Cồng chiêng mờ nhạt trong giới trẻ Xêtiêng, Mơnông

Già làng Điểu Quar bên bộ đồng la (thiếu 1 chiếc) bám đầy bụi

Già làng Điểu Quar bên bộ đồng la (thiếu 1 chiếc) bám đầy bụi

Văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể nhân loại từ năm 2005. Thế nhưng, việc bảo tồn và lưu truyền đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại. Giới trẻ Xêtiêng, Mơnông không quan tâm tới cồng chiêng vì họ không có cơ hội tiếp cận và nhận thức được giá trị của nét văn hóa đặc sắc này.

“Đồng bào Xêtiêng và Mơnông luôn coi cồng chiêng là tài sản quý giá, là báu vật gia truyền. Cồng chiêng còn thể hiện sự giàu có của gia đình, dòng tộc và cộng đồng” - già làng Điểu Lên ở thôn 1, xã Bình Minh (Bù Đăng) tâm sự. Đáng buồn là đến nay số bộ cồng chiêng còn được lưu giữ chỉ đếm trên đầu ngón tay và không được chủ nhân quan tâm.

Già làng Điểu Quar bên bộ đồng la (thiếu 1 chiếc) bám đầy bụi

GIÀ MUỐN TRUYỀN, TRẺ KHÔNG MUỐN HỌC

Trước đây, cồng chiêng được sử dụng vào các dịp lễ hội như: đâm trâu, mừng lúa mới, có khách quý, dọn rẫy, chuẩn bị vào mùa... Đồng bào vừa uống rượu cần vừa đánh cồng chiêng. Cuộc sống hiện đại với nhiều loại hình văn hóa du nhập đang làm đa số giới trẻ người Xêtiêng và Mơnông xa dần văn hóa truyền thống này. Ngay ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì việc lưu truyền văn hóa lễ hội cũng mờ nhạt.

Già làng Điểu Quar (65 tuổi), dân tộc Mơnông, ở thôn Đắk Nung, xã Đắk Nhau (Bù Đăng) cho biết: “Thôn hiện có 4 gia đình giữ được bộ cồng chiêng.Tôi còn lưu giữ một bộ 5 cái (1 cái bị mất). Theo truyền thống, cha ông phải giữ lại cho con cháu, nên tôi đang tìm mua cái đã mất cho đủ bộ. Nhưng điều tôi trăn trở là 3 con trai, 1 con gái không đứa nào chịu học đánh cồng chiêng”.

Trăn trở như già làng Điểu Quar, ông Điểu Ram (75 tuổi), dân tộc Mơnông, già làng thôn Đắk La, xã Đắk Nhau buồn bã: “Thanh niên trong thôn giờ không muốn học đánh cồng chiêng. Chúng thích nhậu, chơi games thôi. Số khác thì lo làm kinh tế”.

Ông Y Yang, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Nhau cho biết: “Trước đây, nhà nào cũng có 2 -3 bộ cồng chiêng. Nhưng kinh tế khó khăn, nhiều hộ đã bán cho các đoàn du lịch với giá 5-6 triệu đồng/bộ. Vì vậy, có nhà không còn bộ cồng chiêng nào hoặc còn nhưng không đầy đủ”.

CẦN SỰ QUAN TÂM THIẾT THỰC

Xã Đắk Nhau hiện có 44,6% đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều nét văn hóa giữa các dân tộc giao thoa với nhau. Nhưng thực tế là văn hóa của người Xêtiêng, Mơnông đang dần mờ nhạt. Một mặt vì họ chưa ý thức được nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mình. Mặt khác, họ bị cuốn hút bởi văn hóa hiện đại nên nhiều thanh niên quay lưng với văn hóa truyền thống.

Hoài niệm về một thời “hoàng kim” của cồng chiêng, già làng Điểu Đố (83 tuổi), dân tộc Xêtiêng, ở thôn Bù Môn, thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) chia sẻ: Cách đây 10 năm, cồng chiêng vẫn còn dùng trong các lễ hội như: đâm trâu, mừng lúa mới... nhưng bây giờ rất ít, chỉ dùng khi có yêu cầu của xã và khách tham quan. Tôi đang giữ bộ cồng chiêng đã qua 6 đời nhưng ít có cơ hội sử dụng.

Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Tuyên truyền giáo dục, Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Hiện số cá nhân, cộng đồng có ý thức bảo tồn văn hóa của dân tộc mình rất ít. Cách hiệu quả nhất là phải làm cho đồng bào tự nhận thức được nét độc đáo và yêu thích văn hóa của họ để vừa duy trì cồng chiêng với mục đích bảo tồn và gắn với phát triển du lịch, vừa tổ chức giao lưu các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Từ đó họ có cơ hội học hỏi, sử dụng cồng chiêng. Đồng thời phải tìm được những nghệ nhân giỏi đánh cồng chiêng để truyền dạy cho thế hệ trẻ, có chế độ hợp lý nhằm động viên họ trách nhiệm hơn trong bảo tồn, lưu truyền, phát triển nghệ thuật phi vật thể này.

Với sự mai một của cồng chiêng, trách nhiệm mà ông Trí đề cập ở trên không chỉ riêng đối với nghệ nhân người Xêtiêng, Mơnông mà là của cả cộng đồng, chính quyền các cấp, đặc biệt là các ngành văn hóa - du lịch và bảo tàng.

Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật

Nguồn tin: Báo Bình Phước