Một buổi tập của đội bóng chuyền nữ ở 2 ấp Trảng Tranh và Đồng Bia
HIẾN ĐẤT XÂY SÂN BÓNG
Bắt đầu từ việc muốn thu hút chị em người dân tộc thiểu số vào tổ chức hội, chị Phùng Thị Mai, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Trảng Tranh đã vận động từng hội viên chơi bóng chuyền. Năm 2006, chị Mai hiến 2 sào đất đang trồng điều để làm sân bóng, tạo sân chơi cho chị em trong hội. Chị Mai cho biết: Ban đầu đội bóng chỉ có 8 chị tham gia tập luyện và còn bị chồng phản đối. Sau hơn 2 năm hoạt động, đội bóng chuyền đã tập hợp được nhiều thành viên, thậm chí có sự đóng góp tích cực của những ông chồng. Để có kinh phí tập luyện, chúng tôi huy động gây quỹ từ 1.000 đồng/người/tháng rồi tới 50 ngàn đồng/đội thua/trận tập luyện.
Một buổi tập của đội bóng chuyền nữ ở 2 ấp Trảng Tranh và Đồng Bia
Mặc dù đã có sân chơi nhưng do vị trí sát đường liên xã nên năm 2014, chị Mai và Chi hội trưởng phụ nữ ấp Đồng Bia tiếp tục vận động chị em đóng góp và trích quỹ đội bóng làm sân bê tông ở vị trí khác. Đam mê với phong trào thể thao gia đình, chị Phùng Thị Xinh (SN 1978), dân tộc Nùng ở ấp Đồng Bia tự nguyện hiến đất làm sân bóng mới. Cuối năm 2014, sân bóng chuyền được hoàn thành với tổng kinh phí 38 triệu đồng gồm sân bê tông, khung lưới, bóng đèn thắp sáng và các vật dụng phục vụ đội bóng chuyền nữ.
MẸ CHỒNG, NÀNG DÂU CÙNG RA SÂN
Từ ngày có sân bóng chuyền bê tông với cường độ tập luyện dày hơn, đội bóng chuyền nữ hai ấp Trảng Tranh, Đồng Bia thường đại diện cho xã Tân Lợi đi giao lưu, tham gia các hội thi ở huyện và tỉnh. Tại hội thao văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Đồng Phú lần thứ III diễn ra tháng 10-2015, đội bóng chuyền nữ Tân Lợi đã giành giải nhì. Với tinh thần đoàn kết, đội tiếp tục đại diện huyện Đồng Phú dự hội thao cấp tỉnh tổ chức ở sóc Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng). Trong nhiều trận thi đấu, giao hữu không chỉ vận động viên sôi nổi tham gia mà còn có sự khích lệ, động viên tích cực từ các cổ động viên lớn tuổi. Thậm chí có những mẹ chồng dù đã ngoài 60, 70 tuổi vẫn nhiệt tình cổ vũ con dâu.
Hằng ngày, cứ 5 giờ chiều, bà Long Thị Péc (69 tuổi), dân tộc Nùng lại chuẩn bị sẵn võng, ghế, quạt giấy, trái cây và nước uống để cổ vũ và phục vụ các gia đình tập luyện bóng chuyền. Bà Péc chia sẻ: “Tôi luôn động viên con trai, con dâu tham gia phong trào thể thao, bởi không chỉ vui mà còn rèn luyện sức khỏe dẻo dai hơn. Trước đây, tôi không biết luật chơi bóng chuyền như thế nào, từ ngày có sân bóng cạnh nhà, chiều nào tôi cũng ra xem nên đã biết rõ luật chơi và càng quan tâm hơn tới các trận thi đấu trên tivi. Không chỉ vậy, mỗi lần con dâu thi đấu ở ngoài huyện tôi đều đi cổ vũ và phục vụ nước cho con. Tham gia các hoạt động phục vụ đội bóng giúp tôi vui khỏe hơn”.
Bà Long Thị Nhớt (62 tuổi), ấp Đồng Bia cũng có 3 người con dâu là thành viên của đội bóng chuyền. Mỗi lần con dâu đi thi đấu ở các xã Tân Tiến, Đồng Tâm (Đồng Phú) bà đều nhiệt tình đi cổ vũ. Bà Nhớt cho biết: “Tôi lớn tuổi không thể tập luyện được nữa thì cổ vũ. Nhờ đi cùng các con đến những sân bóng lớn để cổ vũ mà tôi hiểu nhiều, biết rộng và được gặp gỡ các cụ cao niên cùng sở thích thể thao”.
Chị Mai cho biết thêm: Trước khi thi công sân bóng chuyền, huyện Đồng Phú và UBND xã Tân Lợi đã hỗ trợ 3 triệu đồng và thường xuyên động viên, khuyến khích người dân trong vùng phát triển phong trào thể dục - thể thao. Mới đây, lãnh đạo xã đã tặng đội bóng chuyền nữ trang phục thể thao.
Tác giả bài viết: VH,TT&DL
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn