1. Giới thiệu sơ lược về SEA Games
Lễ khai mạc tại SEAP Games lần đầu tiên vào năm 1959
Ngày 22 tháng 5 năm 1958, các nước Đông Nam Á tham dự Đại hội Thể thao châu Á lần thứ III ở Tokyo, Nhật Bản, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan khi đó là Laung Sukhumnaipradit đã đề xuất và được các nước Đông Nam Á nhất trí thành lập một tổ chức thể thao của Đông Nam Á với tên gọi ban đầu là Liên đoàn Thể thao Bán đảo Đông Nam Á (The South East Asian Peninsular Games Federation hay SEAP Games Federation). Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á sẽ tổ chức hai năm một lần vào năm lẻ một đại hội thể thao khu vực nhằm mục đích: Tăng cường tình hữu nghị, tình đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN, Nâng cao không ngừng thành tích, kỹ thuật, chiến thuật các môn thể thao cho vận động viên để có cơ sở tham gia Đại hội Thể thao Á châu và Olympic.
Thái Lan, Miến Điện (ngày nay là Myanma), Mã Lai (ngày nay là Malaysia), Lào, Việt Nam Cộng Hòa trước đây và Campuchia (Singapore thêm vào sau đó khi tách ra khỏi Malaysia để trở thành quốc gia độc lập vào ngày 9 tháng 5, 1965) là các nước sáng lập. Ủy ban Liên đoàn SEAP Games được thành lập vào tháng 6 năm 1959 tại Bangkok thủ đô Thái Lan. Các nước sáng lập đã thông qua điều lệ của Liên đoàn và bầu ra Ban chấp hành. Ông Parahát Saruxatiara, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Thái Lan, được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đầu tiên.
SEAP Games đầu tiên được tổ chức tại Bangkok từ 12-17 tháng 12, 1959với hơn 527 vận động viên và quan chức thể thao đến từ Thái Lan, Miến Điện, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Lào tham dự trong 12 môn thể thao.
Tại SEAP Games lần thứ 8 tổ chức vào năm 1975, Liên đoàn SEAP đã xem xét kết nạp thêm Indonesia và Philippines. Hai nước này chính thức được kết nạp năm 1977, cùng năm đó Liên đoàn SEAP đổi tên thành Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (South East Asian Games Federation, SEAGF). Từ năm 1977,SEAP Games chính thức được đổi tên là SEA Games (Đại hội Thể thao Đông Nam Á). Brunei được kết nạp vào SEA Games thứ 10 tại Jakarta, Indonesia, và Đông Timor được kết nạp tại SEA Games thứ 22 tại Hà Nội, Việt Nam.
SEA Games được tổ chức hai năm một lần với sự tham gia của các vận động viên từ 11 nước khu vực Đông Nam Á hiện nay. Những môn thể thao tổ chức trong đại hội do Liên đoàn thể thao Đông Nam Á điều hành với sự giám sát của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Hội đồng Olympic châu Á.
Tính đến nay, SEA Games đã trải qua 25 kỳ được tổ chức:
1.Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á 1959, Bangkok (Thái Lan)
2.Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á 1961, Rangoon (Miến Điện)
3.Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á 1965, Kuala Lumpur (Malaysia)
4.Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á 1967, Bangkok (Thái Lan)
5.Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á 1969, Rangoon (Miến Điện)
6.Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á 1971, Kuala Lumpur (Malaysia)
7.Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á 1973, Singapore
8.Đại hội Thể thao Bán đảo Đông Nam Á 1975, Bangkok (Thái Lan)
9.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1977, Kuala Lumpur (Malaysia)
10.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1979, Jakarta (Indonesia)
11.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1981, Manila (Philippines)
12.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1983, Singapore
13.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1985, Bangkok (Thái Lan)
14.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1987, Jakarta (Indonesia)
15.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1989, Kuala Lumpur (Malaysia)
16.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1991, Manila (Philippines)
17.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1993, Singapore
18.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1995, Chiang Mai (Thái Lan)
19.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1997, Jakarta (Indonesia)
20.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 1999, Bandar Seri Begawan (Brunei)
21.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2001, Kuala Lumpur (Malaysia)
22.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2003, Hà Nội (Việt Nam)
23.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2005, Manila, Cebu, Bacolod và Vịnh Subic (Philippines)
24.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2007, Nakhon Ratchasima (Thái Lan)
25.Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2009, Viêng Chăn (Lào).
26. Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2011, Jakata (Indonesia)
*Những kỷ lục đáng nhớ trong lịch sử SEA Games
Tính từ năm 1959, mới chỉ có kỳ Đại hội SEAP Games 3 tổ chức tại Campuchia bị hủy bỏ. Chính vì lý do này, mặc dù là thành viên sáng lập của phong trào SEAP Games, nhưng Campuchia vẫn chưa một lần đăng cai Đại hội này.
Thái Lan trở thành chủ nhà của một kỳ SEA Games có nhiều môn thể thao nhất. Với danh sách tổng cộng 44 môn thể thao từng xuất hiện tại SEAP Games và SEA Games, SEA Games 24 năm 2007 tại Nakhon Ratchasima (Thái Lan) là kỳ Đại hội có nhiều môn thi nhất, với 42 môn.
Tính tổng số huy chương trong cả các kỳ SEAP Games và SEA Games, Thái Lan đang dẫn đầu bảng với 1.692 HCV, 1.379 HCB, 1.359 HCĐ (tổng 4.430). Xếp thứ Nhì là Indonesia (1.377, 1.209, 1.178 - tổng 3.764) còn xếp Ba là Malaysia (900, 937, 1.243 - tổng 3.080)… Việt Nam xếp hạng 6 với 446, 424, 526 (tổng 1.396).
Thái Lan cũng là quốc gia xếp Nhất toàn đoàn nhiều nhất trong lịch sử SEAP Games (1959-1975) với 6 lần (2 lần Á quân), Myanmar 2 lần (Á quân một lần, hạng 3 một lần).
Còn tính từ kỳ SEA Games 9 (1977), Indonesia đang nắm giữ chức Quán quân về lần Nhất toàn đoàn. Quốc gia này 9 lần Nhất toàn đoàn, 2 lần Á quân, 3 lần hạng Ba. Kế đến là Thái Lan với 4 lần Nhất toàn đoàn, 9 lần Á quân, 3 lần hạng Ba. Malaysia, Philippines và Việt Nam đều đã một lần Nhất toàn đoàn. Việt Nam giành được ngôi vị này ở lần đầu tiên đăng cai SEA Games 22 năm 2003.
Thái Lan đang là quốc gia đăng cai nhiều kỳ SEAP Games và SEA Games nhất với 6 lần (1959, 1967, 1975, 1985, 1995, 2007). Còn Malaysia xếp Nhì với 5 lần (1965, 1971, 1977, 1989, 2001). Philippines xếp tiếp theo với 3 lần (1981, 1991, 2005); Indonesia (1979, 1987, 1997); Singapore (1973, 1983, 1993). Hai lần đăng cai có Myanmar (1961, 1969) còn một lần là Brunei (1999), Việt Nam (2003) và Lào (2009).
2. Đoàn thể thao VN qua các kỳ SEA Games
SEA Games 22 (năm 2003) là lần đầu tiên chúng ta giành quyền đăng cai và đây cũng là kỳ Đại hội thành công nhất của VN.
Từ kỳ SEA Games đầu tiên (năm 1959, Bangkok) đến kỳ SEA Games thứ 8 năm 1975, đoàn VN chủ yếu tham gia với mục đích giao lưu học hỏi chứ không đặt mục tiêu giành huy chương.
Từ kỳ SEA Games thứ 9 năm 1977 đến SEA Games 14 (năm 1987), đoàn Việt Nam vì nhiều lý do nên đã không thể tham dự.
Đến kỳ SEA Games 15 (năm 1989) đánh dấu sự trở lại của đoàn TTVN với đấu trường khu vực.
Từ SEA Games 15 (1989) đến 20 (1999), thành tích của đoàn TTVN là không thay đổi nhiều (chủ yếu xếp vị trí thứ 6 và 7 trong tổng số 10 quốc gia tham dự.
Tuy nhiên đến kỳ SEA Games 21 (2001), thành tích của đoàn Việt Nam đã có bước tiến nhất định khi chúng ta leo lên vị trí thứ 4, đây là thành tích tốt nhất để từ trước đó. Đây cũng là bước đệm quan trọng để chúng ta bước vào đăng cai kỳ Đại hội sau đó (vào năm 2003).
Ở kỳ SEA Games 22 (2003), với lợi thế chủ nhà, đoàn VN đã có thành tích vô cùng ấn tượng với thành tích 156 HCV - 91 HCB – 93 HCĐ, xếp thứ nhất trên tổng số 11 quốc gia tham dự.Đây cũng là kỳ SEA Games đánh dấu sự thành công nổi bật của thể thao Việt Nam trong công tác tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam được giành quyền tổ chức một Đại hội thể thao lớn của khu vực, từ đó tạo điều kiện để tổ chức các giải đấu quan trọng trong giai đoạn sau đó mà nổi bật chính là việc tổ chức Đại hội thể thao châu Á trong nhà – ASIAN INDOOR GAMES III năm 2009.
Sau thành công của SEA Games 22, Đoàn Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành công trong đấu trường khu vực khi cả 3 kỳ Đại hội sau đó, Việt Nam luôn giữ vị trí trong top 3 đoàn dẫn đầu.
Các môn có thể coi là mũi nhọn của Thể thao Việt Nam qua các kỳ SEA Games phải kế đến: Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Karatedo, Taekwondo, Cầu lông, Bóng bàn, Vật (hạng cân nhẹ), Bắn súng, Thể hình, Billiards & snooker, Wushu và Cầu mây. Đây là những môn thường xuyên mang về cho đoàn TTVN những tấm HCV tại các kỳ SEA Games gần đây.
*SEA Games lần thứ 1(1959):Việt Nam giành 5 HCV - 5 HCB – 6 HCĐ, xếp thứ 5/6 toàn đoàn.
Ở môn bóng đá, đội tuyển Miền Nam Việt Nam đã xuất sắc đánh bại Thái Lan 3-1 trong trận chung kết để lên ngôi vô địch.
*SEA Games lần thứ 2(1961):Việt Nam giành 9 HCV - 5 HCB – 8 HCĐ, xếp thứ 4/7 toàn đoàn.
SEA Games lần thứ 3(1965):Việt Nam giành 5HCV – 7 HCB – 7 HCĐ, xếp vị trí 5/6.
SEA Games lần thứ 4(1967):Việt Nam giành 5 HCV - 7 HCB – 7 HCĐ, xếp thứ 5/6 toàn đoàn.
SEA Games lần thứ 5(1969):Việt Nam giành 6 HCV - 10 HCB – 17 HCĐ, xếp thứ 5/6 toàn đoàn.
SEA Games lần thứ 6(1971):Việt Nam giành 9 HCV - 5 HCB – 8 HCĐ, xếp thứ 5/6 toàn đoàn.
SEA Games lần thứ 7(1973):Việt Nam giành 3 HCV - 6 HCB – 7 HCĐ, xếp thứ 6/7 toàn đoàn.
SEA Games lần thứ 8(1975): Việt Nam giành 2 HCV - 13 HCB – 10 HCĐ, xếp thứ 6/7 toàn đoàn.
SEA Games lần thứ 9(1977):Việt Nam không tham dự.
SEA Games lần thứ 10(1979): Việt Nam không tham dự.
SEA Games lần thứ 11(1981):Việt Nam không tham dự.
SEA Games lần thứ 12(1983):Việt Nam không tham dự.
SEA Games lần thứ 13(1985):Việt Nam không tham dự.
SEA Games lần thứ 14(1987):Việt Nam không tham dự.
SEA Games lần thứ 15(1989):Việt Nam giành 3HCV – 11HCB – 5HCĐ, xếp vị trí 7/9.
SEA Games lần thứ 16(1991):Việt Nam giành 3 HCV - 11 HCB – 5 HCĐ, xếp thứ 7/9 toàn đoàn.
SEA Games lần thứ 17(1993):Việt Nam giành 7 HCV - 12 HCB – 10 HCĐ, xếp thứ 7/9 toàn đoàn.
SEA Games lần thứ 18(1995):Việt Nam giành 9 HCV - 6 HCB – 19 HCĐ, xếp thứ 6/9 toàn đoàn.
SEA Games lần thứ 19(1997):Việt Nam giành 35 HCV - 48 HCB – 50 HCĐ, xếp thứ 6/10 toàn đoàn.
SEA Games lần thứ 20(1999):Việt Nam giành 17 HCV - 20 HCB – 27 HCĐ, xếp thứ 6/10 toàn đoàn.
SEA Games lần thứ 21(2001):Việt Nam giành 33 HCV - 35 HCB – 64 HCĐ, xếp thứ 4/10 toàn đoàn.
Đoàn tham dự thi đấu gồm 604 VĐV, HLV, cán bộ, trọng tài ở các môn thể dục, bóng chuyền (nam, nữ), bắn súng, bắn đĩa bay, bơi, bóng nước, nhảy cầu, bơi nghệ thuật, karate, xe đạp, quần vợt, bóng bàn, cầu mây, cầu lông, billiard-snookers, bóng rổ (nam, nữ), đua thuyền, golf, pentanque, điền kinh, bóng đá (nam, nữ), wushu, bowling, judo, taekwondo, silat, bắn cung và cử tạ. Trong số này ở Kuala Lumpur: 17 môn, 26 đội tổng số 457 người, Penang: 3 môn, 3 đội, tổng số 60 người, Johor: 4 đội, 4 môn, 87 người.
SEA Games lần thứ 22(2003):Việt Nam giành 156 HCV - 91 HCB – 93 HCĐ, xếp thứ nhất trên tổng số 11 quốc gia tham dự.
Diễn ra tại Việt Nam từ 5 tháng 12 đến 13 tháng 12, 2003. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai SEA Games, Lễ khai mạc SEA Games diễn ra tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình ở thủ đô Hà Nội. SEA Games lần thứ 22 có 32 môn thi đấu được tổ chức ở nhiều địa phương của Việt Nam. Trong đó, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm thi đấu chính. Đại hội lần này có thêm quốc gia mới tách ra từ Indonesia là Đông Timor. Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử vươn lên dẫn đầu toàn đoàn.
Biểu trưng của Đại hội lần này là chim lạc - hình ảnh thường thấy trên các mặt trống đồng Đông Sơn được cách điệu qua ba màu sắc: xanh dương tượng trưng cho các môn bơi lội, xanh lá cây tượng trưng cho các môn điền kinh và đỏ thể hiện tinh thần chiến thắng.
Linh vật của Đại hội lần này là Trâu Vàng. Đây là con vật gắn liền với nền văn minh lúa nước ở Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung.
Ca khúc chính thức: Vì một Thế giới ngày mai (tiếng Anh: For the world of tomorrow) do nhạc sĩ Quang Vinh sáng tác.
Lễ khai mạc diễn ra đúng 07 giờ tối ngày 05 tháng 12 năm 2003 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Có khoảng 4.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên của thành phố Hà Nội đã tham gia biểu diễn trong lễ khai mạc. Hầu hết báo chí đều nhận xét về lễ khai mạc bằng một câu "Hoành tráng, ấn tượng, rực rỡ sắc màu". Toàn bộ lễ khai mạc kéo dài trong hai tiếng đồng hồ.
Đoàn Việt Nam dự SEA Games 22 gồm 1.008 thành viên (trưởng đoàn, 11 phó đoàn, 25 cán bộ và hơn 900 VĐV). Đây là lần Việt Nam có thành phần đông nhất và thi đấu nhiều môn nhất - cả 32 môn của đại hội. Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó chủ tịch Ủy ban Olympic, kiêm Vụ trưởng Thể thao thành tích cao 1 - được cử làm Trưởng đoàn. Lực lượng VĐV đông đảo nhất là đội tuyển điền kinh với 58 người. Đứng thứ hai là đội tuyển đua thuyền truyền thống với 55 người và tiếp theo mới đến các môn thể thao dưới nước (gồm bơi, lặn, nhảy cầu, bóng nước) với 52 VĐV. Petanque là môn có ít VĐV nhất (chỉ 7 người)...
Danh sách các môn: Điền kinh, Bơi lội, Bắn cung, Bóng rổ, Cầu lông, Quyền anh, Canoing, Xe đạp, Bóng đá, Thể dục dụng cụ, Bóng ném, Judo, Karatedo, Đua thuyền, Cầu mây, Bắn súng, Bóng bàn, Taekwondo, Quần vợt, Bóng chuyền, Cử tạ, Vật Wushu, Billiard & Snooker, Thể hình, Cờ vua, Lặn, Silat, Bi sắt, Đá cầu, Đua thuyền truyền thống, Nhảy cầu.
SEA Games 22 chính là kỳ Đại hội thành công rực rỡ của đoàn Việt Nam khi lần đầu tiên chúng ta trở thành quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là kỳ Đại hội được Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đánh giá rất cao trong công tác tổ chức.
SEA Games lần thứ 23(2005):Việt Nam giành 71 HCV - 68 HCB – 89 HCĐ, xếp thứ 3/11 toàn đoàn.
Việt Nam tham dự tranh tài ở 34 trong tổng số 41 môn thi đấu của Đại hội. Trong số này có hơn 450 người ở diện tranh chấp từ HC đồng trở lên. Số lượng VĐV cụ thể như sau: bơi (10), nhảy cầu (4), cử tạ (10), thể hình (6), TDDC nam (6), TDDC nữ (6), Thể dục nghệ thuật (4), Sport Aerobic (6), khiêu vũ thể thao (4), canoeing (14), rowing (12), đua thuyền truyền thống (15), bắn súng (21), bắn đĩa bay (8), bắn cung (10), quyền anh (15), judo (16), đấu kiếm (20), vật (14), điền kinh (30), silat (21), võ gậy (10), xe đạp đường trường (15), xe đạp địa hình (6), taekwondo (16), karatedo (19), cờ vua (14), wushu (22), billards&snookers (12), cầu lông (10), quần vợt (8), bóng bàn (10), cầu mây (18), bi sắt (8), bóng chuyền trong nhà (nam 12, nữ 12), bóng chuyền bãi biển (nam 2, nữ 2), bóng rổ (12), golf (5), bowling (10) và bóng nước (13). Riêng hai đội tuyển bóng đá nam và nữ, đội nữ có 4 cán bộ - HLV, 20 cầu thủ và đội nam có 5 cán bộ - HLV, 20 VĐV.
Đây cũng là kỳ Đại hội mà chúng ta hoàn thành mục tiêu lọt vào top 3 đoàn dẫn đầu.
SEA Games lần thứ 24(2007):Việt Nam giành 64 HCV - 58 HCB – 82 HCĐ, xếp thứ 3/11 toàn đoàn.
Tại kỳ Đại hội này, đoàn VN tham dự với 800 người, trong đó có khoảng 600 VĐV tranh tài ở 31 trên tổng số 49 môn thể thao. Ở kỳ Đại hội này, chỉ tiêu mà đoàn VN đặt ra là xếp vị trí thứ 3 và chúng ta đã thành công.
SEA Games lần thứ 25(2009): Việt Nam giành 83 HCV - 75 HCB – 57 HCĐ, xếp thứ 2/11 toàn đoàn.
Tại kỳ Đại hội này, Việt Nam tới Vientiane với 649 thành viên, trong đó có 434 VĐV của 24 môn. SEA Games 25 có 25 môn thi đấu với 379 bộ huy chương. Việt Nam đặt ra mục tiêu là phấn đấu đạt chỉ tiêu từ 65 đến 70 HC vàng, giành vị trí trong top 3.
3. Thể thao Việt Nam hướng tới SEA Games 26
SEA Games 26 là một dấu ấn của TTVN khi lần đầu tiên môn Vovinam được trở thành môn thi đấu chính thức tại một kỳ SEA Games.
Sau năm 2010 không nhiều thành công (tiêu biểu là ở đấu trường ASIAD 16), thể thao Việt Nam đang hướng tới năm 2011 với mục tiêu được Tổng cục Thể dục thể thao xác định là nằm trong tốp 3 tại SEA Games 26.
Năm 2011 là năm đầu tiên triển khai chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020do Thủ tướng phê duyệt nên ngành thể thao đang xây dựng đề mục hơn 30 nội dung công việc cần phải làm, trong đó có việc tập trung xây dựng 10 đề án trọng điểm. Về thể thao thành tích cao, ngành tập trung chuẩn bị lực lượng VĐV cho SEA Games 26 tại Indonesia và kiếm suất ở vòng loại Olympic 2012.
Từ cuối năm 2010, Tổng cục TDTT đã xác định nhóm môn trọng điểm loại 1 có 10 môn gồm: Điền kinh, Bơi, Cử tạ, Karatedo, Taekwondo, Cầu lông, Bóng bàn, Boxing (nữ), Vật (hạng cân nhẹ), Bắn súng. Như vậy, đã có 4 môn thể thao là Thể hình, Billiards & snooker, Wushu và Cầu mây bị loại khỏi danh sách 10 môn thể thao trọng điểm loại 1 cần được đầu tư, thay vào đó là các môn Bơi, Cầu lông, Bóng bàn và Boxing. Như vậy SEA Games 26 sẽ là kỳ SEA Games đầu tiên trong giai đoạn xây dựng chiến lược mới của Thể thao VN giai đoạn 2010 – 2020, trong đó có sự thay đổi của việc đầu tư cho thể thao VN dựa trên việc xác định 10 môn thể thao mũi nhọn mới.
SEA Games 26 sẽ khai mạc ngày 11/11/2011. Hai địa điểm thi đấu chính là thành phố Palembang - nơi sẽ diễn ra 21 môn thi, còn Thủ đô Jakarta đăng cai các môn còn lại. Indonesia sẽ chi khoảng 300 triệu USD cho công tác tổ chức đại hội.
Ngày 25-2-2011 tại thủ đô Bali - Indonesia, Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đã chính thức chốt lại những môn thể thao thi đấu tại SEA Games 26 với 545 nội của 44 môn thi.
Tại cuộc họp, Indonesia đã chính thức loại Bóng đá nữ ra khỏi danh sách các môn thi đấu tại SEA Games 26. Đội tuyển nữ VN chính là ĐKVĐ ở đấu trường SEA Games, chính vì thế việc bóng đá nữ bị gạch tên được coi là điều đáng tiếc với các “cô gái vàng” VN bởi chúng ta đã mất cơ hội bảo vệ chức vô địch. Sau khi quyết định gạch tên bóng đá nữ khỏi SEA Games 26, LĐBD Indonesia đã chủ động xin đăng ký dự giải Vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2011 (giải đấu bù đắp để thay thế cho SEA Games).
Tuy vắng bóng đá nữ, nhưng có thể khẳng định Việt Nam đã giành một số lợi thế nhất định nếu nhìn vào danh sách các nội dung cuối cùng được chốt tại SEA Games sắp tới. Bởi tại phiên họp, Indonesia đã quyết định nâng số nội dung thi đấu ở môn bắn súng lên con số 14, loại bỏ 3 nội dung bắn súng dân dụng khỏi các nội dung thi đấu (nội dung mà các VĐV VN chưa được tập luyện). Sau khi nước chủ nhà SEA Games 26 điều chỉnh nội dung, chắc chắn chỉ tiêu giành HCV của Bắn súng VN đề ra ở kỳ SEA Games tới không dừng lại ở con số 3 như tính toán ban đầu.
Ngoài ra, một số thế mạnh của Indonesia, đồng thời cũng là thế mạnh của đoàn VN như một số nội dung của các môn Bi sắt, Rowing hay Billiards&snooker cũng đã được bổ sung. Đặc biệt, đối với môn vovinam, Indonesia đã đồng ý tổ chức cả 14 nội dung VN đề nghị (10 nội dung quyền và 4 nội dung đối kháng). Môn aerobic cũng có thêm hai nội dung được đưa vào và chắc chắn nội dung thế mạnh của Việt Nam ở nội dung đôi nam nữ sẽ có mặt.
Tại cuộc họp, số nội dung thi đấu chính thức ở SEA Games 26 đã nâng lên 545, nhưng số môn thi đấu đã giảm xuống còn 43 sau khi các đoàn thống nhất ghép futsal vào môn bóng đá. Tuy nhiên, số bộ huy chương vẫn có thể giảm đi bởi theo thông báo của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, chỉ những nội dung có từ 4 quốc gia trở lên đăng ký thì mới được tổ chức.
Có một số thiệt thòi cho VN như có 4 hạng cân thế mạnh của silat bị bỏ, các nội dung của xe đạp như đua đổ đèo, băng đồng đều bị loại, nhưng số HC bị mất từ những môn này sẽ không đáng ngại với đoàn VN nếu nhìn vào những nội dung thế mạnh được bổ sung.
Có 10 môn Việt Nam khó có huy chương và một số môn chưa có VĐV thi đấu như: bài bridge, trượt pa-tanh tốc độ. Các môn mà thể thao Việt Nam tham dự là điền kinh, bơi, lặn, bắn cung, cầu lông, billiards & snooker, canoeing/kayak, đua xe đạp, quyền anh, bi sắt, đấu kiếm, bóng đá, judo, cờ vua, rowing, vovinam, cầu mây, taekwondo, bóng bàn, quần vợt, bóng chuyền, cử tạ, vật, wushu, karatedo và thể dục dụng cụ….
Sau khi các nội dung tranh huy chương được Indonesia công bố, đoàn thể thao Việt Nam đã có sự điều chỉnh về số lượng thành viên tham dự SEA Games tới, thay vì dự kiến có 700 thành viên tham dự như trước, sẽ tăng lên 800 thành viên trong đó có 560 VĐV (SEA Games 25 là 650 thành viên).
Trong tổng số 44 môn mà Indonesia tổ chức, Việt Nam sẽ dự 31 môn, trong đó có 6 môn xã hội hoá (bóng rổ, bowling, đua thuyền truyền thống, dù lượn, thuyền buồm, bóng nước) và có môn lần đầu tiên, sắp tới sẽ thành lập đội tuyển quốc gia để tham dự như kempo (võ Thiếu Lâm tự). Việt Nam chính thức bỏ 93 bộ HC của 13 môn. Lãnh đạo Tổng cục TDTT cũng thay đổi chỉ tiêu từ dự kiến đoạt khoảng 70-80 HCV, tăng lên 70 - 90 HCV và đứng thứ 2 khu vực.
Môn thể mạnh của VN- Điền kinh sẽ tham dự 31/46 nội dung, phấn đấu đoạt từ 9 đến 11 HCV. 10 VĐV được đầu tư mạnh nhất như: Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Võ Văn Huyện…
Những môn dự kiến sẽ đoạt nhiều HCV bao gồm: wushu: 5-6, teakwondo: 5, lặn: 5-6, cờ vua: 5-6, karatedo: 4-5, vovinam: 5, judo: 4, thể dục dụng cụ: 3-4, canoeing: 2-3, rowing: 2-3. Riêng bóng đá chỉ tiêu vẫn là đoạt 1 HCV (đội U.23).
Một số môn còn lại có chỉ tiêu HCV: bơi: 1-2 (Nguyễn Hữu Việt ở cự ly 50m ếch, 100m ếch), kempo: 2, aerobic: 1, cử tạ: 1-2, kiếm: 2, bắn cung: 1-2, xe đạp đường trường: 1-2, billiard-snoooker: 2; quyền Anh nữ: 1, cầu mây: 1, bi sắt: 1, bóng bàn: 1.
SEA Games 26 đánh dấu một cột mốc đáng nhớ cho Thể thao Việt Nam khi lần đầu tiên, chúng ta đã đưa môn Vovinam trở thành môn thi đấu chính thức của Đại hội. Với việc danh sách các môn thi đấu được bổ sung thêm Vovinam, Việt Nam sẽ có thêm một thế mạnh để cạnh tranh huy chương vàng.
Để đạt mục tiêu nằm trong nhóm 2, tính đến nay, nhiều đội tuyển đã bắt đầu triển khai kế hoạch chuẩn bị cho SEA Games 26.
Đối với môn cử tạ, sự đầu tư số 1 sẽ là cái tên còn rất trẻ - Thạch Kim Tuấn. Anh sẽ là cái tên được kỳ vọng chinh phục tấm HCV cho cử tạ VN tại SEA Games 26. Trưởng bộ môn Cử tạ - thể hình Đỗ Đình Kháng cũng cho biết, đội tuyển cử tạ VN sẽ có một số chuyến tập huấn quan trọng ở nước ngoài nhằm chuẩn bị cho đấu trường khu vực.
Trong khi đó, HLV trưởng bộ môn Karatedo VN - Lê Công cho biết sẽ gọi một loạt các gương mặt trẻ lên tập trung trong đợt đầu năm, bên cạnh những cái tên “gạo cội” của karatedo VN như Vũ Nguyệt Ánh hay Nguyễn Hoàng Ngân...
Ở bộ môn Vovinam, các VĐV cũng đã bắt đầu những chuyến tập huấn nhằm chuẩn bị cho nhiều mục tiêu trong năm 2010. Sau khi Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á được thành lập vào tháng 12-2010 tại Campuchia, sắp tới giải đấu vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào tháng 5. Đây cũng là sự chuẩn bị quan trọng trước đấu trường SEA Games.
Tập trung từ rất sớm là đội tuyển điền kinh VN (bắt đầu từ ngày 1-1-2011). Được biết, ngay từ đầu năm, địa điểm tập huấn của ĐT Điền kinh VN vẫn là Côn Minh (Trung Quốc) như mọi năm. Mục tiêu lớn nhất của điền kinh VN trong năm nay cũng chính là giành thành tích cao nhất tại SEA Games 26 (cùng với những suất thi đấu tại Olympic London 2012).
ĐT bắn súng cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị cho đấu trường quan trọng nhất trong năm thông qua việc chuẩn bị cho các đợt tập huấn tại một số quốc gia quen thuộc như Trung Quốc, Hàn Quốc. Theo như chiến lược phát triển thể thao giai đoạn 2011-2020 thì bắn súng đã được nằm trong nhóm 10 môn trọng điểm cần được đầu tư chiến lược. Điều này sẽ là sự thúc đẩy rất lớn đối với sự phát triển của bắn súng VN mà khởi đầu sẽ là đấu trường SEA Games 26 sắp tới.
Trong khi đó, môn Cầu lông cũng đã có những bước chuẩn bị đầu tiên. Mới đây, gương mặt tiêu biểu – Nguyễn Tiến Minh đã vừa tham dự các giải lớn như Super Series 2010, mặc dù anh chưa gặt hái được thành tích cao ở giải này nhưng với việc được thi đấu ở giải đấu gồm 8 tay vợt mạnh nhất thế giới thì đó thực sự là cơ hội cọ sát nhằm chuẩn bị rất tốt cho những mục tiêu tiếp theo trong năm. Trong khi đó, một gương mặt khác là Vũ Thị Trang dự kiến cũng sẽ được tham dự một số giải đấu nhằm hướng tới việc chinh phục thành tích cao tại SEA Games 26. Đối với việc cạnh tranh suất dự Olympic 2012 thì trọng trách sẽ được đặt lên vai Tiến Minh.
Còn khoảng 8 tháng nữa, SEA Games 26 mới diễn ra. Đây cũng sẽ là khoảng thời gian quan trọng để các đội tuyển chuẩn bị một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc nhất, nhằm hướng tới một kỳ Đại hội thành công.
Cinet tổng hợp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn