Chuyện về “ngôi sao” thể thao Phan Quốc Quyền
“GÃ DU MỤC”
Năm 1994, Phan Quốc Quyền là thượng sĩ Cảnh sát cơ động tỉnh Sông Bé. Ở khối lực lượng vũ trang, anh được biết đến là người chạy nhanh, bền sức. Trong các giải thi đấu do ngành tổ chức, Phan Quốc Quyền luôn giành hạng nhất ở nội dung 3.000m và 7.000m chạy vũ trang và không có đối thủ trong nhiều năm liền. Tiếng tăm sau đó của anh lan rộng ra cả Quân khu 7.
Trong căn nhà tuềnh toàng, những tấm huy chương cũ kỹ là tài sản đáng giá nhất của Phan Quốc Quyền
Đang có công việc ổn định lại nổi tiếng, bỗng năm 1996, anh xin rời ngành. Anh nhớ lại: “Nhà thì nghèo, tôi là anh cả của 6 đứa em. Mới 25 tuổi, tôi suy nghĩ bồng bột, chỉ muốn về làm kinh tế và lập gia đình. Nào ngờ, người yêu theo gia đình sang Nhật Bản làm ăn. Thế là mất hết”.
Trở lại Bình Phước, Phan Quốc Quyền hết đi làm rẫy, làm bảo vệ cho các nông trường đến phụ hồ. Thế nhưng, anh vẫn không từ bỏ đam mê. Cứ 3 giờ sáng anh lại tự mình chạy với quãng đường khoảng 40km. Bên cạnh đó, tranh thủ thời gian rảnh, anh tự tập các môn thể lực: xà đơn, xà kép, đẩy tạ... để nâng cao sức khỏe.
Chính anh Phan Quốc Quyền cũng không nhớ từ khi nào trở thành “lính đánh thuê”. Hễ có đơn vị nào mời gọi, anh đều tham gia. Cứ thi đấu, Phan Quốc Quyền lại đem huy chương về cho đơn vị. Năm 2008, tại giải marathon quốc tế được tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 300 năm có tên gọi Sài Gòn, anh đã giành huy chương bạc cho đoàn chủ nhà.
Sau đó, Phan Quốc Quyền đầu quân cho đơn vị Bình Phước trong 1 năm. Tại đây, anh đoạt danh hiệu Vua leo núi, hệ tuyển tại giải Việt dã leo núi toàn quốc “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” năm 2000. Nhưng, cũng chính từ sự nổi tiếng này, bi kịch cuộc đời lại xảy ra với anh.
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
Sau hơn 10 năm lăn lộn trên đường chạy, năm 2004, Phan Quốc Quyền quyết định từ giã sự nghiệp thể thao. Anh lý giải: “Thời điểm đó, tôi đã 33 tuổi, có hai con nhỏ, cháu gái 3 tuổi còn cháu trai chưa đầy 1 tuổi. Gia đình rất khó khăn trong khi thi đấu theo “thời vụ” nên thu nhập bấp bênh. Tôi phải rút lui để tìm công việc ổn định”.
Không chỉ nổi tiếng ở tỉnh Sông Bé cũ mà tên tuổi của VĐV Phan Quốc Quyền còn vang danh khắp miền Nam. Sống trong ánh hào quang, tưởng như anh đã có tất cả, nhưng VĐV tài ba ngày nào giờ phải lăn lộn mưu sinh với nghề vệ sĩ. |
Trong quãng thời gian thi đấu, anh đã không chọn cho mình một hướng đi để rồi khi giã từ đường chạy, Phan Quốc Quyền không có bất cứ nghề nào trong tay. Anh lại đi khắp nơi, làm bất cứ nghề gì, kể cả phụ hồ, miễn là có tiền. Nhớ lại quãng thời gian đó, anh buồn rầu nói: “Lam lũ đủ việc mà chẳng thể khá lên được. Tiền công làm thuê chẳng đủ ăn, vợ con đói khổ, nhà lại chưa có điện, nằm heo hút trong lô cao su. Từ đó, gia đình nảy sinh mâu thuẫn. Năm 2008, vợ tôi bồng 2 con bỏ nhà ra đi biền biệt đến nay vẫn không có tin tức gì”.
Hụt hẫng, Phan Quốc Quyền tiếp tục làm “gã du mục” lang bạt khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ với đủ nghề để vơi đi nỗi buồn. Năm 2013, cha anh bị tai nạn, Phan Quốc Quyền trở lại Bình Phước. Hiện anh đang làm vệ sĩ cho một công ty tư nhân. Hễ có thời gian rảnh, anh lại tìm kiếm thông tin về vợ con với hy vọng một ngày nào đó, gia đình sẽ được đoàn tụ.
Ngẫm lại cuộc đời, Phan Quốc Quyền luôn đau đáu: “Giá mà lúc đang thi đấu, tôi không sao nhãng việc học hành thì biết đâu, cuộc đời đã không bi đát thế này. Tôi mong những ai đam mê và có năng khiếu về thể thao thì lúc ở đỉnh cao, hãy chọn cho mình trước một con đường khi giải nghệ. Đó có thể là đi học chuyên ngành để làm quản lý hay huấn luyện viên. Bởi quãng thời gian thi đấu rất ngắn.Không chuẩn bị hành trang tiếp theo thì rất dễ đi theo vết xe đổ của tôi”.
Tác giả bài viết: Tran Luân cập nhật
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn