05:19 ICT Thứ tư, 13/11/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô trong chiến dịch Nguyễn Huệ

Thứ ba - 08/09/2015 07:45
Di tích Chốt chặn Tàu Ô

Di tích Chốt chặn Tàu Ô

Chiến dịch Nguyễn Huệ

Đầu năm 1970, tình thế chiến trường miền Nam diễn biến thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta. Bộ Chính trị ra nghị quyết: “Mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng Miền ĐôngNamBộ, Trị Thiên, Tây Nguyên hình thành một cuộc tiến công toàn miền để tiêu diệt lớn quân địch và mở rộng vùng giải phóng”. Miền Đông Nam Bộ là hướng rất quan trọng. Trên hướng này ta mở chiến dịch tiến công mang tên người anh hùng áo vải “Nguyễn Huệ”  bắt đầu nổ súng ngày 01/4/1972 nhằm giải phóng một phần các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh làm nơi đóng trụ sở của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, làm bàn đạp uy hiếp Sài Gòn từ hướng Bắc và Tây Bắc.

 Chiến dịch Nguyễn Huệ diễn ra từ ngày 01/4/1972 đến tháng 01/1973. uêHueeĐịa bàn chiến dịch gồm 4 tỉnh: Bình Long, Phước Long, Tây Ninh, Bình Dương với các đường chiến lược 22,13. Lấy đường 13 làm hướng tiến công chủ yếu, đường 22 hướng tiến công thứ yếu. Chiến dịch Nguyễn Huệ là chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô cấp quân đoàn đầu tiên ở miền Nam tiến công vào tuyến phòng ngự cơ bản của địch. Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng đầu tiên ở Nam Bộ. Trên hướng chủ yếu của chiến dịch ở đường 13: Sư đoàn 5 đánh trận then chốt mở đầu chiến dịch tiến công giải phóng Lộc Ninh; Sư đoàn 9 tiến công đánh chiếm Bình Long;Sư đoàn 7 được Bộ Chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ: “Đưa lực lượng luồn sâu đánh chiếm các mục tiêu và chốt chặn trên đường 13 (đoạn Nam và Bắc thị xã Bình Long ngày nay).

Diễn biến trận chiến Chốt chặn Tàu Ô trong chiến dịch Nguyễn Huệ

Chiến dịch Nguyễn Huệ, lần đầu tiên Bộ Tư lệnh Miền sử dụng sư đoàn làm nhiệm vụ chốt chặn kết hợp đánh vận động sau đó chuyển sang chiến đấu phòng ngự khu vực đã chia cắt địch trên đường 13 tạo điều kiện cho chiến dịch tiến công mục tiêu then chốt và giữ vững vùng mới được giải phóng.

Chấp hành nhiệm vụ mới của Bộ chỉ huy chiến dịch, Sư đoàn 7 đã kiên cường ngăn chặn địch kết hợp với vận động luồn sâu, bao vây chia cắt địch liên tục suốt 05 tháng (từ ngày 05/4/1972 đến 28/8/1972) trên đường 13 dài gần 20 km đọan từ Nam Bình Long đến Bắc Chơn Thành dài khoảng  hơn 10km, rộng khoảng hơn 05km, trong đó trọng điểm là khu vực Tàu Ô – xóm  Ruộng dài khoảng 02km, rộng khoảng hơn 01km để xây dựng khu vực phòng ngự chốt cắt then chốt.

Khu vực  phòng ngự chốt cắt của Sư đoàn 7 là nơi có phong trào chiến tranh nhân  dân phát triển cao, Sư đoàn 7 có điều kiện để xây dựng thế trận liên hoàn, vững chắc. Trong tiến trình của chiến dịch Sư đoàn 7 phối hợp cùng với quân dân địa phương đã chiến đấu kiên cường thực hiện “chốt cứng, chặn đứng, giữ vững trận địa dài ngày, không cho xe dưới lên, trên xuống” hình thành thế bao vây chia cắt chiến dịch ngay từ đầu, chặn cho được bộ binh, bộ binh cơ giới thuộc lực lượng của địch  lên tăng viện đường bộ và ngăn không cho địch tháo chạy về Sài Gòn bảo đảm cho lực lượng chủ yếu của chiến dịch tiến công tiêu diệt địch ở khu vực Lộc Ninh và An Lộc (Bình Long).

Con đường 13 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Trong suốt 150 ngày đêm, địch trút xuống khu vực này không biết bao nhiêu bom đạn với nhiều thủ đoạn đánh phá thâm độc. Chúng cho rằng “Cộng sản có là sắt thép cũng phải tan chảy thành nước, cũng phải bị nghiền nát thành tro bụi”. Nhưng chúng không thể ngờ được và chính Nguyễn Vĩnh Nghi - Tư lệnh Sư đoàn 21 của địch đã phải thốt lên “Mặt đất Tàu Ô còn ghê gớm hơn cả hình mặt trăng mà các nhà du hành vũ trụ Hoa Kỳ đã chụp được tôi không hiểu vì sao cộng sản lại có thể sống ở đó, để rồi chặn đứng tất cả các cuộc tiến công của ta”.

Suốt 05 tháng, Sư đoàn 7 đã tổ chức đánh gần 800 trận lớn nhỏ với nhiều hình thức khác nhau: đánh phục kích, tập kích, vây ép…tiêu diệt: 8.189 tên; bắt: 211 tên Ngụy; bắn rơi và phá hủy: 119 máy bay các loại; phá hủy: 202 xe các loại, 102 khẩu pháo, 20 hầm đạn và nhiên liệu, 03 hệ thống siêu tần số; thu 390 súng các loại.

Sư đoàn 7 đã hy sinh  gần 1.000 cán bộ chiến sỹ, hơn 25 cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang địa phương cũng đã hy sinh.

 Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô là chiến thắng của sự phối hợp nhịp nhàng và lòng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo vận dụng linh hoạt cách đánh chốt kết hợp với vận động, tập trung lực lượng đánh vận động là chính, kết hợp phòng ngự với tiến công của Sư đoàn 7 và quân dân địa phương. Địch thiệt hại nặng và buộc chúng phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa đường 13, đặc biệt là đoạn từ Chơn Thành lên thị xã An Lộc. Cuộc chiến đấu trên đường 13 đã làm cho Mỹ - Ngụy khiếp vía và chúng ví con đường 13 là “con đường không vui”, “con đường máu và nước mắt”.

Với Chiến thắng trên đường 13 của Sư đoàn 7 cùng với quân dân địa phương đãgóp phần quan trọngvào thành tích chung của chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta để bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô

Để tưởng nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước đã hi sinh xương máu cho nền độc lập dân tộc. Năm 2009, được sự giúp đỡ về vật chất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Ban liên lạc Cựu Chiến Binh Sư đoàn 7... Sư đoàn 7 đã xây dựng một Công trình Tượng đài Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô tại ấp 4, xã Tân Khai, huyện Hớn Quản với tổng diện tích 11.451,7m2. Công trình bao gồm Tượng đài chiến thắng Tàu Ô, Nhà Tưởng niệm, các hạng mục phụ trợ như cổng chào, chòi bát giác, sân, lối đi...

Tượng đài chiến thắng Tàu Ô: cao 15,5m, bệ tượng bằng bê tông ốp đá granit.Tượng đài có bệ tượng thể hiện 1 hình khối tam giác, một mũi tiến công, một bức tường thép. Khối âm xuống thể hiện giống chiếc hầm chữ A vững chắc, kiên cường bảo vệ bộ đội ta trước mưa bom bão đạn của quân thù. Phần bệ cao của tượng biểu tượng như một trụ mốc biên giới của vùng giải phóng mà kẻ thù bất khả xâm phạm. Trên biểu tượng ký hiệu chốt chặn trong quân đội và phần chữ “150 ngày đêm”. Phần tượng đài thể hiện sự hiệp đồng tác chiến của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích và nhân dân địa phương trong cuộc chiến đấu ác liệt suốt 150 ngày đêm bám chốt diệt địch. Phần phù điêu dưới bệ tượng gồm có 2 bức: Bức thứ nhất bên phải tượng đài thể hiện sự hiệp đồng tác chiến của các binh chủng bộ đội chủ lực; Bức thứ hai bên trái tượng đài thể hiện sự hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội chủ lực và lực lượng quân, dân địa phương.

Nhà tưởng niệm nhìn tổng thể giống ngôi đình làng truyền thống của người Việt có diện tích 375m2, được xây dựng theo kiểu 3 gian, 2 chái.Bên ngoài có hành lang rộng, bao quanh bởi 12 cột vuông bằng bê tông. Không gian bên trong được chịu lực bởi hai cột bằng bê tông, bốn bức tường xây có hệ thống cửa sổ và 1 cửa chính 4 cánh. Bên trong Nhà tưởng niệm là nơi thờ tự, phía sau gắn bia ghi danh gần 951liệt sĩ bộ đội chủ lực và 25liệt sĩ thuộc các lực lượng vũ trang địa phương. Mái Nhà tưởng niệm đổ bê tông dán ngói đỏ mũi hài. Trên đỉnh mái được đắp nổi tượng lưỡng long chầu nhật. Bốn đầu đao mái uốn cong có tượng rồng đắp nổi.

Xung quanh di tíchcó lối đirộng bằng bê tông và có vườn hoa, cây cảnh,có chòi bát giác nghỉ chân cho khách đến thăm, viếng.

 Ngày nay, di tích Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô đã trở thành địa chỉ đỏ của các chuyến về nguồn, tham quan, học tập, nơi tổ chức các sự kiện nhằm tri ân, vinh danh các anh hùng liệt sĩ... của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích  lịch sử quốc gia theo quyết định số 1205/QĐ-BVHTTDL ngày 29/3/2012.

Tác giả bài viết: Ban QLDT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước