Nghệ sĩ nông dân “giữ lửa” hát then, đàn tính
- Thứ năm - 03/12/2015 10:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
ội văn nghệ đàn tính, hát then ở thôn 5, xã Phước Sơn đang là cầu nối gắn kết những người xa quê
Nhanh tay hái những chùm cà phê cuối mùa, bà Hoàng Thị Loan kéo tay áo lau mồ hôi và cười tươi niềm nở chào khách. Hộ bà Loan vào ấp 5, xã Phước Sơn từ năm 1980, là một trong những hộ làm kinh tế giỏi của xã. Kinh tế ổn định, bà Loan vận động chị em trong thôn thành lập đội văn nghệ đàn tính, hát then vừa giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc vừa kết nối những người xa quê với nhau.
CẦU NỐI CỦA NHỮNG NGƯỜI XA QUÊ
“Ấp 5 hiện có 255 hộ, trong đó dân tộc Tày, Nùng chiếm đa số. Nhớ lại ngày anh em, làng xóm từ Cao Bằng vào Bình Phước lập nghiệp, ai cũng từng ăn rau rừng, cá suối thay cơm. Đã hơn 20 năm, anh em đùm bọc, chia nhau từng lon gạo lúc khó khăn, giờ kinh tế khá giả lại giúp nhau vốn làm ăn. Nhờ vậy mà tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, vơi đi phần nào nỗi nhớ quê” - bà Loan chia sẻ.
Đội văn nghệ đàn tính, hát then ở thôn 5, xã Phước Sơn đang là cầu nối gắn kết những người xa quê
Ấp 5, xã Phước Sơn nay đã thay da đổi thịt, đường nhựa thẳng tắp, nhà xây san sát với đầy đủ tiện nghi, tất cả đều nhờ vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chăm chỉ làm ăn của người dân trên vùng đất mới. Mỗi buổi chiều sau một ngày bận rộn với vườn rẫy, các bà, các chị lại quây quần cùng đàn, hát. Những bàn tay thô ráp vừa cầm cuốc xạc cỏ, hái cà, trút mủ, giờ trở nên mềm mại trên cây đàn tính và cất cao giọng ca trong trẻo, mượt mà. Từng giai điệu, lời hát và phong cách biểu diễn mộc mạc, chân chất nhưng chứa chan cảm xúc làm say lòng người. Ngoài sưu tầm, biên soạn những bài hát quen thuộc, các bà, các chị còn trổ tài sáng tác, đặt lời cho những làn điệu then ca ngợi quê hương mới, tình yêu lao động, lứa đôi như: Phước Sơn vang mãi câu then; Hướng về Bình Phước; Nhớ công ơn Đảng, Bác Hồ; Bình Phước đổi mới... Nhiều bài then cổ cũng được các cụ lớn tuổi gìn giữ và biểu diễn trong những dịp lễ, tết.
Bà Phụng Thị Bình, thành viên đội văn nghệ chia sẻ: “Trước đây, vì nhớ cây đàn tính nhưng đưa từ quê vào đường xa sợ hư hỏng nên tôi tự làm đàn bằng quả bầu, dây cước, rồi đàn cho chồng, con nghe. Từ khi thành lập đội văn nghệ, tôi cũng tự mày mò làm đàn tính và may trang phục cho chị em trong thôn. Đến nay, tôi đã làm được 10 cây đàn tính phục vụ sở thích đàn hát của người dân, đặc biệt là người cao tuổi yêu mến điệu then. Đàn tính, hát then từ lâu trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của người Tày chúng tôi. Ở tuổi ngũ tuần, đôi lúc vợ chồng giận nhau, lúc đó điệu hát then lại là cách hòa giải tốt nhất. Khi điệu then cất lên, mọi người xích lại gần nhau, chỉ còn lại tình yêu thương mà thôi!”.
GÌN GIỮ BẢN SẮC VĂN HÓA TÀY
Cùng gia đình vào Bình Phước lập nghiệp gần 20 năm, nhưng bà Đàm Kim Thanh, Chủ nhiệm Đội văn nghệ hát then, đàn tính xã Phước Sơn vẫn cảm thấy tình yêu tiếng then Tày, tính ở quê luôn chảy trong huyết quản. Sinh ra ở Cao Bằng, lớn lên theo những điệu hát then, đàn tính, bà Thanh thuộc từng nốt nhạc, lời then và sử dụng thành thạo đàn tính khi mới 13 tuổi. Nay đã ngoài 50 nhưng giọng hát của bà vẫn trong trẻo, ngọt ngào như thuở đôi mươi. “Hát then phải có lòng say mê, gửi cái hồn của dân tộc trong mỗi làn điệu. Giữ gìn hát then, đàn tính là giữ gìn tinh hoa văn hóa của dân tộc để mỗi người dân xa quê không quên cái gốc của mình” - bà Thanh nói.
Sinh hoạt văn nghệ không chỉ tạo không khí vui vẻ cho người lớn tuổi mà còn là sân chơi của các em nhỏ trong thôn. Người lớn hát, trẻ nhỏ ngồi nghe và nhẩm theo. Khi hát thành thục, các em tự thành lập đội văn nghệ thiếu nhi từ 7-12 tuổi và sinh hoạt thường xuyên. Trong đội văn nghệ có em mới 7 tuổi nhưng biểu diễn đàn tính, hát then rất tự tin, giành nhiều giải cao trong các cuộc thi do trường, xã, huyện tổ chức. “Tham gia đội văn nghệ, em không chỉ được học nhạc mà còn được học tính nhân văn trong từng câu từ. Trong các buổi liên hoan văn nghệ của trường, lớp, em đều biểu diễn những tiết mục hát then để mang văn hóa dân tộc mình giới thiệu đến các bạn và thầy cô” - em Lâm Thị Hoài Thương (8 tuổi) chia sẻ.
Xưa hát then không phải để đi biểu diễn mà chỉ là hát trong hội mùa, cầu mùa hoặc ngày xuân, giao duyên với nhau. Then cổ khó học vì lời dài, chủ yếu là những lời răn dạy con người. Nay hát then được cải biên, viết lời đơn giản để hát theo. Chính sự vui tươi trong từng ca từ mà hát then, đàn tính trở thành loại hình âm nhạc đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng không thể lẫn với các dân tộc khác trên vùng đất Bình Phước.