08:05 ICT Thứ tư, 13/11/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động du lich

Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ

Thứ bảy - 20/06/2020 16:52
Ảnh đại diện

Ảnh đại diện

Liên kết hợp tác để xây dựng sản phẩm du lịch liên tour, liên tuyến nhằm thu hút du khách đi tour trong nước, góp phần phục hồi ngành du lịch

Chiều 15-6, tại hội nghị phối hợp tổ chức ký kết liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ do UBND TP HCM tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP quan tâm đến lĩnh vực du lịch bởi đây là ngành kinh tế tổng hợp, tác động và kéo theo các ngành kinh tế khác. Việc liên kết, hợp tác với các địa phương khác là cần thiết, nhất là trong việc hình thành sản phẩm liên tuyến, liên vùng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) chào bán sản phẩm du lịch...

Chương trình liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch, vị trí chiến lược và đẩy mạnh kết nối du lịch giữa các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ gồm: TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP, đánh giá hiện sản phẩm du lịch trong vùng đã có nhưng tính hấp dẫn, liên tuyến, liên vùng chưa chặt chẽ nên cần sự hợp tác nhằm xây dựng sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng; thúc đẩy đầu tư vào du lịch; tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch... Qua hoạt động quảng bá này cũng góp phần kích cầu du lịch nội địa và phục hồi ngành du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo dự thảo kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2021, các địa phương sẽ triển khai thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020-2025. Theo đó, sẽ phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ DN lữ hành xây dựng chương trình kích cầu du lịch kết nối từ TP tới 5 tỉnh Đông Nam Bộ. Xây dựng chương trình du lịch gắn với tham quan các khu di tích lịch sử; chương trình du lịch sinh thái cộng đồng; chương trình văn hóa trải nghiệm ẩm thực, làng nghề truyền thống; du lịch đường thủy kết hợp với các phương tiện khác.

Cáp treo đưa du khách đi tham quan núi Bà Đen (Tây Ninh). Ảnh: NGỌC DIÊU

Xây dựng một số tuyến du lịch giữa TP HCM - Bà Rịa-Vũng Tàu - Đồng Nai; TP HCM - Bình Dương - Tây Ninh; TP HCM - Bình Dương - Bình Phước... Những tour tuyến này được xây dựng với chính sách giá riêng cho DN lữ hành 6 địa phương nhằm tạo sản phẩm có tính cạnh tranh và khuyến khích DN lữ hành khai thác, kích cầu du lịch đến với 6 tỉnh, thành trong chương trình liên kết.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết đoàn khảo sát gồm DN và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch 6 địa phương đang thực hiện chương trình khảo sát tour tuyến du lịch vùng Đông Nam Bộ. Một điểm đáng chú ý là sau giai đoạn giãn cách xã hội, xu hướng đi tour của du khách là chọn liên tour, liên tuyến, hành trình liên tục khám phá các điểm đến...

"Tổng hợp sơ bộ từ đoàn khảo sát gửi về cho thấy một số địa phương như Bình Dương có tiềm năng về tài nguyên du lịch, nếu giải quyết bài toán về giao thông sẽ phát triển trong tương lai gần. Hay Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai cũng còn rất nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch bổ trợ, liên kết với TP HCM" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết Bình Dương là một tỉnh phát triển công nghiệp nhưng thương mại dịch vụ cũng cần được quan tâm để phát triển trong thời gian tới. Hiện tỉ trọng du lịch của tỉnh còn khiêm tốn, sản phẩm du lịch chưa có độc đáo và nếu nói là phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng khó. Do đó, chọn sản phẩm nào, phát triển ra sao, đào tạo đội ngũ làm công tác du lịch cũng cần được chú trọng và đặt trong bài toán liên kết với các địa phương khác.

Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay tỉnh đã xác định du lịch là ngành du lịch mũi nhọn nên đã tổ chức nhiều hội thảo để lắng nghe và xúc tiến du lịch. Địa phương sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm với các địa phương khác để phát triển các sản phẩm du lịch, công tác quản lý du lịch...

Để xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn cần sự kết hợp giữa các DN, ông Trần Hùng Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, kể quá trình khảo sát sản phẩm du lịch ở các địa phương vùng Đông Nam Bộ cho thấy mỗi địa phương đều có lợi thế, tiềm năng riêng. Nếu mỗi tỉnh giới thiệu những cái độc đáo của riêng mình sẽ thu hút sự quan tâm của DN.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), cũng khẳng định trong hợp tác phát triển du lịch nhất định phải có sự liên kết vùng để phục vụ cả khách du lịch thuần túy lẫn khách đi công vụ. Có 4 nội dung tập trung trong vấn đề liên kết gồm: phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến; đầu tư vào phát triển hạ tầng hoặc các tuyến điểm dịch vụ về du lịch; liên kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực. "Liên kết hợp tác để cùng mang lại hiệu quả, cùng phát triển cho địa phương và DN, nhất là trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19" - ông Võ Anh Tài chia sẻ.

Giữ chân du khách lâu hơn

Sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhu cầu của du khách về tour tuyến đã thay đổi khi chuyển sang tour ngắn ngày và những tuyến điểm lân cận TP HCM. Bà Tạ Thị Cẩm Tiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Bến Thành, cho biết đã khảo sát xây dựng tour cho khách ở TP 2 đêm và muốn vậy cần liên kết với điểm đến lân cận, trong đó có Tây Ninh, Tiền Giang, TP Vũng Tàu, Bình Dương... Những địa phương này rất phù hợp cho tour ngắn ngày phục vụ học sinh - sinh viên.

"Muốn giữ chân du khách ở lại TP 2-3 đêm cần thiết kế tour sáng đi chiều về tới những điểm đến lân cận; đồng thời phải quảng bá, xúc tiến nhiều hơn. Đặc biệt trong bối cảnh từ đây đến cuối năm, việc đưa khách đi tour nước ngoài hoặc khách quốc tế vào Việt Nam chưa khả thi thì khai thác tour trong nước là cần thiết" - bà Tạ Thị Cẩm Tiên nhận xét.

Nguồn tin: Báo Người Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước