Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao

(Hình chỉ mang tính chất minh hoạ)

(Hình chỉ mang tính chất minh hoạ)

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2012/NĐ-CP ngày 24/4, gồm 4 chương, 28 điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao; hình thức xử phạt, mức xử phạt; thẩm quyền xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thể dục, thể thao do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này phải bị xử phạt hành chính.

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định pháp luật về các hành vi bị cấm trong hoạt động thể dục, thể thao; Vi phạm quy định pháp luật về hoạt động thể thao thành tích cao; Vi phạm quy định pháp luật về hoạt động, kinh doanh, dịch vụ thể dục, thể thao.

Nghị định cũng nêu rõ, các hành vi vi phạm hành chính khác trong hoạt động thể dục, thể thao không quy định tại Nghị định này thì được áp dụng theo quy định của các Nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.

Đối tượng áp dụng các quy định của Nghị địnhnày, gồm: Cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị xử lý theo quy định của Nghị định này.

Về hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; Phạt tiền và các hình thức phạt bổ sung (Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng có thời hạn Giấy chứng nhận Huấn luyện viên, Giấy chứng nhận Trọng tài; Tịch thu trang thiết bị, dụng cụ sử dụng, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ người luyện tập, thi đấu thể thao hoặc mang tính chất đồi trụy, khiêu dâm, kích động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc)

Biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau: Buộc hủy bỏ kết quả tuyển chọn đối với hành vi gian lận về thành tích để tuyển chọn người vào đội tuyển thể thao, các trung tâm và trường năng khiếu thể dục thể thao; Buộc hủy bỏ kết quả phong cấp đối với hành vi phong đẳng cấp vận động viên, phong cấp huấn luyện viên, trọng tài không đúng quy định pháp luật; Buộc hủy bỏ hoặc tháo dỡ và chịu mọi chi phí cho việc hủy bỏ, tháo dỡ đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo trong hoạt động thể dục, thể thao.

Nghị định cũng dành 1 chương nhằm cụ thể hoá các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao và quy định hình thức cũng như mức phạt đối với từng hành vi.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định ghi rõ thẩm quyền xử phạt của Thanh tra VHTTDL các cấp được phép xử phạt theo các mức được quy định trong khung hình phạt; Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra ngành khác và Thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp cũng như Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, cơ quan Quản lý thị trường.

Nghị định cũng ban hành kèm theo các mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/6/2012 và thay thế Nghị định số 141/2004/NĐ-CP ngày 01/7/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

Tác giả bài viết: Đoàn Thị Trinh Nguyên

Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch