Trịnh Hậu - Một tướng nhà Lê
>> Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển
Các ngôi đình ở Bắc bộ đối tượng thờ cúng thường rất phong phú và đa dạng, có nguồn gốc rõ ràng, trong đó một vị biểu tượng cho sức mạnh tự nhiên gồm thần Sông, thần Núi, thần Sấm, thần Sét, thần Mây và một vị biểu tượng là những nhân vật lịch sử, những vị anh hùng dân tộc, những ông tổ nghề có công với làng... Những ngôi đình ở Bình Phước hiện nay việc tìm hiểu thân thế, sự nghiệp các vị thần thành hoàng không phải dễ dàng, không còn đầy đủ vóc dáng, quyền uy như ở cố hương mà thuần túy chỉ giữ lại danh xưng, bởi chưa tìm được sắc phong, thần phả để lại.
Cội nguồn thành hoàng bổn cảnh
Hầu hết các vị thành hoàng trong các ngôi đình ở Bình Phước chỉ được hình dung ở hai mức: Mức nâng cấp các vị nhân thần, từ các vị khai canh trở thành Thành Hoàng Bổn Cảnh.
Điển hình như đình Thần Hưng Long (Chơn Thành); đình Tân Khai; đình Thanh An (Hớn Quản); đình Thần Hoàng (Bù Đăng). Mức thứ hai là các vị quan của triều đình nhà Nguyễn để lại dấu ấn trên vùng đất này, ở mức trung đẳng thần. Điển hình như đình Tân Lập Phú.
Ông Nguyễn Hoàng Ẩn, Trưởng ban quy tế đình Tân Lập Phú, cho biết: Đình Tân Lập Phú hiện nay chưa tìm thấy sắc phong. Theo ghi chép, lời truyền khẩu của các vị cao niên, đình thờ ngài Trịnh Hậu, một tướng nhà Lê, được nhà Nguyễn phong là trung đẳng thần, là người đã có công giúp nhân dân làm ăn, sinh sống và hiện nay chính là vị Thần Hoàng Bổn Cảnh của ngôi đình.
Các vị Thành Hoàng Bổn Cảnh trong ngôi đình ở Bình Phước thường ngự ở gian chính giữa, cũng là trung tâm thờ của ngôi đình, thường được tạo dáng uy nghiêm, ngự trên ngai chạm hai con rồng, sơn son thếp vàng, mặc áo long bào với các long vị hình chữ nhật (thần vị) mô phỏng dáng người ngồi, ghi tên hiệu của thần... Bên cạnh thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, hai bên tiền điện trong ngôi đình còn thờ Tiền hiền - người có công khai khẩn và Hậu hiền - người có công khai cơ. Cũng có khi Tiền hiền và Hậu hiền được thờ ở phía sau, trong hậu cung.
“Thành” là tường bao quanh một khu vực/xứ/làng. “Hoàng” là cái hào bao quanh tường. “Bổn” hay còn gọi là “Bản” có nghĩa là gốc, cội nguồn, nơi đây. “Cảnh” có nghĩa là địa điểm. Bổn Cảnh có nghĩa là khu vực nơi ấy. Thành Hoàng Bổn Cảnh là một vị thần xứ sở cai quản, bảo trợ cho một vùng đất, khu vực cụ thể. Thành Hoàng Bổn Cảnh trong các ngôi đình ở Bình Phước là những vị thần xứ sở được triều đình điều đến để cai quản một khu vực, vùng đất nhất định nào đó hay là đỉnh cao của quá trình nâng cấp tín ngưỡng khai canh, khai khẩn. |
Ngoài ra, điển hình như đình Thần Hưng Long bên trái (tả vu) thờ Thổ Địa Bát Gia, bên phải điện (hữu vu) thờ Trí Mạng Đế Quân. Các thần linh hậu vận Thành Hoàng, đa phần các ngôi đình đều thờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh được thờ vị trí trung tâm gian giữa của ngôi đình theo quan niệm truyền thống là tôn vinh người đúng đầu quốc gia. Trong khuôn viên của ngôi đình còn đền thờ Đức Thánh Trần. Trong đền các tượng phật được bố trí sắp đặt ngăn nắp với hệ thống thờ các vị: Linh Sơn Thánh Mẫu, Bà Thiên Hậu, Thiên Linh, Bà Chúa Xứ, Thần Môn Chư Vị, Đức Thánh Trần, Địa Mẫu...
Đậm nét văn hóa Việt
Có một số ngôi đình lập bàn thờ thần Nông. Thần Nông là một vị vua trong lịch sử, vị thần trông coi lúa gạo, dạy dân cày cấy, giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bàn thờ thần Nông được đặt trước sân đình, hoặc ở một góc sân đình, một vài ngôi đình xây bục thờ bằng xi măng, hoặc có nơi xây miếu thờ, trong miếu có tấm bảng thờ ghi hai chữ thần Nông bằng chữ Hán. Khi cúng, trải chiếu ra, đặt đồ cúng lên đó rồi cúng bái. Đồ cúng, ngoài hương đăng, trà quả, nhân dân ta còn cúng xôi, thịt heo. Heo cúng sống đã làm xong, để nguyên con đặt trên mâm trải chiếu. Bên cạnh đó, là đĩa đồ lòng, heo, lông, huyết, một con dao nhỏ - ngụ ý là heo còn sống, mời thần dùng dao xẻ thịt. Đầu heo đặt quay vào nơi thờ thần. Trên bục còn đặt thêm một ly nước hay một hũ nước nhỏ và một cái gáo để múc, tượng trưng cho thời buổi còn sơ khai. Bốn góc bục thờ thần Nông được cắm bốn cây đèn cầy (nến) tượng trưng cho ngày của dương thế là đêm của âm phủ, đêm của thần. Điển hình các lễ này thường được tổ chức tại đình Thần Hưng Long, đình Tân Lập Phú, đình Tân Khai.
Trịnh Hậu - một tướng nhà Lê, được nhà Nguyễn phong là Trung Đẳng Thần, Thành Hoàng Bổn Cảnh của đình Tân Lập Phú
Trong các ngôi đình ở Bình Phước còn có tục thờ thần Hổ, góp phần giúp đỡ và bảo vệ mùa màng cho dân làng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhà nhà yên ổn, người người an vui và cũng còn có chức năng hộ vệ cho vị Thành Hoàng Bổn Cảnh. Tục thờ Rồng được miêu tả với nhiều dáng vẻ, tùy thuộc vào sự tưởng tượng phong phú của từng cộng đồng, từng dân tộc và luôn biến đổi theo thời đại hoặc không gian cư trú. Rồng cũng xuất hiện trong các đình đền, chùa, miếu ở Bình Phước như đình Tân Lập Phú, đình Tân Khai, đình Thần Hưng Long, đình Thần Hoàng... Rồng được thể hiện nơi ngai điện, trên bức liễn hoặc bức bình phong thể hiện sức mạnh của thần linh, là chủ của nguồn nước, mang lại sức sống mãnh liệt, làm cho mùa màng tốt tươi.
Vị trí trong đời sống tinh thần nhân dân
Tục thờ Hạc và Rùa cũng là đối tượng thờ cúng trong các ngôi đình. Theo truyền thuyết thì rùa và hạc là đôi bạn thân thiết. Rùa vốn là con vật sống dưới nước và có thể bò trên mặt đất. Hạc là sinh vật sống trên cạn nhưng lại biết bay. Rùa và hạc là những sinh vật có tuổi thọ và là hình ảnh tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục. Rùa là con vật đứng hàng thứ ba trong tứ linh “long, lân, quy, phụng” của người Việt Nam từ xa xưa.
Theo truyền thuyết trong lịch sử dân tộc ta, rùa đã có nhiều thành tích trong việc dựng nước và giữ nước, như truyền thuyết thần Rùa Kim Quy giúp An Dương Vương làm nỏ thần đánh thắng kẻ thù Triệu Đà và xây dựng thành Cổ Loa hay chuyện rùa thần đã giúp Lê Lợi đánh thắng quân Minh... Những truyền thuyết đó đã nhắc nhở những người dân từ Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thanh - Nghệ - Tĩnh đi khai phá vùng đất Bình Phước mang theo tín ngưỡng thờ thần Rùa. Hiện nay, hình ảnh hạc đứng trên lưng rùa cũng được thấy ở các ngôi đình như đình Thần Hưng Long, đình Tân Lập Phú, đình Tân Khai... như thể hiện khát vọng trường tồn và những ước muốn thanh cao của người dân Bình Phước.
Đối tượng thờ cúng trong các ngôi đình ở Bình Phước thể hiện sự kính trọng, tôn sùng với tính kế thừa từ đời này sang đời khác của người Việt. Thông qua việc thờ cúng, con cháu bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thánh, thần đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; luôn giữ vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam từ buổi khai hoang mở đất cho đến ngày nay.
Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn