Thế gian không ai bằng cha mẹ!
- Thứ tư - 06/09/2017 14:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người dân dâng hương
CHUYỆN XƯA, TÍCH CŨ...
Sự tích về ngày lễ Vu lan được xuất phát từ điển tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung. Theo thuyết của nhà Phật thì trong đó có cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước. Theo Kinh Vu lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nơi chín suối nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Khi thấy mẹ mình vì gây nhiều nghiệp ác từ kiếp trước nên phải làm ngạ quỷ, bị bỏ đói khát, bị ma quỷ hành hạ khổ sở và ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng cho mẹ. Tuy nhiên, do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông vì chỉ muốn ăn một mình, nên khi ăn đã dùng một tay che bát cơm đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Chỉ vì thế mà khi bà đưa thức ăn vào miệng thì đã hóa thành lửa đỏ.
Người dân dâng hương, hoa trong ngày lễ Vu lan (15-7 âm lịch) tại chùa Quang Minh, thị xã Đồng Xoài - Ảnh: S.H
Cũng theo Kinh Vu lan, Mục Kiến Liên thấy vậy nên đã quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ ra khỏi bầy quỷ và được Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Muốn thế thì vào ngày rằm tháng bảy hằng năm là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật và mẹ của ông đã được giải thoát. Cũng trong Kinh Vu lan, Phật đã có lời dạy rằng: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu lan ra đời.
VÀ CHUYỆN BẤT HIẾU THỜI NAY
Trở lại câu hỏi ở phần đầu bài, xin mọi người hãy “gõ cửa ông” Google với câu hỏi rằng: “Những người bất hiếu xưa và nay”, thì chỉ cần 0,64 giây sẽ có khoảng 221.000 kết quả có liên quan đến nội dung của câu hỏi nêu trên. Báo Người đưa tin điện tử ngày 27-12-2012, có đăng bài “Đau lòng chữ “hiếu” thời hiện đại”. Nội dung bài báo cho biết: Cụ N.V.N, 87 tuổi ở Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) bị chính con gái và cháu rể trải chiếu đặt ra vỉa hè, đuổi cụ ra khỏi nhà. Cụ bị phơi nắng hơn 10 giờ, trước sự phẫn nộ, bức xúc của dư luận và sự tham gia của chính quyền, cụ mới được con gái, cháu rể đưa về căn nhà cũ ở phố Chùa Bộc. Ở tuổi 87, lẽ ra cụ N phải được các con cháu chăm sóc, nhưng ngược lại, họ đùn đẩy trách nhiệm và cuối cùng đẩy cụ ra ngoài đường.
Cũng bài báo trên cho hay, tại thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội xôn xao câu chuyện ông N.V.Q và bà N.T.C bị con trai đuổi ra khỏi nhà. Cả cuộc đời, ông bà đã vất vả lăn lộn mưu sinh để nuôi 7 đứa con trưởng thành. Khi các con khôn lớn, vì không muốn làm phiền con cái nên ông bà sống độc lập. Khi công việc không được thuận lợi, ông bà mới tìm về ở với người con cả. Nhưng rồi cuộc sống chung cũng không kéo dài được bao lâu, ông bà đành chuyển đến nhà người con trai thứ ba để ở. Ở đây, ông bà đã dồn hết những khoản tiền chắt chiu đưa cho con trai xây nhà. Và một việc không ai ngờ tới, đó là khi khánh thành nhà thì cũng là lúc ông bà bị con trai... đuổi ra khỏi nhà. Quá cay đắng, ông bà đành dọn đến một căn nhà ở gần đình làng sống.
Còn ở Bình Phước, chỉ vì giận đứa con là H.V.H bất hiếu đòi chia rẫy, ông H.V.T, ngụ xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập đã dùng rựa “xử” con để rồi phải hứng chịu bi kịch đau lòng... Thường ngày, H hay cự cãi cha khiến ông T nhiều lần nổi nóng đánh mắng. Mâu thuẫn gia đình căng thẳng đến mức trong một đêm vào năm 2008, bức xúc vì hận cha, H đã nổi lửa đốt nhà để thiêu chết ông T. Vụ hỏa hoạn khiến ông bị thương nặng phải nhập viện điều trị thời gian dài, nhưng ông không báo chính quyền cơ sở. Sau lần mưu sát hụt cha đẻ, H tìm đường trốn ra Cao Bằng, khi mẹ từ chối cấp “lộ phí”, H đã đánh mẹ gãy xương phải nhập viện. Nghĩ đến chuyện bị H đòi chia rẫy, đối xử tàn tệ với mẹ lại cộng với cơn say, ông T nảy sinh ý định phải buộc đứa con bất hiếu trả giá cho sự ngông cuồng. Và trong cơn điên dại, ông T đã tấn công con trai cho đến khi nạn nhân tắt thở. Sáng hôm sau, ông T đến Công an xã đầu thú.
BẤT HIẾU - PHẢI Ở TÙ ĐẾN 3 NĂM
Không phải ngày nay, mà từ xa xưa, những hành vi bất hiếu với ông bà, cha mẹ chẳng những bị người đời lên án, mà còn bị pháp luật nghiêm trị. Tại Mục 4, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống bạo lực gia đình quy định rất cụ thể và chi tiết các hình thức phạt, mức phạt tiền cũng như các hình phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả dành cho từng hành vi vi phạm. Cụ thể, tại Điều 51 về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình có quy định như sau: Phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. Phạt tiền từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;...
Còn theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, việc con cái bất hiếu với cha mẹ có thể bị xử phạt tù. Cụ thể, tại Điều 151 về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình có quy định như sau: Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Tại Điều 152 về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã quy định rõ: Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Chế tài là như thế, song trong cuộc sống vẫn còn có những cụ già phải đi xin ăn, đi bán vé số để mưu sinh vì không được con cái chăm lo, hay cảnh những cụ già có con cái giàu sang nhưng xem cha mẹ là gánh nặng nên phải vào viện dưỡng lão. Tệ hơn nữa là ở đâu đó vẫn còn xảy ra cảnh con cái đánh đập, chửi bới, chì chiết cha mẹ. Những người con này đã vi phạm giá trị đạo đức và pháp luật là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, để không còn diễn ra những hình ảnh đau lòng trên đây, trước hết các cơ quan bảo vệ pháp luật cần nghiêm trị đối với những người có hành vi vi phạm; đồng thời xã hội cần lên án mạnh mẽ để đánh thức nhân tính trong những con người này.