Công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2012: Những chuyển biến tích cực
- Thứ ba - 29/01/2013 10:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Lễ hội chù Hương
Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thông qua lễ hội thể hiện tình cảm, trí tuệ, lẽ sống, khuynh hướng thẩm mỹ và khát vọng vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ của nhân dân. Tuy nhiên những năm gần đây, một số hiện tượng tiêu cực, làm xói mòn giá trị tốt đẹp của lễ hội vẫn đang tồn tại như: tệ nạn đánh bạc, lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan... Trước tình hình đó, Chính phủ và Bộ VHTTDL đã có những chỉ đạo sát thực nhằm chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội.
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2012 do Bộ VHTTDL tổ chức diễn ra mới đây với 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh, bên cạnh việc ghi nhận những chuyển biến tích cực, nhiều bất cập, tồn tại trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã được “mổ xẻ” rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm quản lý và tổ chức tốt hơn các lễ hội trong năm 2013 và những năm tiếp theo.
Nhiều chuyển biến tích cực
Sau hai năm thực hiện Công điện 162 của Thủ tướng Chính phủ, các lễ hội đã diễn ra sôi nổi trên địa bàn cả nước, thực sự hấp dẫn nên lượng du khách tăng, cao điểm nhất là trong dịp lễ hội Xuân. Theo thống kê đến ngày 30/3/2012 các lễ hội lớn như lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) đón 1,4 triệu khách (đợt cao điểm từ mồng 1 đến mồng 8 Tết đón 26 vạn khách, riêng ngày khai hội mồng 6 Tết đón 4 vạn khách) ; lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) đón 2,1 triệu khách (chỉ trong một tuần Tết Nguyên đán đón 26 vạn khách); lễ hội Đền Hùng đón trên 5 triệu khách; Đền Bà Chúa Xứ (An Giang) đón 1,2 triệu khách; lễ hội Đền Trần (Nam Định) đón trên 50 vạn khách…
Một số lễ hội dân gian truyền thống mang tính chất vui xuân được khôi phục và tổ chức khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam như lễ hội Thư pháp và cho chữ đầu xuân (Thanh Hóa, Hà Nội), lễ hội đua thuyền rồng trên biển (Đồ Sơn-Hải Phòng), đua thuyền, đua ghe truyền thống (Đồng Nai, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế)…
Các lễ hội mang tính sự kiện như festival Hoa Đà Lạt, lễ hội du lịch về nguồn 3 tỉnh Phú Thọ-Yên Bái-Lào Cai, festival Dừa Bến Tre… được tổ chức định kỳ và nâng cao về chất lượng các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Lễ hội lịch sử cách mạng như: lễ hội kỷ niệm 515 năm ngày mất của vua Lê Thánh Tông (Bình Sơn-Quảng Ngãi), lễ hội Đền Thượng (Lào Cai)… được tổ chức nghi lễ trang nghiêm, thành kính.
Đặc biệt, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được khôi phục và được tổ chức tại nhiều tỉnh/thành trên cả nước. Lễ hội dân gian của làng, thôn, ấp, bản tại các địa phương quy mô tổ chức không lớn nhưng mang giá trị sinh hoạt nghi lễ cộng đồng được tổ chức phần lễ kết hợp tổ chức một số trò chơi dân gian truyền thống và các môn thể thao hiện đại, sinh hoạt văn hóa văn nghệ đã thu hút đông đảo người dân tham gia.
Việc tổ chức Lễ khai ấn đền Trần Nam Định được nhắc đến tại Hội nghị như một điểm nhấn của năm 2012. Lần đầu tiên, Bộ VHTTDL chỉ đạo Viện Văn hóa, Nghệ thuật phối hợp với tỉnh Nam Định xây dựng Đề án tổ chức Lễ Khai ấn đã khắc phục được tình trạng lộn xộn, tiêu cực diễn ra triền miên trước đó. Thay vì phát ấn vào đêm 14 âm lịch như mọi năm, năm Nhâm Thìn, ấn được phát từ 7h ngày 15 âm lịch. PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cho rằng: “Phải rất kiên quyết, mạnh dạn thay đổi những mô hình tổ chức không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Cái khó nhất là phải giải quyết được nhận thức của cộng đồng về câu chuyện linh thiêng, câu chuyện quyền lợi, thì chúng ta mới có thể làm được”.
Năm 2012 Bộ VHTTDL đã quyết liệt kiểm tra đến 60 điểm di tích tại 21 địa phương trên cả nước. Năm 2013, Bộ sẽ tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra lễ hội, kiểm tra và chỉnh đốn các hoạt động của lễ hội trước Tết, trong Tết và sau Tết. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã yêu cầu các đoàn kiểm tra đến trực tiếp các cơ sở có lễ hội chứ không thông báo cho chính quyền địa phương ở đó. Do đó các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ đi đột xuất đến các nơi, sẽ không thông báo trước cho các địa phương. Đây là đi kiểm tra thực tế lễ hội chứ không kiểm tra trên giấy tờ - ông Phạm Văn Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở khẳng định.
Còn tồn tại tiêu cực:
Bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2012 vẫn tồn tại không ít tiêu cực. Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thừa nhận nhiều hiện tượng làm xói mòn giá trị tốt đẹp của lễ hội vẫn đang tồn tại như tệ nạn đánh bạc, lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan... Cá biệt, có những hiện tượng gây bất bình trong dư luận cần phải phê phán như: diễn viên vừa hát quan họ vừa ngả nón xin tiền tại hội Lim; tại một số di tích, hòm công đức được đặt không phù hợp. Tình trạng khấn thuê, nạn đốt vàng mã, bói toán xảy ra ở nhiều nơi như đền Đồng Bằng, đền Tiên La (Thái Bình), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Mẫu (Hưng Yên), đền Cuông, đền Cờn (Nghệ An), chùa Bồ Đà, chùa Thổ Hà (Bắc Giang), đền Mẫu, đền Bắc Lệ (Lạng Sơn)…
Đặc biệt, lần đầu tiên một vấn đề hết sức nhạy cảm được mang ra bàn thảo công khai tại Hội nghị, đó là việc hướng dẫn quản lý tiền công đức - vấn đề luôn nhức nhối khi nhắc đến ở các mùa lễ hội. Năm 2012, các địa phương thu về xấp xỉ 300 tỷ đồng tiền công đức, tiền giọt dầu, nhưng con số này đã được sử dụng thế nào, đơn vị nào quản lý hiện vẫn là điều chưa rõ ràng, mỗi nơi một kiểu và thiếu minh bạch. Quy định về chủ thể được quản lý tiền công đức đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Nghệ sĩ Nhân dân Mai Tư, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: “Có nơi thì giao cho nhà chùa thu, nơi thì giao cho ban quản lý thu, nơi thì huyện thu… đề nghị phải có hướng dẫn để thống nhất. Vấn đề thứ hai, Bộ Tài chính, Bộ VHTTDL phải có sự thống nhất về thu khoản nào, chi khoản nào cho mục đích tôn tạo, trùng tu, xây dựng. Phải rất rõ ràng, rành mạch”. Ông Mai Tư cũng cho rằng nhất thiết phải có sự quản lý của các ban quản lý di tích, phải có sự giám sát của chính quyền địa phương. “Nếu để cho các sư trụ trì quản lý thì tài sản đó lại là tài sản cá nhân” - ông Mai Tư nhận xét.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An, lại cho rằng rất nhiều Phật tử đóng tiền công đức vì tin cậy vào sư trụ trì, nếu không thì họ không đóng. “Đặt vấn đề ai quản lý tiền công đức trong phạm vi nhà chùa là thừa vì như thế chẳng khác gì dùng “quản lý” chồng lên “quản lý” - bà Hoàng Thị Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Có thể nói rằng, kết quả quản lý và tổ chức lễ hội năm 2012 được thực hiện tốt, ổn định, có nề nếp, trật tự, chu đáo, có nhiều ưu điểm, tiến bộ rõ rệt so với các năm trước. Trong năm 2013 và những năm tiếp theo, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Bộ VHTTDL đã triển khai xây dựng một quy hoạch tổng thể cho hoạt động lễ hội từ năm 2012, đã gửi văn bản lấy ý kiến với các Bộ. Ngành, các địa phương và các tổ chức xã hội. Trên cơ sở đó Bộ sẽ tổng hợp các ý kiến và hoàn thiện, dự kiến trình Chính phủ vào giữa năm 2013.
Theo số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%)... còn lại là các lễ hội khác. Nằm trong tổng thể tiến trình phát triển văn hóa của đất nước, tăng cường và đổi mới công tác tổ chức, quản lý lễ hội là góp phần tôn vinh giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống trong cuộc sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân, đồng thời góp phần thúc đẩy sự nghiệp du lịch của nước nhà, giới thiệu với bạn bè quốc tế những hình ảnh đẹp của đất nước Việt Nam. |