07:11 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Điểm đến BP » Di tích văn hoá

Đi tìm câu hát dân ca S'tiêng

Thứ năm - 13/01/2011 16:04
Khi biết chúng tôi vào Bù Nhùi tìm Điểu Thị Gái, cô gái thuộc nhiều câu dân ca S"Tiêng, anh Đàm Hữu Xuyên - trưởng Phòng Văn hóa - thông tin huyện Bù Đăng, Bình Phước - dặn theo: “Nếu đúng cô gái này thuộc được năm bài là hay lắm rồi, người S’Tiêng ít có dân ca lắm...”. Thế nhưng, hóa ra có nhiều câu hát cổ vẫn còn lưu giữ trong lòng người phụ nữ S’Tiêng.
Điểu Thị Gái và chiếc máy cassette đang bị hư

Điểu Thị Gái và chiếc máy cassette đang bị hư

Nhạc tự thu của cô gái tật nguyền Điểu Thị Gái bị tật từ nhỏ, nên ở tuổi 26 cô phải lết bằng hai chân bé tí đi quanh rẫy gần nhà để lượm hạt điều và hái củi. “Hai chân bị tật nhưng nó đi nhanh lắm, như con sóc vậy đó”, bác Ba - người làm rẫy gần nhà Gái - nhận xét.

Đường vào sóc Bù Nhùi - bây giờ là thôn Hòa Đồng, nơi có mái nhà của Điểu Thị Gái - khúc khuỷu quanh co, nếu không có bác Ba nhiệt tình dẫn đường, có lẽ chúng tôi không thể nào tìm ra ngôi nhà nằm trơ trọi giữa bạt ngàn rừng điều hoang vắng.

Điểu Thị Gái ngạc nhiên khi có người muốn nghe giọng cô hát. “Cái miệng mình kém lắm, đông người không hát được đâu” - Gái nói thế và ngồi dựa vào vách, đôi môi mím chặt ra chiều cương quyết không hát. Nhưng khi nghe gợi ý về chuyện ngày xưa cô đã nghe mẹ, nghe bà, nghe ông nội hát như thế nào... thì mắt Gái sáng lên. Cô cho biết mình đã học những câu ca này từ rất nhỏ. “Không ai dạy đâu, mình nghe cha mình hát, bà nội hát, mẹ mình hát thì thuộc thôi”.

Điểu Thị Gái nhớ lại: “Ngày xưa bà nội hay hát câu hát về tình yêu, nó như thế này”. Rồi cô cất tiếng hát. Trong không khí chiều buồn hoang vắng, bên nếp nhà xiêu xiêu đan bằng vỏ nứa, câu hát của cô bé tật nguyền trầm buồn, tha thiết làm sao.

Bà Điểu Thị K"Hen (giữa) đang hát cho cán bộ nghiên cứu ghi âm

Mọi người xung quanh xúm lại dịch ra tiếng Kinh. À câu hát làm người nghe hình dung ra dáng vẻ một người con gái STiêng nhìn trời mưa và nhớ người yêu: Trời mưa xuống, con cá dưới suối mừng. Mùa lúa chín, con két mừng gặp được tình yêu của anh, em mừng... Câu hát thuộc thể loại ca cổ của người STiêng đệm nhiều tiếng Arê nghe trúc trắc như nhịp bước trong rừng qua đá qua truông.

Và như bắt nhịp được với những bài ca từ thuở xưa, Gái ngồi hát say sưa, cảm động nhất là tiết tấu trong giọng ca của bài hát người con trai nhớ người yêu. Câu hát STiêng được Gái thể hiện mỗi bài bằng những giọng điệu khác nhau. Hai đứa mình ở riêng, không được gần em. Anh muốn gần em, em ơi... Những câu ca xen lẫn tiếng đệm “ơ.. hơ.. ùi.. ùi..” nghe mới bùi ngùi não nuột làm sao.

Theo lời của Điểu Đôl - người anh họ của Gái - thì “Gái đã hát và tự ghi âm được một cuộn băng cassette, thanh niên STiêng thích lắm”. Hiện nay cuộn băng đó được chuyền tay nhau sang tận xã Đức Liễu cách làng của Gái đến 25km. Ước mơ của Gái là tiếp tục hát và ghi âm cho hết những bài mình thuộc. “Nhưng mà chiếc máy của em bị hư rồi, hôm nào phải sửa lại mới thu tiếp được”. Chúng tôi tạm biệt ngôi làng của Gái, cô gái STiêng vẫn ngồi bên liếp vách, hát câu hát ru của người phụ nữ STiêng: Em ơi đừng khóc nữa. Cha mẹ đi rẫy rồi, chỉ còn chị thôi, chị ru em ngủ...

Câu tâm pất của người già Đăk Nhau và vốn liếng văn nghệ của người STiêng còn một loại hình ca nhạc nữa là “ca kể”, tức tâm pất. Theo ghi nhận của cán bộ Phòng Văn hóa - thông tin huyện Bù Đăng, thì toàn huyện còn hai người già biết hát thể loại ca kể này. Chúng tôi tháp tùng đoàn của Phân viện Nghiên cứu văn học nghệ thuật vào ghi âm sưu tầm các bài tâm pất mà hiện bà Điểu Thị KHen ở thôn Đăk Ma còn thuộc.

Bù Đăng mùa khô, những con suối gần làng kiệt nước, bà KHen quảy gạo xách bầu, tay cầm rựa lùa đàn trâu đi tìm nguồn nước. “Những chuyến đi như vậy phải kéo dài đến 4-5 ngày, có khi cả tuần mới quay trở lại làng”, ông Điểu Đươu - hàng xóm của bà KHen - cho biết như thế. Và đoàn cán bộ của phân viện đã phải nhờ người dẫn đường luồn rừng đi tìm bà KHen về để “hát cho cán bộ thu băng”.

Rất may, bà mới rời làng được một buổi nên còn tìm ra được. Thế rồi, trên chiếc chiếu trải trong ngôi nhà anh cán bộ văn hóa xã Đăk Nhau Nguyễn Hoàng Hận, bà Điểu Thị KHen ngồi hát tâm pất say sưa. Bắt đầu từ những câu hát cổ, kể chuyện lịch sử người STiêng bắt đầu từ đâu, kể chuyện ngày xưa trời đất hình thành như thế nào: Ngày xưa, đất màu trắng con nai cắm sừng xuống đất cây mọc lên, núi rừng mọc lên dưới sông có cá trên rừng có chim. Con người biết nguồn gốc của mình là như vậy... Rồi những câu ca mang tính giáo dục: con người phải thương nhau: Đất với trời thì chia rẽ ra, nhưng con người phải thương nhau...

Và, lối ca kể được gọi là tâm pất của người STiêng còn chứa đựng những câu chuyện ngụ ngôn. Bà KHen còn thuộc nhiều câu chuyện về con rùa và con khỉ, con cheo với con cọp... Và, theo yêu cầu của các cán bộ Phân viện Nghiên cứu, bà KHen ngồi hát tâm pất một đoạn nói về lịch sử của núi Bà Rá, núi Bà Đen... với những câu chuyện truyền thuyết có từ ngàn đời mà hiện nay “không dễ tìm người còn nhớ được” như anh Hận công nhận.

Theo ước đoán của ông Điểu Đươu, hiện nay toàn Bù Đăng có khoảng hai người hát được tâm pất kéo dài hai ngày hai đêm mới hết...

Chúng tôi rời Đăk Nhau với hình ảnh của người phụ nữ 54 tuổi còn giữ hàng ngàn câu ca trong tâm khảm. Quay lại nhìn những ngả đường mờ bụi đỏ, giờ này bên bếp lửa chắc người STiêng đang chuẩn bị bữa cơm chiều, và sau đó già trẻ gái trai lại đố nhau những câu về mùa màng nương rẫy, về chim thú và câu chuyện ngàn xưa hẳn sẽ còn đâu đó bên trong những liếp vách lồ ô...

Điều quan trọng là bà K’Hen còn thuộc được rất nhiều câu đố của người S’Tiêng. “Người S’Tiêng ăn cơm tối xong, già trẻ trai gái ngồi lại đố với nhau những câu đố về cỏ cây, về người, về muông thú... có khi đố nhau đến tận khuya mới ngủ” - ông Điểu Đươu xác nhận.

Đố nhau là một thói quen có thật và còn duy trì đến tận bây giờ của người S’Tiêng. Để minh họa, bà K’Hen và ông Điểu Đươu đố nhau một vài câu rất ngộ nghĩnh, chẳng hạn: Cái gì rào rào như tên bắn? Trả lời: Mưa. Cái gì như nước sôi, không dám đụng? – Con mắt; Bảy mẫu rẫy mà nhìn con khỉ không thấy? – Cái trán.

Từ bà Điểu Thị K’Hen, mọi người mới phát hiện rằng người S’Tiêng có cả ca dao tục ngữ. Đó là những câu ca nói về thời tiết như: con chim k’lang xarak (chim ó nhỏ) quay đầu về hướng tây kêu thì trời còn mưa, quay đầu về hướng đông kêu thì trời hết mưa.

Nguồn tin: Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước