08:12 ICT Thứ tư, 13/11/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động du lich

Báu vật của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước

Thứ sáu - 16/08/2019 08:14
Ảnh đại diện

Ảnh đại diện

Nói về văn hóa truyền thống của người S’tiêng ở Bình Phước, người ta nghĩ ngay đến cồng, chiêng, ít ai nhắc về tố, ché, xà lung cổ nhưng tìm hiểu về chúng mới thấy nhiều điều thú vị và bổ ích.

Tố, ché, xà lung của người S’tiêng ở Bình Phước là những sản phẩm được chế tác bằng kỹ thuật thủ công từ chất liệu gốm bền, đẹp; đa dạng về chủng loại và có nhiều công dụng. Tố có nhiều loại như tố vang, tăng cốt, tăng cốp dùng để ủ men rượu, đựng rượu cần, cất giữ hạt giống và sản phẩm dự trữ, đựng nước dùng trong sinh hoạt..., Tố còn là tài sản, của hồi môn của gia đình. Gia đình nào càng có nhiều tố thì càng chứng tỏ sự giàu có và uy thế trong sóc. Ché, xà lung gồm 10 kích cỡ khác nhau, từ 1 max đến 10 max, max càng lớn thì giá trị càng cao.

 

Ché, xà lung cổ trong ngôi nhà truyền thống của già làng Điểu Lên (Bù Đăng)
Ché, xà lung cổ trong ngôi nhà truyền thống của già làng Điểu Lên (Bù Đăng)

 Nếu ai đến các sóc của người S’tiêng ở Bình Phước sẽ thấy hầu như gia đình nào cũng có từ 2-3 cái ché cổ, còn nhà giàu thì rất nhiều và phong phú về chủng loại. Có gia đình sở hữu từ 10-30 cái như gia đình các già làng Điểu Lên, Điểu Đố, Điểu Gô (Bù Đăng)... Tố, ché, xà lung đa số có miệng thấp, màu nâu sẫm, hoa  văn trên thân khá đơn giản, tùy theo kích thước mỗi loại có từ 4-8 tai. Có lẽ xuất phát từ sự quý hiếm và nhu cầu cất giữ sản phẩm từ lâu đời cộng với yếu tố bền đẹp của nó mà người S’tiêng ở Bình Phước coi những vật dụng này là của cải quý trong nhà. Ngoài ra, chúng còn được sử dụng để trao đổi khi cưới vợ cho con trai hay trao đổi các mặt hàng khác trong nội tộc hoặc với các dân tộc khác khi cần thiết. Trước đây, các vật dụng này còn là lễ vật dùng để đóng phạt khi vi phạm các trọng tội do luật tục quy định.

Trong lễ cưới hỏi, dân tộc Kinh bắt buộc phải có trầu cau thì dân tộc S’tiêng không thể thiếu tố, ché, xà lung. Người S’tiêng dùng các vật dụng này làm lễ vật trả của. Nhà trai sẽ trả của cho nhà gái coi như trả công của nhà gái đã sinh thành và nuôi dưỡng cô dâu.

Trong đám tang, người S’tiêng đập vỡ những chiếc xà lung trên mộ, xem như đã chia của cho người chết. Già làng Điểu Lên ở Bù Đăng cho biết: “Hiện nay, các gia đình còn lưu giữ tố, ché, xà lung không nhiều nên việc làm của hồi môn cho con trai khi lấy vợ đã được quy ra tiền, còn trong tang ma thì việc chia của cho người chết cũng chỉ diễn ra ở các gia đình giàu có còn trữ nhiều tố, ché, xà lung...”.

Ít có tài liệu nói đến những cổ vật này thuộc niên đại nào nhưng theo các già làng S’tiêng thì tố, ché, xà lung là những vật dụng có lịch sử từ lâu đời và được truyền từ đời này sang đời khác, là vật gia bảo của gia đình, thậm chí của cả dòng họ.

Già làng Điểu Đố ở Bù Đăng cho biết: “Ngày xưa, giá trị của mỗi chiếc tố, ché, xà lung tương đương 1 cặp trâu nhưng hiện nay do số lượng không còn nhiều nên mỗi chiếc tùy theo kích cỡ, giá có thể dao động từ 3-50 triệu đồng. Mặc dù có giá trị về vật chất rất cao nhưng chúng tôi không bao giờ bán bởi đây là những vật gia bảo của gia đình, dòng họ do tổ tiên người S’tiêng để lại cho con cháu để chúng biết được truyền thống văn hóa của ông cha”.

Tố, ché, xà lung là những báu vật cổ trong mỗi gia đình người S’tiêng. Nhà nào có nhiều cồng, chiêng, tố, ché, xà lung là thuộc diện giàu có và có địa vị cao trong sóc. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, sự chuyển đổi từ sản xuất lúa rẫy sang các loại cây công nghiệp dài ngày, sự phát triển của đời sống xã hội, giao thoa văn hóa với các dân tộc cùng cộng cư... nhiều lễ hội và phong tục tập quán truyền thống của người S’tiêng bị mai một và không gian dành cho cồng, chiêng, tố, ché, xà lung phát huy giá trị cũng bị hạn chế.

Ngày nay có dịp đến thăm những gia đình giàu có người S’tiêng ở Bình Phước, chúng ta sẽ được tận mắt thấy những bộ sưu tập tố, ché, xà lung cổ có giá trị rất lơn về văn hóa truyền thống tốt đẹp. “Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Bảo tàng Bình Phước đang lưu giữ nhiều loại tố, ché, xà lung khác nhau để trưng bày, giới thiệu về truyền thống văn hóa của người S’tiêng. Qua đó giúp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đang sinh sống tại Bình Phước và các tỉnh lân cận hiểu thêm về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa nơi đây” - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hồ Tiến Duật chia sẻ.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước