08:09 ICT Thứ tư, 13/11/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Lễ cưới của người Mơnông Bù Đăng xưa và nay

Thứ sáu - 10/07/2015 08:16
Lễ cưới của người Mơnông Bù Đăng xưa và nay

Lễ cưới của người Mơnông Bù Đăng xưa và nay

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh năm 2011, người Mơnông sinh sống ở huyện Bù Đăng có 7.333 người, tập trung tại các xã Thọ Sơn, Đồng Nai, Đắk Nhau, Phước Sơn, Phú Sơn, thuộc nhóm người Mơnông Nong và Mơnông Rlâm và thuộc ngôn ngữ Môn - Khơme.

Cũng giống như các dân tộc khác, người Mơnông ở Bù Đăng đã sớm khẳng định bản sắc riêng qua nếp sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng truyền thống. Tuy nhiên, do tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình giao lưu văn hóa với các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn nên có sự giao thoa văn hóa, trong đó tục cưới là một điển hình.

Lễ cưới truyền thống         

Tục cưới xin của người Mơnông ở Bù Đăng hình thành lâu đời, được coi là một tục lệ văn hóa quan trọng, đặc sắc, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành, phát triển gia đình, dòng tộc và dân tộc. Ngày xưa, việc tìm hiểu trước kết hôn thường do người con trai chủ động ngỏ lời với người con gái qua các dịp lễ hội. Lễ cưới gồm các bước:

 Lễ dạm ngõ diễn ra tại nhà gái. Sau khi nhà trai chuẩn bị xong lễ vật thì ông mối bên nhà trai mang tới nhà gái. Ông mối nói rõ mục đích của việc gặp mặt và trình các lễ vật gồm: 2 ống nứa đựng măng chua kèm 1 chiếc vòng bằng đồng hoặc bạc. Nếu anh em trai bên mẹ cô gái đồng ý thì nhận lễ vật. Ông mối bàn với nhà gái để chọn ngày làm đám hỏi.

 Lễ hỏi được thực hiện trong 6 tháng hoặc 1 năm. Lễ vật nhà trai chuẩn bị cho lễ hỏi gồm: 1 vòng tay, 1 chuỗi hạt cườm, 1 chiếc gùi đựng ống măng chua, 1 ché nhỏ, 1 con heo. Đến ngày hai bên thống nhất, nhà trai cùng người mai mối và thanh niên trong họ mang lễ vật tới để thống nhất ngày cưới. Thường thì sau một năm lễ cưới mới được tổ chức. Trong lễ cưới, nhà gái tổ chức đâm trâu, người mai mối sẽ lấy máu trâu quét lên bàn thờ tổ tiên, thông báo cho các thần linh, tổ tiên rằng, cháu của họ lấy chồng, nhờ tổ tiên chứng giám, phù hộ được hạnh phúc.

 

Sự hòa trộn giữa văn hóa truyền thống và hiện đại 

 Hiện nay, lễ cưới truyền thống vẫn được tổ chức, nhưng có phần đơn giản. Lễ dạm ngõ, ông mối và hai gia đình trao đổi thống nhất chỉ trong một lần. Lễ hỏi được tổ chức tại nhà gái. Lễ cưới, nhà gái làm bữa cơm, nhà trai mang lễ vật đến. Khách mời dự bữa cơm thân mật với hai họ, sau đó nhà trai đón cô dâu. Từ khi đặt vấn đề đến khi tổ chức đám cưới chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Lễ cưới của người Mơnông dần bị Việt hóa

Hủ tục thách cưới của người Mơnông không còn nặng nề như trước. Quan niệm chọn bạn đời của người Mơnông cũng có sự thay đổi. Nếu ngày xưa thường bó hẹp trong buôn sóc, cùng dân tộc thì nay đã mở rộng, có thể kết hôn với người Xêtiêng, Kinh... điều này làm cho bản sắc văn hóa của đồng bào Mơnông ở Bù Đăng có sự thay đổi. Những cặp vợ chồng khác dân tộc sẽ có sự trao đổi văn hóa trong quá trình chung sống, con cái được hấp thu văn hóa của cả cha và mẹ. Nhiều gia đình có điều kiện đã tổ chức lễ cưới tại nhà hàng giống như người Kinh.

 Trang phục của cô dâu, chú rể trong ngày cưới có xu hướng giống người kinh. Cô dâu thích được mặc váy trắng ba tầng thay cho trang phục truyền thống. Chú rể thì thích mặc comple, đeo cà vạt, đi giày da. Âm nhạc không còn là tiếng cồng chiêng, đàn gông, gơngreng... rộn ràng, thay vào đó là những bản nhạc rock bốc lửa. Hình bóng những ché rượu cần truyền thống đã vắng bóng, thay vào đó là rượu, bia.

Ngày nay, nhiệm vụ “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đang rất cấp thiết. Theo đó, bản sắc văn hóa đẹp của dân tộc Mơnông trong cưới hỏi rất cần được gìn giữ, bảo tồn.                 

Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước