Xây dựng thương hiệu mới cho Du lịch Việt Nam

Xây dựng thương hiệu mới cho Du lịch Việt Nam
Ngày 2/8/2011, Tổng cục Du lịch, Dự án EU và các chuyên gia đã báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh về xây dựng chiến lược thương hiệu mới cho du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Sau khi được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược thương hiệu cho Du lịch Việt Nam, các chuyên gia Dự án EU đã tiến hành nghiên cứu chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030…  khảo sát, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, du lịch của Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu và xây dựng thương hiệu, các chuyên gia đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường Du lịch – TCDL (nhà quản lý), các nhóm đối tác (chuyên gia trong các lĩnh vực + đại diện các doanh nghiệp du lịch), Công ty Cowan (nhà thiết kế) nhằm tranh thủ ý kiến từ các đối tượng khác nhau để xây dựng được một thương hiệu tốt cho du lịch Việt Nam.

Theo bản thuyết trình của bà Kirsten Focken- cố vấn marketing (Dự án EU): Với thành quả mà du lịch Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, và mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu ở khu vực và châu Á trong giai đoạn 2011-2020, nhóm chuyên gia đã đề xuất, định vị thương hiệu mới cho du lịch Việt Nam. Du lịch Việt Nam đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, đầy năng động, cởi mở, tự tin và thân thiện mà không còn “tiềm ẩn” nữa.

Ở đây, các chuyên gia đã trình bày 2 phương án Logo & Slogan, trong đó Logo (biểu tượng) sử dụng một số hình ảnh để minh họa như: Ngôi sao thể hiện sự độc đáo, hàm ý thể hiện Việt Nam sẽ trở thành ngôi sao trong lĩnh vực du lịch; 5 hình hoa sen cách điệu, vừa có ý nghĩa triết học phương đông (kim, mộc, thủy, thỏa, thổ) vừa có tính tôn giáo (ngũ phúc), tương thích với Slogan (tam bảo: quá khứ, hiện tại, tương lai), thể hiện văn hóa của dân tộc; màu xanh nhạt thể hiện loại hình du lịch biển hấp dẫn xuyên suốt chiều dài hơn 3.000km bờ biển của Việt Nam; màu xanh lá cây (hình núi) thể hiện điạ hình phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn để du khách khám phá; màu vàng (hình bàn tay) thể hiện sự nhiệt thành, cởi mở; một số hình ảnh và màu sắc khác thể hiện cuộc sống năng động của người dân ở các thành phố và đô thị lớn… Câu Slogan (khẩu hiệu) đã thể hiện được vẻ đẹp bất tận của du lịch Việt Nam.

Trong chiến lược phát triển thương hiệu mới cần tập trung khai thác các phân đoạn thị trường khác nhau. Với mỗi thị trường khác nhau cần có những hệ thống sản phẩm, chiến dịch quảng bá khác nhau để thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam với những chuyến đi dài ngày, định kì hàng năm, thỏa thích khám phá các loại hình du lịch, vui chơi, giải trí với cơ sở hạ tầng du lịch phát triển, giao thông thuận tiện và dễ tiếp cận.

Đa số các ý kiến nhận xét của đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Tổng cục Du lịch về phương pháp tiếp cận, triển khai xây dựng thương hiệu cho Du lịch Việt Nam của Dự án EU và các đối tác là rất chuyên nghiệp, khoa học và thuyết phục.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói: “Các đơn vị tham gia tư vấn, thiết kế cần cân nhắc một số chi tiết, màu sắc, vị trí của biểu tượng và chữ, nghĩa trong khẩu hiệu để có những lựa chọn hợp lý nhất. Các phương án đã trình bày theo tôi là rất tốt, khả quan và có những cảm nhận rất chính xác, tinh tế về đất nước chúng tôi, phù hợp với yêu cầu của ngành Du lịch trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm một số ý kiến của các chuyên gia thuộc các Bộ, ngành liên quan để có được kết quả tốt nhất. Giao Tổng cục Du lịch làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện bản thuyết minh chi tiết cho các phương án và triển khai các bước tiếp theo để lựa chọn phương án cuối cùng, phục vụ hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch trong năm nay”.

Tác giả bài viết: Thế Phi

Nguồn tin: Trung tâm Thông tin Du lịch