jun (Đá nai), chơn N’hai Pơndôk, Dôôngdêng (thác Pơn Dôk và Dôôngdêng). Gần cuối nguồn, Dak Pơr Dôk tiếp nhận thêm Dak Sah Tu (suối gùi cũ), Dak Sah Tu nằm ở cuối thôn 7. Tên con suối Săh Tu là do con suối nằm dưới chân núi Săh Tu (Bnâm Săh Tu), núi Săh Tu là núi do vị thần S’tiêng (Yau Nhưt), định chọn làm vị trí đắp núi Bà Rá, vị thần đã đổ hết một gùi đất tại đây. Tuy nhiên, sau khi đo lại khoảng cách từ núi Bà Đen (Tây Ninh) đến vị trí đó thì không đủ bảy cây gậy (poh toong bơr nos, gậy thụt canh khi nấu trong ống, tương đương 7 mét của vị thần) nên vị thần đã chuyển lên vị trí Bà rá ngày nay.
Dòng suối thứ sáu là Dak Lwi, suối bắt nguồn từ khu vực thôn Long Điền đổ về Sông Bé. Con suối này tiếp nhận thêm các con suối khác như Dak Knas. Trên phái thượng nguồn suối Dak Lwi có địa danh Chăh Châu. Ngoài ra, cách xa thôn 7 gần 6  đến 7km về phía Tây Bắc còn có các con suối khác như: Dak Kưn Jôn, Dak Kơr Koh, Slar. Những con suối này góp phần tạo nên hợp lưu dòng Sông Bé và được lưu truyền qua những câu chuyện kể đầy chất thiêng và đậm chất huyền thoại trong dân gian S’tiêng.

 Nụ cười em gái S’tiêng. Ảnh: Vũ Bình

Nụ cười em gái S’tiêng. Ảnh: Vũ Bình 

Địa danh gắn với đặc điểm văn hóa, tín ngưỡng dân gian

Trên nền tảng của không gian địa lý, vùng đất Phước Long trở thành một tiểu vùng văn hóa đầy tâm linh, tạo nên sắc thái đa dạng văn hóa tộc người của tỉnh Bình Phước. Theo nghĩa rộng: “Văn hóa vùng là văn hóa của cộng đồng cư dân sinh tồn trên phạm vi một không gian giới hạn bởi tiêu chí hành chính, địa lý, kinh tế, văn hóa hoặc một tiêu chí bất kỳ nào khác”; theo nghĩa hẹp, “văn hóa vùng là văn hóa của một vùng văn hóa, là hệ thống giá trị đặc thù do một chủ thể văn hóa thống nhất sáng tạo và tích luỹ trong một thời gian văn hóa đủ dài trong không gian văn hóa liên tục”. Như vậy, có thể hiểu tiểu vùng văn hóa Phước Long từ lâu đã gắn liền với đời sống văn hóa của nhóm S’tiêng Bu Dru và Krwai.
Trên quan niệm vạn vật hữu linh, “thiên nhiên linh thiêng” vùng địa lý này, đã gắn chặt đối với đời sống xã hội, văn hóa, tín ngưỡng và thực hành xã hội. Điều đó đã tạo nên những nguyên tắc ứng xử hài hòa, tôn trọng đối với các vạn vật, con sông, dòng suối, ngọn núi… trong cõi vũ trụ. Trong tâm thức của người S’tiêng Bu Dru và Krwai ở Phước Long, núi Bà Rá (Brăh Bnâm) là một ngọn núi thiêng, một ngọn núi được bồi đắp bởi bàn tay đầy quyền năng của một vị Thần hoặc các em gái của vị Thần (Mi Jiêng và Mi Lơm), vị Thần rất “xinh đẹp”, dệt thổ cẩm rất giỏi, người mẹ xứ sở trong huyền thoại của người S’tiêng. 
Xuôi dọc con Sông Bé từ cầu Thác Mơ hướng về cầu Dak Glung có rất nhiều địa danh gắn với dấu ấn sinh hoạt của vị thần Yau Nhưt (ktuc a sưng dach Yau Nhưt, tạm dịch là nơi vị Thần bị ngã khi bắt rắn khổng lồ). Tương truyền rằng, vị Thần có một con gái xinh đẹp nhưng kén chồng, một con rắn khổng lồ đã hóa thành một chàng thanh niên trai tráng, sau khi cưới xong con gái của vị thần, “chàng rể” biến lại thành con rắn rồi nuốt chửng con gái của thần và lội xuống sông. Ngài đã đắp đập chặn dòng nước để bắt rắn, khi kéo lôi rắn ra khỏi hang, vị thần đã bị ngã nhào, nơi vị Thần bị ngã tạo thành lòng sông ngày nay. Những tảng đá trên con Sông Bé ngày nay là những chiến tích của các vị Thần, nhiều địa danh dọc Sông Bé gắn liền với văn hóa đánh bắt thủy sản của người S’tiêng (khi chưa xây dựng thủy điện Thác Mơ) như: chơn N’hai Dih (thác dưới), chơn N’hai Lơ (thác trên), N’hal Wach N’hal Klang, Noong Iêr Mêi (chuồng gà mẹ), Noong Iêr Kon (chuồng gà con)… Trên cánh đồng Sơn Long cũng có câu chuyện huyền thoại về đôi nam nữ yêu nhau, vì chơi đùa với xương rắn cạp nong cặp nia, cô gái bị chết, chàng trai lấy xương rắn tự khứa vào tay mình rồi chết cùng với người yêu, hai người đã biến thành tảng đá.
Theo những lời kể của người S’tiêng trong dân gian, những địa danh này rất linh thiêng, vì có sự ngự trị của thần linh trong đó. Hệ thống thần linh liên quan đến các con sông, dòng suối, ngọn núi huyền thoại Bà Rá được cộng đồng lưu truyền qua những câu chuyện hư ảo liên quan đến các địa danh và các sự kiện liên quan đến nghi lễ, lễ hội như: lễ hội mừng lúa mới, lễ tắm cho thần lúa (bras ba), hôn nhân, hay trong văn học truyền miệng... 
Do sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa danh của người S’tiêng Du Bru và S’tiêng Krwai hiện nay đã hư hỏng, biến đổi bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số cảnh quan rất thiêng đã bị thay đổi đáng kể, đặc biệt là các địa danh từ cầu Thác Mẹ đến cầu Đak Glung. Thậm chí có nơi không còn gắn với không gian thiêng hoặc bị xâm phạm nghiêm trọng (chẳng hạn tảng đá ở cánh đồng Sơn Long gắn với chuyện tình đôi trai gái bị trúng độc xương rắn; chơn N’hai Tmau Meo, thác Pơn Dôk, Dôông Dêng rất đẹp tại thôn 7, Long Giang bị tàn phá bởi nước lũ đổ về). 
Hiện nay, địa danh của thị xã Phước Long đã có nhiều biến đổi. Sự thiêng hóa các yếu tố tự nhiên gắn với các địa danh của tiểu vùng văn hóa Phước Long trên nền tảng của người S’tiêng Bu Dru và Krwai vẫn còn lưu truyền trong dân gian vừa huyền thoại vừa hiện thực. Nếu xét về góc độ văn hóa, những địa danh của người S’tiêng Bu Dru và Krwai là một loại hình di sản phi vật thể gắn với lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh… cần được sưu tầm, ghi chép cẩn trọng để bảo tồn, lưu giữ và gắn với địa danh không gian văn hóa Phước Long. 

Nguồn tin: Theo Khoa học và Thời đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước