08:11 ICT Thứ tư, 13/11/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Nét riêng và giá trị lịch sử của các ngôi đình ở Bình Phước (Bài 1) - Quá trình hình thành và phát triển

Thứ hai - 13/07/2015 09:26
Đình thần Hưng Long

Đình thần Hưng Long

Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh hiện có 6 ngôi đình thần. Mặc dù quy mô kiến trúc không hoành tránh, đồ sộ như các ngôi chùa nhưng sự hiện diện của các ngôi đình thần trên đất Bình Phước đã để lại dấu ấn đậm nét, một biểu tưởng văn hóa đặc sắc của cộng đồng cư dân người Việt trên hành trình Nam tiến.

Theo sử liệu, người Việt bắt đầu đến Bình Phước lập nghiệp vào khoảng giữa thế kỷ XVII. Sau đó là những đợt di cư rải rác trong các thế kỷ XVIII, XIX và nhiều nhất vào thời gian thực dân Pháp bắt đầu khai thác các đồn điền cây công nghiệp đầu thế kỷ XX. Hầu hết người Việt đến mưu sinh ở Bình Phước vào lúc ban đầu là nông dân nghèo; những người chống đối cường hào, địa chủ ở nông thôn Bắc bộ; những nông dân miền Trung mất đất canh tác vì không chịu nổi sưu thuế nặng của triều đình. Quá trình khai hoang mở ấp lập làng của họ diễn ra trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Họ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy nơi rừng thiêng nước độc. Nhiều người đã phải bỏ nơi này về lại quê cha đất tổ để làm ăn sinh sống. Những người ở lại cố gắng vượt qua, tạo niềm tin bằng việc lập ra miếu, chùa, đình để cầu mong được che chở.

DẤU ẤN KHAI SÁNG

Theo lời truyền khẩu của các bậc cao niên và căn cứ vào các tấm bia, các ngôi đình ở Bình Phước được khai sáng theo hai luồng di cư của người Việt: Một bộ phận đến từ vùng Bình Dương, điển hình là ngôi đình Thần Hưng Long do cư dân vùng Phú Lợi (Bình Dương) di cư đến Chơn Thành sáng lập; đình Tân Khai do những cư dân vùng Tân Khánh - Bà Trà tổng Tân Uyên, trong đó có hai dòng họ là họ Huỳnh do ông Huỳnh Công Phê và họ Trần do ông Trần Văn Bầu di cư đến Hớn Quản sáng lập. Một bộ phận đến từ vùng Bắc bộ, Bình - Trị - Thiên, Quảng Nam di cư đến khai sáng. Điển hình là ngôi đình Thần Hoàng do hai ông Dương Bằng và Dương Phích, huyện Duy Xuyên - Quảng Nam di cư đến Bù Đăng sáng lập; đình Tân Lập Phú do những cư dân Bắc bộ, Bình - Trị - Thiên di cư đến Bình Long sáng lập.

Căn cứ vào lời truyền khẩu, sắc phong, hoành phi dựng trong các ngôi đình, đình ở Bình Phước được khai sáng gắn với quá trình khai hoang, khai ấp, lập làng từ năm 1850-1962. Ngôi đình có niên đại sớm nhất là đình Thần Hưng Long (khu phố 4, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành) được khai sáng năm 1850; đình Tân Khai (ấp 5, xã Tân Khai, huyện Hớn Quản) được khai sáng năm 1901; đình Thần Thanh An (ấp Địa Hạt, xã Thanh An, huyện Hớn Quản) được khai sáng năm 1919; đình Tân Lập Phú (khu phố Phú Xuân, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long) được khai sáng năm 1923; đình Thần Núi Gió (ấp Núi Gió, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản) được khai sáng năm 1930; đình Thành Hoàng (khu phố Đức Hòa, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng) được khai sáng năm 1962...

Đình Thần Hưng Long ở Chơn Thành được khai sáng năm 1850 - ngôi đình có niên đại sớm nhất ở Bình Phước

Các ngôi đình ở Bình Phước đều có đặc điểm chung vừa phải hứng chịu sự khắc nghiệt của thiên nhiên vừa chịu nhiều bom đạn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vì thế, hầu hết đều phải trải qua rất nhiều lần di dời, xây dựng, trùng tu, tôn tạo. Điển hình như đình Thần Hưng Long có đến 4 lần di chuyển. Ban đầu, đình được xây dựng gần cầu Bến Dinh (khu 4, thị trấn Chơn Thành ngày nay). Sau đó, đình được di chuyển đến khu 3, thị trấn Chơn Thành ngày này. Năm 1946, giặc Pháp đã đánh sập đình, người dân trong làng coi đây là một điều tối kỵ, không tốt cho cuộc sống và phát triển của nhân dân trong vùng nên đến năm 1963 đình được xây dựng tại vị trí gần cầu Bến Dinh, do tọa lạc ở xã Hưng Long nên đình được gọi là đình Thần Hưng Long, tên gọi này tồn tại cho đến nay.

VÀ DẤU ẤN LỊCH SỬ

Đình Tân Khai có tới 11 lần di dời. Năm 1901, đình được dựng trên nền tảng từ đình Thần Bưng Cù; hay còn gọi là miếu Ông Cù, Tân Khánh, Bà Trà. Năm 1906, thực dân Pháp cho thành lập 4 làng người Việt là Tân Khai, Tân Lập Phú, Tân Quan và Tân Thành. Đình thuộc xã Tân Khai, tổng Tân Minh, quận Hớn Quản nên được gọi tên là đình Tân Khai. Đình Tân Khai đã trải qua 7 lần xây dựng, trùng tu, tôn tạo mới có diện mạo như ngày nay.

Đình Tân Lập Phú có hai lần xây dựng, trùng tu. Lần thứ nhất vào năm 1986, do hậu quả của cuộc chiến tranh chống Mỹ để lại. Lần tiếp theo năm 2003. Có được diện mạo như ngày nay, đình Thanh An được trùng tu tôn tạo vào các năm 1976, 2000...

 Đình thần ở Bình Phước thường quay về hướng nam. Theo triết học Phương Đông thì hướng nam gắn với quẻ ly trong Kinh Dịch, quẻ của ánh lửa rực rỡ. Hướng nam còn được coi là hướng của thánh nhân: “Thánh nhân Nam chi diện nhi thính hiện hạ” có nghĩa là “Thánh nhân ngồi quay về hướng Nam để nghe thiên hạ”. Đồng thời, hướng nam cũng tận dụng được nhiều yếu tố thuận lợi của thời tiết miền Nam, tránh được gió phương Bắc và các cơn bão phương Đông. Đình có hai lối kiến trúc khác nhau, một số lợp ngói âm dương, ngôi đình lợp mái tôn, tường xây gạch. Đình thường là 3 hoặc 4 nếp nhà tứ trụ, tức nhà vuông, một gian, hai chái, ở giữa sân có một bức bình phong, miếu thờ Thần Nông, miếu thờ nữ thần, có thể là một trong các nữ thần sau: Bà Thiên Hậu, Thiên Linh, Bà Chúa Xứ, Thần Môn Chư Vị, Đức Thánh Trần, Địa Mẫu... phía trong trung tâm của đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, phía sau đình thờ các bậc tiền khai canh, hậu khai khẩn.

Đình ở Bình Phước là một thiết chế văn hóa mang màu sắc tâm linh trong quan niệm đa thần và thờ thần của người Việt Nam nói chung và nhân dân tỉnh Bình Phước nói riêng nhằm tạo biểu tượng kính vọng, thờ tự, mong được sự giúp đỡ của thần linh - thần hoàng. Bước vào trong đình, không khí mát dịu làm ta như trút bỏ mọi vướng mắc của đời sống, chìm vào không gian tâm linh bao bọc xung quanh để tĩnh tâm, chiêm bái những nghệ thuật kiến trúc điêu khắc. Và ta hiểu rằng, ngôi đình đang mở rộng về phía trước thầm lặng giữ gìn một di sản nghệ thuật vô giá mà đến ngày nay vẫn thấy hiển hiện xôn xao đời sống xã hội mấy trăm năm về trước, để lại những giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Nhờ vậy, tình ấp nghĩa xóm, sự đoàn kết cộng đồng được gìn giữ trong truyền thống của con người Việt Nam.                      

Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước