Sắc thái văn hóa hội tụ và tỏa sáng
- Thứ sáu - 13/12/2019 09:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh đại diện
Trong 3 ngày từ 8 đến 10-12, UBND huyện Bù Đăng tổ chức Liên hoan văn hóa - nghệ thuật (VHNT) các dân tộc thiểu số (DTTS) lần thứ I, tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh. Liên hoan trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng huyện Bù Đăng (14-12-1974 - 14-12-2019), trở thành sân chơi bổ ích, hấp dẫn cộng đồng 33 DTTS trên địa bàn huyện. Đây cũng là dịp để sắc thái văn hóa các DTTS hội tụ và tỏa sáng.
Liên hoan có chủ đề “Đoàn kết, thân thiện, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc”, với sự tham gia của gần 500 nghệ nhân, diễn viên của 17 đoàn đến từ 16 xã, thị trấn và Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Điểu Ong. Các hoạt động diễn ra tại liên hoan phong phú, đa dạng gồm: Trưng bày triển lãm không gian văn hóa các DTTS; thi đấu bóng chuyền nam; hội thi ẩm thực và chương trình văn nghệ tổng hợp ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Đăng sau 45 năm giải phóng.
SẮC THÁI VĂN HÓA HỘI TỤ
Từ chiều 8-12, hoạt động trưng bày triển lãm được các đơn vị đồng loạt thực hiện với những ý tưởng khác nhau, tạo nên nhiều bức tranh sinh động giới thiệu về cộng đồng các DTTS trên địa bàn huyện. Chị Dương Chang Chang, dân tộc Tày, Phó chủ tịch UBND xã Đường 10, cho biết: Toàn xã có 18 DTTS sinh sống với 2.071 hộ, 10.156 người (56,8% số dân toàn xã), nhiều nhất là các dân tộc Tày, Nùng, S’tiêng. Tại gian hàng trưng bày triển lãm, chúng tôi tập trung giới thiệu về 8 DTTS chủ yếu của xã như: Trang phục truyền thống; âm nhạc; tín ngưỡng, tôn giáo; nhà ở, lao động sản xuất; các phong tục, tập quán tốt đẹp trong hôn nhân, gia đình; sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các lễ hội...
Chương trình biểu diễn thời trang của xã Đường 10 tại liên hoan
Ông Dương Thanh Bình, dân tộc Tày ở thôn 4, xã Đường 10, cho biết: “Gia đình tôi vào Bình Phước lập nghiệp hơn 20 năm, những lễ hội quan trọng của người Tày tôi còn nhớ rất rõ, trong đó có lễ hội lồng tồng (hay còn gọi là xuống đồng) gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước. Tuy nhiên, tại xã Đường 10, kinh tế của người dân chủ yếu là điều và các loại cây công nghiệp nên lễ hội chưa được tổ chức. Triển lãm lần này, chúng tôi giới thiệu một số lễ hội mang tính truyền thống, qua đó giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Thọ Sơn có 16 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó 43% số dân là người DTTS, đồng bào Mơnông chiếm 68% tổng số người DTTS. Do vậy, tham gia liên hoan lần này, Thọ Sơn tập trung giới thiệu về đời sống văn hóa của đồng bào Mơnông tại địa phương. Chị Her Riêng ở thôn Sơn Hòa cho biết: “Dân tộc Mơnông có nhiều nét tương đồng với dân tộc S’tiêng về ẩm thực. Riêng trang phục thổ cẩm hơi khác do tông màu chủ đạo là đen, xanh, đỏ. Hiện Câu lạc bộ đan dệt thổ cẩm thôn Sơn Hòa đang phát huy hiệu quả. Những sản phẩm thổ cẩm của người Mơnông được trưng bày tại triển lãm rất đa dạng”.
Kết quả liên hoan, Ban tổ chức trao 31 giải cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao ở các thể loại. Trong đó, giải nhất toàn đoàn thuộc về xã Đăng Hà, nhì thị trấn Đức Phong và đồng giải ba thuộc về 2 xã Bình Minh và Đường 10. |
Được xem là cái nôi của phong trào cách mạng, xã Bình Minh đã mang đến không gian trưng bày triển lãm nhiều hiện vật giới thiệu về dân tộc S’tiêng trong các giai đoạn phát triển. Đặc biệt có nhiều hiện vật được dùng trong thời kỳ kháng chiến vẫn được bà con lưu giữ và mang đến trưng bày như: Cối xay lúa, giã gạo; gươm, đao, giáo, mác; các dụng cụ phục vụ sản xuất, đời sống... Anh Điểu Mon, Phó chủ tịch UBMTTQVN xã Bình Minh, cho biết: “Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng và liên hoan là dịp để các sắc thái văn hóa giao thoa, hội tụ; là dịp bà con học hỏi, giao lưu, qua đó gắn chặt thêm tình đoàn kết, động viên nhau cùng giữ gìn những giá trị tốt đẹp”.
NGHỆ THUẬT DÂN GIAN TỎA SÁNG
Ngoài các hoạt động triển lãm, thi đấu bóng chuyền, ẩm thực thì chương trình biểu diễn nghệ thuật đã đem đến khán giả nhiều sự hứng khởi. Chị Ông Thị Liên, dân tộc Hoa, xã Đăng Hà cho biết: “Xã Đăng Hà có 15 DTTS. Đợt này chúng tôi giới thiệu trang phục của 10 đồng bào dân tộc đông nhất xã như Tày, Nùng, Hoa, Cao Lan, Hơmông, Thái... Dù Đăng Hà đang vào mùa thu hoạch lúa nhưng bà con trong xã tham dự liên hoan rất đông”.
Trong phần biểu diễn nhạc cụ dân tộc, xã Phú Sơn tạo được ấn tượng sâu sắc bởi âm thanh của cồng chiêng, đồng la. Phú Sơn có bộ cồng, chiêng lớn nhất huyện Bù Đăng gồm 18 cái, được treo thành một giàn. 12 người cùng tham gia biểu diễn nhiều bản nhạc đặc sắc của Tây Nguyên. Bên cạnh đó, còn có những điệu múa khỏe khoắn, duyên dáng của các thôn nữ tạo không khí tưng bừng, hứng khởi. Một số đơn vị khác cũng đem đến liên hoan nhiều tiết mục ấn tượng như sáo trúc của xã Bom Bo; hát then của xã Phước Sơn, Thống Nhất; khèn bầu của xã Bom Bo... góp phần phát huy các giá trị văn hóa - nghệ thuật dân tộc.
Nhạc sĩ Quang Vượng, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Chánh chủ khảo liên hoan văn nghệ, nhận xét: Đây là lần đầu tiên huyện Bù Đăng tổ chức nhưng đã quy tụ được nhiều hạt nhân tại cơ sở. Sự tham gia của đông đảo người dân ở khắp các xã, thị trấn, đa dạng về thể loại, đồng đều về trình độ cho thấy nhu cầu sinh hoạt, thưởng thức văn nghệ truyền thống là rất lớn. Bù Đăng có tỷ lệ và thành phần dân tộc cao nhất tỉnh. Do vậy trong thời gian tới, huyện cần đẩy mạnh các hoạt động này để góp phần giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.