16:23 ICT Thứ tư, 13/11/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động thể thao

Niềm đam mê của võ sư Việt võ đạo

Thứ hai - 13/02/2017 09:06
Niềm đam mê của võ sư Việt võ đạo

Niềm đam mê của võ sư Việt võ đạo

“Mình trưởng thành hơn từ sự vấp ngã của học trò. Mình còn là nơi để học trò tâm sự khi không chia sẻ được với cha mẹ hay các thành viên trong gia đình. Có những đêm trằn trọc với học trò còn hơn trăn trở việc học của con. Thế nhưng được mấy phụ huynh nhớ đến người dạy võ. Ngày hiến chương nhà giáo, thấy thầy cô ai cũng ôm cả bó hoa, mình cũng chạnh lòng” - võ sư Huỳnh Minh Hải chia sẻ.

NGƯỜI ƯƠM MẦM PHONG TRÀO VOVINAM BÌNH PHƯỚC

Võ sư Huỳnh Minh Hải sinh năm 1982 tại ấp Tân Trạch, xã Phước Thiện (Bù Đốp). Đến nay, anh vừa tròn 35 tuổi nhưng có đến 21 năm gắn bó với võ thuật vovinam (Việt võ đạo). Học võ từ năm 1997, đến năm 2011, anh trở thành một trong 5 võ sư đầu tiên của vovinam trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện nay. Huỳnh Minh Hải luôn khổ công tập luyện võ thuật từ sự hướng dẫn tận tình của người thầy vừa dạy học vừa dạy võ là Dương Minh Tân. Sau 14 năm khổ luyện, cuối năm 2011, anh đã vượt qua kỳ thi trung đẳng do Liên đoàn Vovinam Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, hoàn thành nội dung chương trình huấn luyện võ sư theo chuẩn của môn phái. Sau khi đạt chuẩn trình độ võ sư, ngoài duy trì phong trào vovinam vùng biên giới huyện Bù Đốp, anh còn trực tiếp huấn luyện ngắn hạn cho các chiến sĩ thuộc Huyện đội và Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16) đóng trên địa bàn huyện Bù Đốp. Trong quá trình tham gia huấn luyện, anh gặp được chị Phan Thị Thu Vân, công an viên xã Tân Tiến (Bù Đốp). Cả hai tâm đầu ý hợp, tình yêu nảy nở và kết duyên vợ chồng. Cả hai đều tham gia tập luyện và huấn luyện môn sinh tại các câu lạc bộ vovinam trên địa bàn huyện Bù Đốp. Từ những hạt nhân của Bù Đốp, phong trào vovinam lan rộng đến địa bàn các huyện Lộc Ninh, Bù Gia Mập, Bù Đăng và thị xã Đồng Xoài.
Võ sư Huỳnh Minh Hải (hàng đầu bên phải) đang huấn luyện vovinam tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh 
 

BÁN NHÀ VÌ NGHIỆP VÕ

“Nếu nuối tiếc thì tôi đã không làm. Vovinam giống như máu thịt của tôi vậy. Cả hai vợ chồng chỉ mơ ước có được miếng đất đủ lớn để xây dựng võ đường cho anh em có nơi tập luyện, trò chuyện và thờ tự sáng tổ trang trọng hơn. Mình mong anh em trong ban huấn luyện cố gắng luyện tập vì phong trào vovinam của tỉnh. Anh có viết thì viết cho liên đoàn, đừng viết riêng em xấu hổ lắm!”

Võ sư Huỳnh Minh Hải 

Vừa dạy võ vừa kinh doanh điện thoại di động tại xã Tân Tiến, thu nhập của gia đình anh mỗi tháng ít nhất cũng 20 triệu đồng. Thế nhưng đến cuối năm 2015, Liên đoàn Vovinam tỉnh Bình Phước thành lập, gia đình anh bán nhà ở xã Tân Tiến để chuyển về thị xã Đồng Xoài dấn thân theo nghiệp võ. 7 tháng là khoảng thời gian đầu gia đình anh phải ở trọ, vừa kinh doanh hàng ăn vừa gây dựng phong trào vovinam trên địa bàn thị xã Đồng Xoài và tham gia củng cố trình độ kỹ thuật võ thuật cho Ban huấn luyện vovinam của liên đoàn. 7 tháng kinh doanh và ở trọ, túi tiền bán nhà của anh thâm hụt hết 80 triệu đồng và số còn lại chỉ đủ mua 5m đất trong một hẻm nhỏ ở khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài. Trước hoàn cảnh kinh tế của gia đình anh, huấn luyện viên Nguyễn Tiến Danh, thành viên Ban huấn luyện liên đoàn tự nguyện cho mượn sổ đất thế chấp ngân hàng vay vốn làm nhà.

Ngày anh chuyển về thị xã Đồng Xoài chỉ có khoảng 10 môn sinh đang tham gia tập luyện vovinam tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh. Sau gần 2 năm gây dựng phong trào, số môn sinh theo học tại đây đã tăng đến 130. Chưa dừng ở đó, việc tập huấn nâng cao trình độ võ thuật cho các huấn luyện trong Ban huấn luyện của liên đoàn đã giúp phong trào vovinam lan rộng đến 11/11 huyện, thị xã trong tỉnh. Hiện nay, số môn sinh của vovinam tỉnh Bình Phước đã vượt trên 3.000 võ sinh, trong đó có khoảng 100 huấn luyện viên và 5 võ sư. Đặc biệt ở 2 thị xã Đồng Xoài và Bình Long, vovinam đã chính thức trở thành môn học thể dục tự chọn ở một số trường THCS. Vị trí phong trào vovinam trên địa bàn thị xã Đồng Xoài từ hạng thứ 8 vươn lên thứ 2 so với 11 huyện, thị trong tỉnh.

SAU ÁNH HÀO QUANG

Chuyển về thị xã Đồng Xoài đang lúc ở trọ cũng là thời điểm Liên đoàn Vovinam Việt Nam chuẩn bị giải đấu tranh cúp các đội mạnh toàn quốc diễn ra tại tỉnh An Giang vào tháng 4-2016. Để tham gia giải, cả 6 thầy trò phải trải qua 4 tháng ăn mì gói và cùng tập luyện các nội dung quyền cước. 6 thầy trò còn đi vận động các nhà hảo tâm để có kinh phí lưu trú trong quá trình tham gia thi đấu. Kết quả sau chuyến tham gia tranh cúp các đội mạnh toàn quốc tại tỉnh An Giang, đoàn vovinam tỉnh Bình Phước từ chỗ không ai biết đến đã đoạt 2 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 9 huy chương đồng, xếp thứ 4 trong tổng số các tỉnh, thành tham gia giải thuộc khu vực phía Nam. Dẫu vậy, tổng thu nhập của cả vợ chồng anh tham gia huấn luyện ở 3 câu lạc bộ vovinam trên địa bàn thị xã Đồng Xoài hiện chỉ khoảng 10 triệu đồng. Tiền học của 2 con cùng điện, nước và các khoản sinh hoạt không tên khác đều dựa vào nguồn thu duy nhất là huấn luyện võ thuật. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh trong con hẻm ngoằn ngoèo thuộc khu phố Thanh Bình không có gì giá trị ngoài ảnh thờ cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc, chưởng môn Lê Sáng và một số ảnh đón nhận huy chương sau những giải đấu vovinam ở xứ người.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: học trò

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước