MÔN VÕ SONG HÀNH VỚI QUÁ TRÌNH GIỮ NƯỚC
Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến đấu chống quân xâm lược để giữ yên bờ cõi, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Qua những thử thách khắc nghiệt ấy, người Việt đã tự hình thành, phát triển và đúc kết được những kinh nghiệm quý báu về kỹ thuật chiến đấu cá nhân, cách thức huy động các lực lượng tham chiến để sáng tạo nên nền võ học cổ truyền phong phú và đa dạng.
Võ cổ truyền Việt Nam có thể sử dụng trong chiến trận nên cũng được gọi là “võ trận”. “Võ trận” Việt Nam thể hiện đầy sinh động trong lối đánh quyết chiến, quyết thắng, dứt khoát, sử dụng binh khí, gậy, đao, thương đánh không khoan nhượng trước đối thủ. Bên cạnh đó, võ cổ truyền Việt Nam còn thể hiện tính “lấy nhu thắng cương”, “dùng đoản binh chế trường trận”. Thêm vào đó, quá trình giao lưu văn hóa, kinh tế với nước ngoài đã tạo điều kiện cho những võ sư cổ truyền học hỏi nhiều thế võ mới, mở rộng cách đánh, tăng tính năng động, sáng tạo và hiệu quả của đòn đánh. Trong đó, nổi bật là cách đánh “Dĩ độc trị độc” hay còn gọi là “Gậy ông đập lưng ông” (nghiên cứu thế mạnh của đối phương, từ đó tìm ra cách đánh thích hợp nhất để chế ngự). Quá trình dung hợp những thế đánh, cách đánh hay khiến kho tàng võ cổ truyền của dân tộc ngày thêm phong phú, đa dạng.
Đoàn VĐV võ cổ truyền Bình Phước tại giải vô địch thế giới võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 1/2016
Võ cổ truyền Việt Nam đang có trên 10.000 môn sinh. Các môn phái võ thuật cổ truyền ở Việt Nam đa dạng nhưng có thể xếp vào 5 nhóm chính: Nhóm Bắc Hà (miền Bắc), nhóm Bình Định (miền Trung), nhóm Nam bộ (miền Nam), các môn phái có nguồn gốc từ Trung Quốc đến Việt Nam (như các hệ phái danh gia Thiếu Lâm), ngoài ra còn có thể kể đến các môn phái Việt Nam phát triển ở nước ngoài.
NỖ LỰC KHÔNG NGỪNG
Võ cổ truyền đến Bình Phước nhờ quá trình gây dựng của võ sư Nguyễn Đăng Khoa. Năm 2007, võ sư Khoa vào Bình Phước và gây dựng nghiệp võ với 5 môn võ cơ bản: Võ cổ truyền, wushu, boxing, pencak silat, muay Thái, kick boxing.
Là học trò lứa đầu tiên và ưu tú của võ sư Khoa, chị Lương Hồng Liên nhớ lại: “Mới đầu làm quen và tập luyện võ cổ truyền, tôi gặp khó khăn khi sử dụng nhiều kỹ thuật đòn chân. Các bài tập bước đầu như: hộ pháp, tấn pháp, đòn tay, vòng cầu,... khiến tôi tốn khá nhiều thời gian mới thuần thục. Sau khi tập quen, tôi thực hiện các chuỗi đòn với lối đánh, chiến thuật thi đấu mạch lạc, tốc độ cao và hoa mỹ. Tập võ cổ truyền, tôi có cơ hội rèn luyện sức khỏe, cơ thể linh hoạt, tâm lý cũng dần trở nên điềm tĩnh”.
Năm 2007, cơ sở vật chất dành cho VĐV tập luyện còn hạn chế. Chưa có phòng tập riêng, các VĐV phải tập trên nền xi măng lởm chởm. Từ đó, tâm lý lo sợ chấn thương (đứt dây chằng, xây xát cơ thể) và chán nản luôn tồn tại trong VĐV. “Nhiều hôm tôi bị ngã bật móng chân hoặc sứt đầu gối, máu chảy nhiều. Lúc đó, nếu không có sự động viên, an ủi của thầy Khoa chắc chắn tôi sẽ từ bỏ việc tập võ” - chị Liên nói.
Từ năm 2012, ngành thể thao đầu tư xây dựng phòng tập trong nhà cho các VĐV. Tuy nhiên, căn phòng này không đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện cho các đội tuyển. Hằng ngày, 5 đội tuyển gồm: Võ cổ truyền, wushu, boxing, pencak silat, muay Thái, kick boxing chia nhau tập luyện tại đây. “Để có không gian cho các VĐV tập luyện, chúng tôi thường “chia ca” với các bộ môn khác. Thông thường, tuyển võ cổ truyền sẽ tập 2 ca: ca 1 từ 8-10 giờ và ca 2 từ 13-15 giờ 30 phút. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tâm lý tập luyện và thành tích thi đấu của VĐV. Nhiều khi không thể thống nhất giờ tập, các bộ môn thường chen chúc tập luyện rất khó chịu. Bên cạnh đó, dù năm nào tỉnh cũng bổ sung quần áo, găng tay nhưng dụng cụ tập luyện còn thiếu nhiều” - Huấn luyện viên trưởng tuyển võ cổ truyền Bình Phước Nguyễn Văn Tùng cho biết.
VÀ GẶT HÁI “TRÁI NGỌT”
Đội tuyển võ cổ truyền Bình Phước hiện có 15 VĐV (13 nam, 2 nữ) đang tập luyện ở 2 nội dung quyền thuật và đối kháng. Từ năm 2007, tuyển võ cổ truyền Bình Phước đều đặn tham gia các giải đấu trẻ toàn quốc, giải vô địch quốc gia. Năm 2009, Bình Phước ghi dấu ấn đầu tiên với việc giành được 1 huy chương bạc tại giải vô địch quốc gia. Những năm tiếp theo, võ cổ truyền Bình Phước liên tiếp gặt hái những thành công lớn. Có thể kể đến là thành tích 4 huy chương vàng tại 2 kỳ đại hội thể dục - thể thao toàn quốc năm 2010, 2014 và huy chương vàng giải võ cổ truyền toàn quốc năm 2015. Gần đây, tại giải vô địch thế giới võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 1/2016 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Võ Thị Phương Hiếu (18 tuổi) là võ sĩ Bình Phước tham gia tranh tài và đã giành huy chương vàng ở hạng cân 65kg đối kháng nữ. Thành tích này đánh dấu bước vươn mình mạnh mẽ của võ cổ truyền Bình Phước.
Phong trào tập luyện võ cổ truyền trong nhân dân cũng rất phát triển, đặc biệt là các huyện: Chơn Thành, Bù Đăng, Lộc Ninh. Huyện, thị nào cũng có những câu lạc bộ võ cổ truyền hoạt động. Sắp tới, võ cổ truyền sẽ được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Nhờ vậy, công tác tuyển chọn VĐV trở nên dễ dàng hơn. Những người làm thể thao có cơ hội tuyển chọn các nhân tố tiềm năng để đào tạo từ sớm. “Hiện tỉnh đã mở 6 lớp năng khiếu ban đầu nhằm phát hiện những VĐV có tố chất, đưa vào đội tuyển tập luyện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực hoạt động hơn nữa, tạo điều kiện tốt nhất có thể để phát huy hết tiềm năng, giúp võ cổ truyền Bình Phước tiếp tục gặt hái những thành công mới” - ông Huỳnh Thiên Tịnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ thể dục - thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn