Đánh giá 10 năm thực hiện Pháp lệnh Quảng cáo

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội báo cáo tình hình sau gần 10 năm thực hiện Pháp lệnh Quảng cáo (2002-2011).

Được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16/11/2001 và Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 30/11/2001, Pháp lệnh Quảng cáo chính thức có hiệu lực từ ngày 01/5/2002 đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển và tầm quan trọng của hoạt động quảng cáo trong nền kinh tế thị trường, tạo nền móng đầu tiên cho sự ra đời của hệ thống pháp luật về quảng cáo.

Tạo khuôn khổ pháp lý cao, đồng bộ và thống nhất

Về công tác ban hành văn bản pháp luật, Bộ VHTTDL (Bộ Văn hóa-Thông tin trước đây) đã phối hợp với các cơ quan có liên quan soạn thảo, ban hành hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, qua đó tạo được khuôn khổ pháp lý cao, tương đối đồng bộ và thống nhất cho hoạt động quảng cáo phát triển, đồng thời các quy định của pháp luật về quảng cáo đã quy định tương đối chi tiết, làm cơ sở cho hoạt động quảng cáo trên các phương tiện dần đi vào nề nếp.

Để đảm bảo tính thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo từ Trung ương xuống cơ sở, việc hướng dẫn các Sở VHTTDL thực hiện quy định của pháp luật về quản lý nhà nước luôn được coi trọng . Hàng năm tổ chức các đoàn công tác để tiến hành kiểm tra, nắm bắt về tình hình công tác cấp giấy phép thực hiện quảng cáo, xây dựng quy hoạch quảng cáo tại các sở VHTTDL; tổ chức các Hội nghị, Lớp tập huấn nhằm hướng dẫn về nghiệp vụ và đánh giá về những mặt được, những yếu kém tồn tại trong công tác quản lý để tìm ra các giải pháp khắc phục hạn chế, đưa công tác quản lý nhà nước về quảng cáo ngày càng tốt hơn.

Các Sở VHTTDL đã tích cực triển khai cấp giấy phép thực hiện quảng cáo theo quy định tại Thông tư  06/2007/TTLT/BVHTTDL-BYT-BNN-BXD về thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo một của liên thông, đến nay đã đạt được kết quả tích cực về hồ sơ thủ tục, thời gian cấp phép và về thực hiện phân cấp trong giấy phép thực hiện quảng cáo.

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo được trú trọng, đã phát hiện và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về hoạt động quảng cáo trên báo in, báo hình. Ở địa phương, Thanh tra Sở VHTTDL đã chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin cấp quận, huyện và Thanh tra chuyên ngành các Sở, ngành chức năng tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo.

Công tác quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo sâu sát công tác quy hoạch quảng cáo trên địa bàn. Đến nay, trên phạm vi toàn quốc có 36/63 địa phương cấp tỉnh đã phê duyệt đề án quy hoạch quảng cáo góp phần quan trọng đưa hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp và mang lại cảnh quan đẹp cho bộ mặt đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện quảng cáo.

Chấp hành nghiêm các quy định quảng cáo

Trong những năm gần đây, hoạt động quảng cáo trên báo nói, báo hình, báo in, tạp chí, Internet, quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, phương tiện  giao thông, quảng cáo trên xuất bản phẩm, sản phẩm in và các phương tiện quảng cáo khác đã có những bước phát triển rất mạnh. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về quảng cáo được các cơ quan báo chí thực hiện tương đối nghiêm túc, một số sản phẩm quảng cáo không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, quảng cáo có tính so sánh đều được dừng phát sóng kịp thời sau khi có ý kiến, dư luận phản đối của người xem, người nghe hoặc yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo.

Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp quảng cáo và Hiệp hội quảng cáo Việt Nam đã từng bước được mở rộng cả về quy mô, chất lượng, tính chuyên nghiệp đã dần theo kịp với trình độ chung của các nước trong khu vực.

 Đặc biệt, vào tháng 12/2011, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam được thành lập đã góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của hoạt động quảng cáo và công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Các doanh nghiệp quảng cáo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam hiện nay đang hoạt động tương đối chuyên nghiệp, tính cạnh tranh cao, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận với công nghệ tiên tiến và học hỏi được nhiều kinh nghiêm để từng bước mở rộng hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và thực thi pháp luật về quảng cáo cũng bộc lộ một số bất cập: văn bản có giá trị pháp lý cáo nhất trong hệ thống pháp luật quảng cáo là Pháp lệnh Quảng cáo được ban hành năm 2001, trong khi một số quy định về quảng cáo trong các lĩnh vực chuyên ngành vẫn được quy định tại nhiều văn bản như Luật Thương mại, Luật Dược, Luật Xuất bản... Vì vậy, việc áp dụng các quy định về hoạt động quảng cáo gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp các văn bản Luật có quy định khác với Pháp lệnh Quảng cáo.

Việc triển khai ban hành văn bản còn chậm, một số quy định đã ban hành còn gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức cá nhân tham gia vào hoạt động quảng cáo, tình trạng buông lỏng trong quản lý vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, việc xử lý vi phạm về quangr cáo chưa kịp thời, thiếu nghiêm minh... Các quy định về quy hoạch quảng cáo trong hệ thống văn bản hiện hành chưa cụ thể, do vậy, công tác xây dựng quy hoạch quảng cáo ở phần lớn các địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho việc lập lại trật tự, cảnh quan môi trường và tạo sự minh bạch trong hoạt động quảng cáo tại các địa phương.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do hoạt động quảng cáo là một hoạt động phát triển theo quy luật của nền kinh tế thị trường, vì vậy, thực tế luôn phát sinh những phương tiện, hình thức quảng cáo mới mà Pháp lệnh quảng cáo chưa điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa cụ thể, nhất là do Pháp lệnh Quảng cáo ra đời khá lâu mà chưa có sửa đổi, bổ sung.

Việc tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng quy định tại các văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tại một số địa phương còn yếu, dẫn đến tình trạng một số văn bản cấp dưới trái với văn bản cấp trên; một số quy định do địa phương ban hành gây khó khăn phiền hà cho tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo.

Tại một số địa phương việc triển khai tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo chưa được tiến hành thường xuyên do lực lượng cán bộ thanh tra còn thiếu, vì vậy dẫn đến tình trạng một số vi phạm về quảng cáo chưa được xử lý kịp thời.

Ngoài ra, hoạt động quảng cáo là một hoạt động mang tính nhạy cảm cao, do vậy, nhận thức, quan điểm khác nhau của cơ quan quản lý, người quảng cáo và tiếp nhận quảng cáo cũng là một rào cản không nhỏ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quảng cáo chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, có hiệu quả đến các đối tượng tham gia cũng là yếu tố làm gia tăng vi phạm dối với hoạt động quảng cáo.

Cũng theo báo cáo, để khắc phục những hạn chế trong hoạt động quảng cáo cho phù hợp với tình hình thực tiễn, trong thời gian tới cần trú trọng công tác xây dựng Luật Quảng cáo; thống nhất, củng cố bộ máy quản lý nhà nước về quảng cáo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch quảng cáo; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quảng cáo; tăng cường và phát huy vai trò của Hiệp hội Quảng cáo Việt nam; Mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động quảng cáo...

Tác giả bài viết: TL cập nhật

Nguồn tin: Trang thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch