Đề án quốc hoa Việt Nam
Đề án xác định rõ sự cần thiết xây dựng Quốc hoa Việt Nam. Quốc hoa là loại hoa tiêu biểu, là biểu tượng của tinh thần và đặc trưng văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia. Hiện nay trên thế giới đã có nhiều nước có quốc hoa.
Việt Nam là một trong số 16 quốc gia giàu có nhất về đa dạng sinh học, là đất nước có nhiều loài hoa đẹp. Từ ngàn xưa, hoa đã rất gần gũi và gắn bó với đời sống văn hóa của người dân Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quốc hoa, chưa có văn bản nào công nhận quốc hoa của Việt Nam, trong khi hầu hết các nước trong khối ASEAN và nhiều nước ở châu Á đã có quốc hoa.
Bộ VH-TT-DL cũng đã tổ chức một số cuộc hội thảo bàn về quốc hoa của Việt Nam với sự quan tâm, hưởng ứng và tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu và cả người dân. Có thể nói, việc xây dựng và tôn vinh Quốc hoa Việt Nam là cần thiết vì đây là nguyện vọng của nhân dân, cũng xuất phát từ hoạt động trong nước và đối ngoại quốc tế.
Không những vậy, vấn đề xây dựng Quốc hoa Việt Nam cũng nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhằm thực hiện chiến lược văn hóa đến năm 2020 là: tăng cường giáo dục đạo đức, xây dựng con người mới, đời sống văn hóa mới trong nhân dân, tăng cường, chủ động hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hóa.
Như vậy có thể nói, Đề án Quốc hoa Việt Nam của Bộ VH-TT-DL được coi là cơ sở khoa học và thực tiễn của việc lựa chọn và tôn vinh Quốc hoa Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất tôn vinh loài hoa tiêu biểu nhất, thể hiện tập trung nhất bản sắc con người và đất nước Việt Nam.
Đề án đưa rakế hoạch cụ thể: Ban đầu cần đưa ra một số tiêu chí lựa chọn, tôn vinh Quốc hoa Việt Nam, và lập danh sách ứng viên cho Quốc hoa Việt Nam, đồng thời không thể không dựa trên ý kiến của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa và cả ý kiến của nhân dân. Cơ quan chỉ đạo Đề án được xác định là Bộ VH-TT-DL phối hợp cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương, trong khi đó, đơn vị thực hiện Đề án sẽ là Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh – Triển lãm. Một số đơn vị cũng sẽ phối hợp tổ chức Đề án bao gồm: Vụ Văn hóa văn nghệ (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương), Viện Nghiên cứu Rau quả (thuộc Bộ NN &PTNT), Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO (thuộc Bộ Ngoại giao) và một số đơn vị khác.
Đề án sẽ diễn ra theo các bước: thành lập Ban chỉ đạo, Ban soạn thảo Đề án – Tổ chức nghiên cứu, điều tra, khảo sát – Tổ chức hội thảo chuyên đề - Thông tin tuyên truyền trên báo đài và các phương tiện truyền thông khác – Lấy ý kiến từ dư luận, người dân.
Một số nguyên tắc chỉ đạo thực hiện đề án:
Phải đảm bảo sự chỉ đạo của Chính phủ (phê duyệt chủ trương xây dựng Đề án, nội dung và các biện pháp lớn nhằm thực hiện đề án)
Đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước, đồng thời tăng cường xã hội hóa trong việc xây dựng và thực hiện Đề án.
Bộ VH-TT-DL sẽ chủ trì phối hợp với một số Bộ, ngành liên quan trực tiếp chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Đề án.
Sở VH-TT-DL các tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trong phạm vi tỉnh, thành phố, trực tiếp chủ trì việc thực hiện Đề án sau khi được UBND phê duyệt.
Thường xuyên giám sát, định kỳ rà soát, đánh giá việc thực hiện Đề án để kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện Đề án cho phù hợp và đạt hiệu quả.
Dự kiến Lễ công bố Quốc hoa Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 19-5-2011. Quốc hoa Việt Nam sẽ được tuyên truyền, quảng bá, giới hiệu trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Đề án cũng xác định sẽ tổ chức Lễ hội Quốc hoa theo định kỳ (thời gian cụ thể tùy thuộc phạm vi cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh - huyện…). Quốc hoa cũng sẽ được quy hoạch, bảo tồn và phát triển.
Đề án Quốc hoa Việt Nam có ý nghĩa chính trí, văn hóa, kinh tế lớn. Đề án có quy mô triển khai rộng khắp cả nước, thời gian thực hiện có tính lâu dài, vì vậy để Đề án thành công toàn diện rất cần sự nỗ lực của các Bộ, ban, ngành, các cơ quan liên quan và cả trách nhiệm của mỗi người dân.
Theo Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh - đơn vị thực hiện Đề án; cơ quan thường trực của hội thảo, Bộ VH-TT-DL đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ biên soạn đề án quốc hoa VN, chứng tỏ nhu cầu cần có một quốc hoa cho các sinh hoạt văn hóa, đối nội, đối ngoại.
Trong một số các cuộc hội thảo đã được tổ chức , 9/10 ý kiến đều cho rằng nên có quốc hoa.
Tiến sĩ (TS) Ngô Phương Lan- Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), dẫn thông tin đã có 97 nước có quốc hoa và cho rằng việc có một loài hoa đặc trưng cho đất nước là cần thiết.
TS Phạm Thanh Hải - Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh VN, nhận xét nếu có thì quốc hoa sẽ cùng vịnh Hạ Long, áo dài, nón lá góp phần tôn vinh hình ảnh đất nước. Ông Hải cho biết thêm, khảo sát ở một số trường đại học cho thấy 68% số người được hỏi bảo cần có quốc hoa để nâng cao niềm tự hào VN.
TS Lê Thị Minh Lý - Phó cục trưởng Cục Di sản, gây chú ý khi cho rằng thông tin 97 nước có quốc hoa trên mạng internet chỉ nên để tham khảo, việc tìm ra một quốc hoa cần có cơ sở khoa học và pháp lý; một số nước lớn và có nền văn hóa lâu đời như Trung Quốc, Nga cũng không có quốc hoa. “Bulgaria là một đất nước nổi tiếng về hoa hồng, nhưng họ vẫn chưa công nhận hoa hồng là quốc hoa. Tôi băn khoăn là quốc hoa của chúng ta có mang lại điều gì cho cộng đồng hay không, và liệu chúng ta có vai trò gì hơn trên trường quốc tế”, bà Lý phát biểu.
Ông Phạm Sanh Châu - Tổng thư ký Ủy ban UNESCO VN, lên tiếng trấn an khi cho rằng quốc hoa cần thiết vì liên quan đến chính sách ngoại giao văn hóa. “Chúng ta đã nói nhiều đến vịnh Hạ Long, đến nem, đến phở rồi, thì nay có thể là một loài hoa nào đó, chẳng hạn sen, nếu được chọn là quốc hoa, thì trong các nghi lễ ngoại giao, cứ mang sen ra trang trí để tạo ra bản sắc VN”, ông Châu nói.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Tiến Thọcho rằng cũng như quốc phục, việc có quốc hoa là cần thiết mặc dù để đạt được sự đồng thuận tuyệt đối là rất khó. Sau hội thảo này, Bộ VH-TT-DL sẽ còn tiếp tục tham khảo ý kiến các nhà khoa học, các nhà văn hóa để chọn ra một loại hoa chính thức để lấy ý kiến dư luận, trình Chính phủ, thậm chí cả Quốc hội để được thông qua một cách chính thức. Nếu mọi chuyện trôi chảy thì đề án này sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Tiêu chí để chọn quốc hoa, theo cơ quan thường trực của đề án, có 13 tiêu chí, gồm: có nguồn gốc hoặc được trồng lâu đời ở VN, thích nghi và được trồng ở nhiều nơi, nở hoa quanh năm, thể hiện bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc...
Họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, hệ thống tiêu chí này hơi rắc rối mà chỉ cần một số đặc điểm: trồng lâu đời ở VN, thể hiện bản sắc, tinh thần dân tộc, gần gũi trong đời sống và được đa số nhân dân yêu thích. Cụ thể, ông Chương đề nghị chọn hoa sen, bởi từ thời Lý, hoa sen đã được dùng nhiều, hơn nữa sen phổ biến, khỏe và đẹp. “Mặt khác, nếu chúng ta chọn hoa sen thì ẩn ý đằng sau hình tượng hoa sen là Bác Hồ, lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc”, ông Chương nói.
GS-TS Trần Duy Quýnói về sức sống của loài cây này: hạt sen sau 500 năm vẫn có thể nảy mầm, mầm sen còn có thể xuyên qua đê sông Hồng.
TS Đặng Văn Đông - Trưởng bộ môn Hoa và cây cảnh (Viện Nghiên cứu rau quả): Tham khảo trên một số website, trong khoảng 130.000 ý kiến, có 40,3% chọn hoa sen, 33,6% chọn hoa mai, 8,2% chọn đào... Tôi cho rằng hoa sen đa phần đáp ứng được các tiêu chí trên nhưng vẫn còn nhược điểm. Về tương lai hoa sen khó phát triển được mạnh và đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho người trồng, bởi hoa sen ít người trồng, khi trồng đòi hỏi phải có diện tích lớn, mà điều này lại đang là nghịch lý của đất đai Việt Nam. Tuy nhiên theo ông Đông, sen cũng đã được Ấn Độ, Sri Lanka chọn làm quốc hoa.
Ông Hoàng Kim Chung - Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Hà Nội: Cách điệu hoa sen cho khác với sen Ấn Độ
Tôi đã ấp ủ và nói chuyện nhiều với bạn bè về việc lấy hoa sen làm Quốc hoa. Theo tôi hoa sen phù hợp với 13 tiêu chí đưa ra để trở thành Quốc hoa của Việt Nam. Từ trước đến nay hoa sen sẽ được xem là một hình ảnh đẹp, có nhiều ý nghĩa lịch sử cao cả.
Ngoài ra, hoa sen cũng có khả năng phát triển tốt để khai thác kinh tế sản xuất, ví dụ bông hoa làm cảnh, nhụy hoa làm thuốc, hạt hoa làm thuốc hoặc giải khát…
Tuy nhiên Ấn Độ đã chọn chính hoa sen làm Quốc hoa, vì vậy nếu Việt Nam cũng lựa chọn thì cần có sự cách điệu hoặc tạo biểu tượng hoa sen khác với hoa sen Ấn Độ và Srilanka. Cụ thể như chọn cả khóm hoa sen bao gồm cả hoa, búp và lá để tạo hình ảnh. Hoặc lấy nụ hoa kèm búp đang thì trổ để thể hiện hình ảnh Việt Nam…
TS Nguyễn Thị Kim Lý - Giám đốc Trung tâm hoa cây cảnh (Viện Di truyền Nông nghiệp): Đừng để phải đi hàng chục cây số mới ngắm được Quốc hoa
Việt Nam có một nền sinh học đa dạng, các vùng miền có nhiều loài hoa khác nhau. Và đến nay cũng đã có nhiều tỉnh thành đề xuất các loài hoa khác nhau mang màu sắc của vùng đó như hoa gạo, hoa lan, hoa phượng… Trong số đó chủ yếu vẫn là hoa sen, hoa mai và hoa đào.
Đối với hoa sen, nhiều người sợ trùng lặp với quốc hoa của Ấn Độ. Tuy nhiên, không đáng ngại bởi hoa sen của Ấn Độ là hoa sen trắng còn hoa sen của Việt Nam là hoa sen hồng.
Nhìn chung hoa sen mang đầy đủ các tiêu chí, cũng là loài gắn bó với truyền thống dân tộc ta. Đến nay hoa sen gắn liền với nhiều biểu tượng lớn của Việt Nam như hình ảnh Bác Hồ… Chỉ có điều khuyết điểm của hoa sen là được trồng hạn chế và nở vào mùa hè.
Nếu lấy hoa sen làm quốc hoa đồng nghĩa với việc chúng ta phải có quy hoạch xây dựng lại loài hoa này để làm sao nó thể hiện đúng biểu tượng quốc hoa. Không thể người nước ngoài đến hỏi quốc hoa của bạn là gì? Mình bảo là hoa sen nhưng phải đi hàng chục cây số mới thấy được hồ trồng.Theo ý tôi, nếu hoa sen là quốc hoa, Hồ Tây phải là một địa điểm trồng hoa sen. Hay hồ dưới chùa Một Cột cũng nên trồng hoa sen và nhiều nơi khác nữa. Đồng thời, cần có hướng nghiên cứu giúp hoa sen phát triển hơn, nhất là mang lại nguồn lợi kinh tế vốn dĩ hiện nay chưa ai biết cách khai thác.
Bộ VHTTDL sẽ tổ chức trưng cầu ý kiến nhân dân về Quốc hoa, Quốc phục, Quốc tửu. Sen hồng là ứng cử viên số một cho “ngôi vị” Quốc hoa, bên cạnh đó, lễ hội sẽ là dịp để khởi động cho việc tuyển chọn Quốc phục và Quốc tửu.
Vì sao chọn sen hồng?
Theo khẳng định từ BTC của những hoạt động quan trọng này, sau các cuộc hội thảo, lấy ý kiến các Bộ, ngành, chuyên gia về việc lựa chọn Quốc hoa VN, lần này việc tổ chức trưng cầu ý kiến rộng rãi tại Lễ hội hoa xuân và đồ uống Tết năm 2011 là một bước nối rất quan trọng để tiếp tục lựa chọn, tiến tới công bố chính thức danh hiệu Quốc hoa.
Đây là việc làm bao hàm ý nghĩa chính trị, văn hoá, kinh tế sâu sắc, nhằm khẳng định nét đẹp văn hoá truyền thống, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Đồng thời, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người và văn hoá VN trên trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Hoa (Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm VHNT VN) cho biết, tại Lễ hội năm nay sẽ tổ chức trưng bày và lấy ý kiến trực tiếp về Hoa sen hồng- loài hoa vốn mang ý nghĩa là biểu tượng của văn hoá và phẩm chất con người VN. Đây là ứng viên có số phiếu bầu chọn cao nhất cho “ngôi vị” Quốc hoa của VN.
Để tạo nhiều “kênh” xúc tác với người xem, một cuộc triển lãm về hoa sen sẽ được tổ chức với nhiều chủ đề: Hoa sen trong tâm linh văn hoá; hoa sen trong mỹ thuật truyền thống người Việt qua các thời Lý, Trần, Lê...; hoa sen dưới các góc nhìn của hoạ sĩ đương đại; hoa sen qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh; hoa sen với hình tượng Bác Hồ; hoa sen qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, thợ thủ công; hồ sen, đầm sen, các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt từ hoa sen; sen trong văn hoá ẩm thực... Việc lấy ý kiến bình chọn sẽ được thực hiện thông qua website và các phiếu bầu chọn.
Một chương trình đặc biệt mang tên Hồn sen Việt cũng dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 29.1 (tức 26 tháng Chạp) nhằm tôn vinh hơn nữa vẻ đẹp và ý nghĩa của hoa sen. Trong đêm hội này, công chúng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khiết, quyến rũ mà thanh tao của loài hoa này thông qua nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật độc đáo như: múa Đêm hội hoa sen, hát Quan họ, hát múa Sắc sen màu nhiệm, múa Lục cúng hoa đăng, múa Hoa sen Tháp Mười, giới thiệu nghệ thuật Trà sen Việt, trình diễn trang phục Duyên dáng hoa sen... Cũng hứa hẹn nhiều điều thú vị là chương trình giao lưu với những khách mời là các nhà chuyên cứu văn hoá, các chuyên gia, hoạ sĩ... luận bàn về vẻ đẹp và giá trị của hoa sen với chủ đề Hoa Sen- Hồn Việt.
Theo hoạ sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm), hoạt động trưng cầu ý kiến nhân dân để tiến tới việc lựa chọn và công bố chính thức Quốc hoa VN là việc làm rất quan trọng. Hoa sen hồng, đối tượng được trưng bày và lấy ý kiến trực diện tại lễ hội là một loài hoa tiêu biểu, đáp ứng được các tiêu chí về lựa chọn Quốc hoa VN. Đặc biệt, sen hồng là biểu tượng thể hiện bản sắc văn hoá, cốt cách và tinh thần dân tộc, ý chí và nguyện vọng của nhân dân VN. Ở một góc cạnh khác, hoạ sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN cũng khẳng định, bản thân ông rất yêu sen hồng, một loài hoa đẹp và có giá trị ngay từ góc độ tạo hình. Sen hồng cũng là loài hoa đã từng đi vào thơ ca, nhạc hoạ, truyền thuyết, lễ hội, các công trình kiến trúc, hội hoạ và điêu khắc tiêu biểu của VN.
Bên cạnh đó, việc tuyển chọn Quốc tửu cũng sẽ được khởi động trên cơ sở tiếp nối ba năm liên tục hoạt động tổ chức thi tuyển chọn thương hiệu rượu ngon VN. Tại lễ hội, hoạt động tổ chức lấy ý kiến về Quốc tửu, Quốc phục cũng dự kiến sẽ được tổ chức hàng ngày thông qua trang web và các phiếu bình chọn.
Xung quanh những hoạt động này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều khẳng định, việc trưng cầu ý kiến để lựa chọn Quốc hoa, Quốc phục, Quốc tửu là rất cần thiết, tuy nhiên cần được tổ chức theo đúng quy trình, đảm bảo các yếu tố chặt chẽ, khách quan và khoa học.
Cinet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn