06:42 ICT Thứ sáu, 03/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động thể thao

Thể thao Việt Nam 65 năm - một chặng đường

Thứ sáu - 25/03/2011 11:31
Năm 2011 đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp phát triển của TDTT nước nhà khi cách đây đúng 65 năm, Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục - văn kiện được coi là cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới.

Chăm sóc sức khỏe, tăng cường thể chất của nhân dân được coi là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Chính phủ. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi nhân dân ta phải có sức khỏe dồi dào, thể chất cường tráng…
Nhìn lại sự phát triển của TDTT trong 65 năm qua, có thể thấy, công tác quản lý nhà nước vể TDTT có nhiều chuyển biến, thể hiện qua việc tăng cường các văn bản quy phạm pháp luật và chất lượng, hiệu quả công tác của các cơ quan tham mưu, giúp lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Bộ triển khai công tác quản lý nhà nước về TDTT trên từng lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ, công chức của Tổng cục TDTT và các đơn vị trực thuộc luôn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao, có nhiều sáng kiến, cải tiến trong công việc, nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng trên địa bàn cả nước, thể hiện sự tăng trưởng 23% số người tập luyện TDTT thường xuyên, sự phát triển đa dạng của các loại hình tập luyện, các câu lạc bộ TDTT và chất lượng hoạt động TDTT của từng đối tượng.
Khẳng định vị trí ở sân chơi khu vực Đông Nam Á, luôn đứng trong Top 3 nước dẫn đầu kể từ SEA Games 22 tới nay, thể thao thành tích cao Việt Nam đã lần lượt vận dụng thành công nhiều chiến thuật và chiến lược hợp lý, đạt những mốc thành tích mới với nhiều huy chương châu lục, thế giới: SEA Games 24 năm 2007 tại Thái Lan xếp hạng 3 toàn đoàn, SEA Games 25 năm 2009, xếp thứ 2 toàn đoàn, giành vị trí thứ hai tại Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần 3 tổ chức ở Việt Nam.
Hai tiếng Việt Nam không còn xa lạ trên đấu trường thể thao quốc tế, bởi bạn bè đã biết đến và cổ vũ cho tên tuổi các VĐV Việt Nam giành thành tích xuất sắc tại các giải thi đấu trên. Việt Nam còn tự hào bởi công tác tổ chức các sự kiện thể thao lớn như SEA Games, Asian Indoor Games rất bài bản, chuyên nghiệp, tạo được tình cảm yêu mến của bạn bè thế giới về một Việt Nam thân thiện, hiếu khách.
Bên cạnh đó hoạt động hợp tác quốc tế và xã hội hóa TDTT không ngừng được đẩy mạnh. Thể thao Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp của các tổ chức thể thao quốc tế lớn, các nước có nền thể thao tiên tiến về đào tạo cán bộ, VĐV, HLV, nghiên cứu ứng dụng khoa học kĩ thuật TDTT.
Sự tham gia tích cực của các nguồn lực ngoài xã hội cũng đã có tác dụng tích cực, thúc đẩy các hoạt động TDTT ngày càng phát triển.
I- Lịch sử ra đời
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bác cũng là người khai sinh nền TDTT của chế độ mới.
Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể thao TW có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.
Ngành TDTT mới ra đời nhiệm vụ là liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc nhằm tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam. Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 33 ngày 27-3-1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục.
Ngành TDTT mới là cơ quan tham mưu của Chính phủ cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Đây là cơ quan quản lý, điều hành công tác TDTT trong phạm vi cả nước. Ngành TDTT mới là cơ quan đặc trách công tác TDTT vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Điều đó chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ trước cách mạng tháng Tám.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới. Để nền thể thao mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước thì điều cơ bản nhất là có sự định hướng đúng đắn, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Để đáp ứng điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục". “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Người như ánh dương tỏa chiếu, định hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới của nước Việt Nam mới.
Vào một buổi chiều cuối tháng 3 năm 1946, khi tập thể cán bộ của Nha đang thảo luận công tác, tìm cách phát động phong trào TDTT, Bộ trưởng Bộ Thanh niên kiêm Giám đốc Nha thể dục Trung ương đi vào, hồ hởi thông báo: “Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”. “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” do Bác Hồ tự tay viết với văn phong bình dị, rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được. Người viết:
“Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công.
Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.
Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước.
Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe.
Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục.
Tự tôi ngày nào cũng tập”.
“Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ với ý tưởng cao đẹp của Người có ảnh hưởng sâu sắc với tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân và mọi người hăng hái làm theo tiếng gọi của vị lãnh tụ kính yêu.
Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27-3-1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào Khỏe vì nước sôi nổi. Phong trào Khỏe vì nước thực chất là bước đầu của nền TDTT mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển.
Với những việc làm như: Ra Sắc lệnh thành lập ngành TDTT, viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, đích thân phát động phong trào Khỏe vì nước phát triển sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền TDTT mới của nước Việt Nam mới.
Với các tên: Nha Thể thao Trung ương thuộc Bộ Thanh niên rồi đến Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục (1946) và sau này là Ban Thể dục thể thao Trung ương (1957), đổi thành Ủy ban Thể dục Thể thao (1960), Ủy ban Thể dục thể thao đã giữ được vị trí TDTT trong xã hội và trong các giai đoạn cách mạng khác nhau. Lãnh đạo các phong trào thể thao trong nước và quốc tế.
Ngày 23  tháng  5  năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thể dục thể thao- cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thể dục thể thao- trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
 II- Ngày Thể thao Việt Nam 27-3
Căn cứ theo quyết định của Quốc dân đại hội Việt Nam (Quốc hội khoá 1) họp ngày 2/3/1946 định sự tổ chức của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia giáo dục.
Nha gồm có Phòng Thanh niên TW và Phòng Thể dục TW. Trên thực tế, với những quy định của Bộ Quốc Gia giáo dục, Phòng Thể dục TW đảm nhiệm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Nha Thể dục TW cũ.
Cũng trong ngày 27/3/1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khoẻ và nhiều tờ báo khác đã đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”.
Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Hồ Chủ tịch
Hỡi đồng bào toàn quốc!  Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công.
Mỗi một người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khoẻ, tức là góp phần cho cả nước mạnh khoẻ.
Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy thì sức khoẻ.
Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục.
Tự tôi ngày nào cũng tập.
Ngày 27/3/1946
Hồ Chí Minh
Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ toát lên những vấn đề về tư tưởng có giá trị sâu sắc đối với lĩnh vực TDTT nói riêng và lĩnh vực phát triển con người nói chung, trong đó nổi bật là tư tưởng “Dân cường thì nước thịnh” bởi dân cường và nước thịnh có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau.
Sức khoẻ nhân dân là một yếu tố có ảnh hưởng to lớn tới tiến trình phát triển nước nhà. Ngược lại, dân giàu nước mạnh đảm bảo cho sức khoẻ của nhân dân ngày càng được tăng cường.
Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ cũng gắn liền với quan điểm yêu nước của nhân dân ta. Bác nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”.
Rèn luyện sức khoẻ ở đây cũng hàm chứa cả sức khoẻ về mặt thể chất cũng như tinh thần khi Bác căn dặn: “Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy thì sức khoẻ”. Dân cường thì nước thịnh, với mong muốn đồng bào ai cũng gắng tập thể dục, Bác Hồ còn là tấm gương sáng về rèn luyện  khi Người nói: “Tự tôi ngày nào cũng tập”.
Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ từ ngày công bố cho đến nay đã được sự hưởng ứng rộng khắp của quần chúng nhân dân trong nước noi gương Người tích cực rèn luyện thân thể.
Ngay trong năm 1946 là phong trào “Khoẻ vì nước”; tiếp đến là “Khoẻ để kháng chiến kiến quốc” trong thời kỳ chống thực dân Pháp; “Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ và nay là Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”...  và nhiều phong trào TDTT sôi nổi khác .
Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới, thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT phục vụ sức thịnh.
Với những ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 29/1/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27-3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”.
“Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh.
 III- 65 năm đồng hành cùng đất nước
Kể từ khi thành lập đến nay, ngành TDTT Việt Nam đã nhận được rất nhiều thư của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Thư của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, thư của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, thư của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thư của Thủ tướng Phan Văn Khải... gửi cho cán bộ, viên chức, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài ngành TDTT. Đó chính là sự quan tâm của Đảng và Chính phủ và là nguồn lực làm cho ngành TDTT Việt Nam ngày càng phát triển.
Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người rất coi trọng công tác đối ngoại của TDTT. Người cho rằng đó là một phương tiện quan trọng để giao lưu, đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trong cộng đồng quốc tế. Vì vậy, mọi hoạt động đối ngoại ở trong nước hay quốc tế cũng đều phải đặt mục tiêu đoàn kết, hữu nghị lên hàng đầu. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Ûy ban Thể dục thể thao đã lãnh đạo phong trào, lập ra các đội tuyển quốc gia các môn để tham gia thi đấu giao hữu và các giải quốc tế. TTVN Tham gia vào các kỳ Olympic, SEA Games, các giải bóng đá trong khu vực và quốc tế đều đạt được những thành tựu đáng kể. Với sự kiện được đăng cai SEA Games 22 vào tháng 12-2003 tại nước nhà, ngành Thể dục thể thao Việt Nam muốn khẳng định với toàn thế giới rằng, TTVN cũng có thể sánh vai cùng với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Qua đó, cũng muốn thể hiện rằng tiềm năng của TTVN là rất to lớn.
Những năm tháng trước khi đất nước thống nhất (1975), ở khu vực Đông Nam Á, thể thao châu Á và đấu trường Olympic người Việt Nam ta đều tham gia tranh đấu và thể hiện khả năng không thua kém xứ người: Việt Nam trước đây là một trong sáu thành viên sáng lập nên Liên đoàn thể thao bán đảo Đông Nam Á và đã liên tục tham gia các Đại hội thể thao bán đảo ĐNÁ (ASEAN Games) từ lần thứ 1 (1959) đến lần thứ 7 (1973) và đã giành tổng cộng 36 HCV, 44 HCB, 58 HCĐ ở các môn thể thao: bóng bàn, quần vợt, bơi, xe đạp, Judo, bóng chuyền nam, bắn súng, đặc biệt VN giành HCV môn bóng đá (nam) sau khi thắng trước chủ nhà Thái Lan trong trận chung kết.
Trên đấu trường Á vận hội (ASIAD) VN tham gia tranh tài nhiều lần nhiều lần từ ASIAD lần thứ 1(1954) đến thứ 7 (Teheran 1974) và đã đạt được những kết quả xuất sắc: 2 HCV bóng bàn: đôi nam và đồng đội nam (Tokyo – 1958), HCB quần vợt (đôi nam), HCĐ xe đạp đường trường 200km (1966 – Bangkok)… Tên tuổi những danh thủ Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiếp, Lê Văn Inh (bóng bàn), Võ Văn Bảy – Võ Văn Thành (tennis) Trương Kim Hùng (xe đạp) Trương Kế Nhân, Đỗ Như Minh (bơi)…. còn lưu lại mãi trong lịch sử TTVN. Người Việt Nam cũng đã có mặt trên đấu trường Olympic từ Olympic Games (1952) ở Helsinki rồi Melbourne (1956), Tokyo (1964), Mexico (1968)…. ở các môn điền kinh quyền Anh, xe đạp, đấu kiếm….

Lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad 16

Sau hơn hai mươi năm của thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế đất nước, TTVN đã có những bước tiến bộ đáng tự hào. Ở khu vực Đông Nam Á, từ SEA Games 15 (1989) xếp hạng thứ 7/9 nước đã vươn lên vị trí thứ 1/11 nước ( SEA Games 22) và cho đến nay luôn xếp hạng là 1 trong 3 vị trí đầu.
Trở lại đấu trường ASIAD từ năm 1982 (New Dehli – Ấn Độ) với HCĐ (bắn súng) đến nay Việt Nam đã giành được HCV ở các môn taekwondo, karatedo, thể dục thể hình và billiard & snooker xếp hạng khoảng 15 - 18/45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành tích xuất sắc trên đấu trường Olympic là hai HCB ở môn taekwondo (Trần Hiếu Ngân – Sydney 2000) và cử tạ (Hoàng Anh Tuấn – Bắc Kinh 2008). Kết quả này đưa TTVN vào danh sách hơn 70 quốc gia (trên 204) có huy chương Olympic.
Hiện nay TTVN có gần 3000 VĐV cấp cao ( kiện tướng và cấp I) trong đó có khoảng 100 VĐV có khả năng giành huy chương châu lục và thế giới.
Thống kê cụ thể cho thấy TTVN tranh chấp vị trí hàng đầu Đông Nam Á ở các môn điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng, taekwondo, karatedo, bóng đá, vật, judo (là các môn thể thao Olympic) và pencaksilat, thể dục thể hình, wushu, cầu mây. Trên đấu trường châu lục, TTVN có khả năng tranh chấp HCV ở một số nội dung (cự ly, hạng cân) ở các môn thể thao, điền kinh, TDDC (nam) taekwondo, cử tạ, xe đạp, judo, vật (nữ), karatedo và một vài môn ngoài Olympic như thể hình, wushu, billiard.
Ở cấp độ thế giới và Olympic mới chỉ có cờ vua (vô địch thế giới), cử tạ (nam) và taekwondo. Những môn thể thao khác đã giành HCV thế giới nhưng không có trong chương trình Olympic như wushu, silat, đá cầu, thể hình….
Nguyên nhân chủ yếu mà TTVN giành được những thành tựu trên là do sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, sự nỗ lực đáng khâm phục của lực lượng VĐV, HLV, về mặt quản lý nhà nước đó là việc xác định mục tiêu và kế hoạch phát triển thể thao thành tích cao đúng đắn trong giai đoạn 1994 – 2005 thông qua chương trình mục tiêu (1984) và chương trình quốc gia về thể thao (từ năm 1997 đến nay).
TDTT quần chúng cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ: tỷ lệ người tập TDTT thường xuyên đạt 26%, số gia đình thể thao đạt trên 19%. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học đã có những chuyển biến với  trên 90% số trường học thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất chính khoá, có nền nếp theo quy định; trên 60% số trường học có hoạt động ngoại khoá thường xuyên; 100% cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn thể lực theo quy định.
63 tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức tốt Đại hội TDTT cấp tỉnh. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI đang diễn ra tại thành phố Đà Nẵng cũng hứa hẹn thành công rực rỡ với nhiều kỷ lục mới được thiết lập.
Đặc biệt, đoàn TDTT Việt Nam đã giành 33 huy chương (1 HCV, 17 HCB, 15 HCĐ) tại Asiad 16, xếp thứ 23/45 quốc gia tham dự; đoàn TT Người khuyết tật giành thành tích xuất sắc tại Đại hội thể thao Người khuyết tật châu Á lần thứ Nhất, giành 17 huy chương (03 HCV, 4 HCB, 10 HCĐ), xếp thứ 11/42 đoàn tham dự.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước