18:54 ICT Thứ tư, 08/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động khác

Con đường vận chuyển chiến lược của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước

Thứ sáu - 20/04/2018 15:06
đường Trường sơn

đường Trường sơn

Tháng 1 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp Hội nghị lần thứ 15 mở rộng, xác định đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới.

Thực hiện Nghị quyết 15, ngày 19-5-1959, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định xây dựng tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn nhằm chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, thành đồng Tổ quốc.

Đường Trường Sơn – Tuyến vận tải huyền thoại

Quá trình xây dựng và phát triển đường chiến lược Trường Sơn trải qua nhiều giai đoạn gắn liền với các thời kỳ phát triển của cách mạng miền Nam.

 

Điều thật đáng nói là, ở Trường Sơn bình quân cứ 200m có một dốc cao, cứ 15m có một đèo cao, 200m có một dòng suối nhỏ, 2 km có một con suối lớn và cứ 20 km có một dòng sông nhỏ chảy xiết…Trước những ác liệt về bom đạn của địch và thiên nhiên có nhiều hiểm trở, các chiến sĩ của ta đã tạo nên hàng chục ngàn km đường và hệ thống các trạm giao liên dày đặc cho đại quân của ta tiến vào thành phố Hồ Chí Minh.

Lúc đầu, đường Trường Sơn là con đường mòn đi dọc phía đông dãy Trường Sơn, luồn lách qua hàng rào đồn bốt của địch, với phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Từ tháng 8-1959, những đoàn cán bộ và những chuyến hàng đầu tiên từ hậu phương miền Bắc qua đôi vai các chiến sĩ đã vượt Trường Sơn vào tiền tuyến lớn miền Nam. Cho đến cuối năm 1964, 3.000 tấn vũ khí, hơn 40.000 cán bộ, chiến sĩ được đưa vào tăng cường cho cách mạng miền Nam. Về phương thức, vẫn lấy vận tải thô sơ, gùi thồ là chính, kết hợp với vận tải cơ giới ở từng khu vực, tận dụng từng đoạn đường sông thuận lợi để vận tải đường thủy.

Từ năm 1965 đến năm 1972, đường Trường Sơn phát triển mạnh mẽ, tiến lên cơ giới hóa toàn tuyến vận tải quân sự. Từ năm 1965 đến năm 1968, 30 vạn cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc theo tuyến đường Trường Sơn vào các chiến trường miền Nam, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ.

Năm 1969, Mỹ tăng cường đánh phá đường Trường Sơn bằng không quân lên gấp hai lần so với năm 1968. Ta chủ trương giữ các đường 12, 20, 16, 18 và mở thêm các đường vòng tránh.

Mùa khô năm 1970, tuyến đường ống xăng dầu từ miền Bắc vào tận chiến trường miền Nam bắt đầu hoạt động. Năm 1969, hai vạn tấn hàng hóa các loại đã được vận chuyển vào miền Nam; năm 1970, khối lượng vận tải là bốn vạn tấn; năm 1971, lên tới 6 vạn tấn.

Đầu năm 1971, toàn bộ lực lượng chiến đấu trên mặt trận đường 9 – Nam Lào đã lên tới 6 vạn người đã theo đường Trường Sơn vào đến mặt trận an toàn, đúng thời gian quy định. Từ khi mở đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch, 8.000 tấn vật chất, trong đó có một nửa là vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường của đường Trường Sơn.

Từ năm 1973 đến 1975, sau Chiến thắng đường 9 – Nam Lào, tuyến đường Trường Sơn hoàn toàn thông suốt, tiếp tục vận chuyển nguồn chi viện to lớn từ miền Bắc vào miền Nam, phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho cuộc Tổng tiến công trên toàn miền Nam.

Đến cuối năm 1974, Chính phủ ta đã tập trung lớn vào việc nâng cao chất lượng hệ thống đường Trường Sơn. Ta xây dựng thêm 1.050 km đường mới để xe ô tô có thể vận chuyển đưa quân cho các chiến trường miền Nam. Các tuyến vận tải chiến lược đều được cải tạo, nâng cấp, có thể hoạt động bình thường cả mùa khô và mùa mưa. Đường đông Trường Sơn đã nối liền với Lộc Ninh. Đương tây Trường Sơn được nắn thẳng tuyến tới ngả ba biên giới, rồi qua các kênh rạch vùng Đồng Tháp Mười, qua tuyến đường 1C đến Hòn Đất (Kiên Giang) nối liền với tuyến vận tải đường biển của Đoàn 759.

Đến đầu năm 1975, đường Trường Sơn có tổng chiều dài gần 20.000 km bao gồm 5 hệ trục dọc dài 6.810 km, 21 hệ trục ngang dài 5.000 km, 5 hệ thống đường vượt khẩu dài 700 km, một hệ thống đường vòng tránh dài 4.700 km. Dọc theo đường Trường Sơn có hệ thống đường ống xăng dầu với tổng chiều dài 1.399 km, 101 trạm bơm bảo đảm dự trử và cấp phát đủ xăng dầu cho các binh chủng kỹ thuật hành quân vào các mặt trận. Ngoài ra, còn có một vạn km đường dây thông tin…Điều đáng nói là, trên tuyến đường Trường Sơn đã có 3.140 km đường kín cho xe ô tô hoạt động ban ngày trong diều kiện đánh phá ác liệt của máy bay địch. Hơn hai triệu lượt bộ đội, cán bộ vào ra chiến trường, hàng triệu tấn vũ khí, đạn được, hàng hóa…được vận chuyển phục vụ các chiến trường liên tục chiến đấu, càng đánh càng thắng, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc Tổng tiến công đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Trong suốt 16 năm (1959-1975), các chiến sĩ Trường Sơn đã trực tiếp chiến đấu 10 vạn trận, tiêu diệt 16.000 địch, bắn rơi 2.455 máy bay các loại của địch, trong đó có cả B52, pháo đài bay điện tử C130.

Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với quân thù, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên đường Trường Sơn đã chịu nhiều tổn thất về người và phương tiện vật chất: Hơn 2 vạn chiến sĩ hy sinh, hơn ba vạn người bị thương, 14.500 xe máy, 703 súng, pháo và hơn 90.000 tấn hàng hóa bị phá hủy.

Ai đã một lần có mặt ở đường Trường Sơn hẳn sẽ hiểu rõ sự hy sinh, mất mát và sức chịu đựng vô bờ của một dân tộc ra trận đã trả giá như thế nào cho ngày chiến thắng.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta ở thể áp đảo về binh lực, hỏa lực và sự bất ngờ, khiến địch không kịp trở tay. Đường Trường Sơn đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt ở giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh. Có thể khẳng định,  không có đường Trường Sơn sẽ không có Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nếu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta là một thiên huyền thoại thì đường Trường Sơn là biểu hiện sinh động nhất của huyền thoại ấy.

Những kỳ tích mà cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên đường Trường Sơn đã lập nên, vĩnh viễn đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà sử học trong và ngoài nước đã tốn không ít giấy mực để viết về con đường này. Nhưng không giấy mực nào có thể ghi lại đầy đủ lòng dũng cảm vô song, sự hy sinh cao cả, trí thông minh tuyệt vời…của những con người đã sống và chiến đấu trên con đường Trường Sơn – tuyến vận tải chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

Nguồn tin: Tin tức Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước