Thị xã Đồng Xoài: Người cao tuổi góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
- Thứ hai - 05/10/2015 10:26
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cụ Nguyễn Thị Nhuận là người đứng ra thành lập đội văn nghệ ấp 7, xã Tiến Hưng từ năm 1998 với 5 thành viên là NCT đã trên 70 tuổi tham gia sinh hoạt, luyện tập và biểu diễn văn nghệ. Đến nay, đội văn nghệ đã có gần 20 thành viên tham gia. Nay cụ Nhuận đã hơn 80 tuổi, nhường vai trò đội trưởng cho thành viên trẻ hơn nhưng với niềm đam mê ca hát cụ vẫn hăng say cùng các thành viên tập dợt tiết mục và chịu trách nhiệm sáng tác các bài hát tự biên cho đội. Cụ Nhuận cho biết: “Tuy tuổi cao nhưng tinh thần yêu ca hát trong tôi vẫn còn thiết tha lắm! Được góp một phần nhỏ của mình vào thành công chung của cả đội là niềm vui lớn nhất trong lúc tuổi già. Trong sáng tác tự biên, tôi chủ yếu dựa trên nền nhạc các bài hát dân ca. Để tiết mục hay hơn, tôi nhờ con cháu lên mạng tham khảo các bài hát múa để học và phát triển theo ý chung của cả đội”.
Bà Đặng Thị Điệp (giữa) cùng với thành viên câu lạc bộ biểu diễn tiết mục hát then tại hội thi cấp thị xã
Bà Đặng Thị Điệp dân tộc Tày, quê ở Thái Nguyên sinh sống tại thị xã Đồng Xoài đã nhiều năm nhưng bà vẫn rất đam mê và yêu làn điệu hát then của dân tộc mình. Bà đã cùng với 4 thành viên là NCT của Câu lạc bộ Phụ nữ đoàn kết ở khu phố Xuân Đồng, phường Tân Thiện là người Tày tìm cách đưa làn điệu hát then vào sinh hoạt văn nghệ trong câu lạc bộ. Sau một thời gian vất vả “tự thân vận động” từ trang phục, đạo cụ đến phong cách biểu diễn, đến nay điệu hát then, đàn tính đã vang trên mảnh đất Đồng Xoài đầy niềm đam mê cuốn hút. Hiện các thành viên đã luyện tập được 5 bài hát then và thu âm tiếng đàn tính với sự hỗ trợ của nghệ sĩ đàn tính để phục vụ biểu diễn. Bà Điệp cho biết: “Như tất cả người con của dân tộc Tày nơi đây, chúng tôi đều yêu thích giai điệu của cây đàn tính và điệu hát then. Trong khả năng của mình, mọi người đều cố gắng để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc biệt này, đồng thời hướng dẫn con cháu học cách chơi đàn tính, luyện hát then để giai điệu truyền thống được lan tỏa và sống mãi cùng với cộng đồng”.