Phong tục chọn đất lập làng cùa người Stiêng

Người Stiêng ở Bình Phước có 77.562 người cư trú tập trung ở các huyện, thị xã: Bình Long, Hớn Quản, Chơn Thành, Lộc Ninh, Bù Đốp, Đồng Phú, Phước Long, Bù Đăng, Bù Gia Mập. Tộc danh Stiêng có nhiều nhóm địa phương như Bu dih, Bu deh, Bu lơ, Bu ac, Hạ Bạn,…

Nhưng trên thực tế chỉ có hai nhóm chính là Stiêng Bu deh (Stiêng  vùng thấp) tập trung ở thị xã Bình Long, các huyện Chơn Thành, Đồng Phú, Lộc Ninh, Bù Đốp và Stiêng Bu lơ (Stiêng vùng cao) cư trú các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và thị xã Phước Long. Phong tục tập quán của người Stiêng khá phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc tộc người, trong đó có phong tục chọn đất lập làng.

Người Stiêng kể rằng: từ thời xa xưa, tổ tiên của họ đi tìm đất lập làng rất gian nan, vất vả. Họ cứ mãi miết đi từ ngày này sang ngày khác, từ tháng nọ qua năm kia, băng rừng, trèo đèo, lội suối không biết bao lần cho đến khi họ đi về tận phía mặt trời lặn thì mới tìm được nơi ở của làng.

Vùng đất được người Stiêng chọn để lập làng mới phải đảm bảo có nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, vùng đất đó đủ rộng để các gia đình trong làng xây dựng nhà cửa, có khu đất làm nghĩa địa chung cho cả làng, có khu rừng thiêng (rừng dự trữ), đặc biệt vùng đất đó phải có rừng thật rộng lớn để mọi người có thể tìm kiếm nguồn thức ăn cũng như khai phá để làm rẫy, ruộng trong một thời gian dài,...Người Stiêng rất ít khi chuyển làng, đồng bào chỉ tiến hành lập làng mới khi trong làng có dịch bệnh, làng bị thiên tai tàn phá nặng nề hay trong làng có quá nhiều người chết dữ (chết thiêng),…Việc chuyển làng phải có sự họp bàn thống nhất giữa các thành viên trong cộng đồng làng. Khi mọi người đã thống nhất chuyển làng mà có một hoặc hai gia đình nào đấy không muốn chuyển, nếu đêm đó người ta ngủ mà mơ thấy điềm xấu hoặc có một tai hoạ nào đó xảy ra thì những gia đình này phải chịu sự trừng phạt của dân làng và thần linh nên họ không dại gì rước hoạ vào thân.

Người được dân làng cử đi chọn đất lập làng mới là vị chủ làng (Tom wang) và các cụ lớn tuổi trong làng, vì những người này có nhiều kinh nghiệm cũng như có những hiểu biết trong các khâu chọn đất, cúng thần linh. Ngày đi chọn đất lập làng phải là ngày đẹp trời , trên đường đi những người này phải tuyệt đối giữ im lặng và ai hỏi cũng không trả lời. Nếu họ gặp con mang, con nai kêu hoặc con rắn nằm chắn ngang đường, con chim khướu đầu bạc (chim Prang) kêu chặn đường ở phía trước hoặc kêu giật lùi ở đằng sau thì sẽ lập tức quay về vì đây là điềm xấu. Còn nếu không gặp các con vật trên hoặc gặp con chim khướu kêu ở bên trái, đáp xuống ở bên phải thì đó là điềm tốt nên họ cứ tiếp tục đi cho đến khi tìm được vùng đất ưng ý.

Khi đã chọn được vùng đất ưng ý, chủ làng mới lấy quả trứng gà đem theo ra khấn thần linh xin phép thần cho mình được thử đất, nếu đất lành, đất tốt lúc bóp trứng thì quả trứng vỡ ra, còn nếu đất không tốt thì lúc bóp trứng không vỡ. Khấn xong, chủ làng bóp quả trứng gà, trường hợp trứng vỡ coi như thần linh đã cho phép họ được dựng làng tại nơi đây, nhưng cũng có trường hợp trứng không vỡ điều đó có nghĩa là thần linh không ưng thuận phải đi chọn ở nơi khác.

Sau khâu thử đất thành công, người ta dọn sạch một khoảnh đất khoảng 2 mét rồi lấy cây lồ ô dài khoảng 1,5 mét chẻ phần đầu thành bốn nhánh dài cắm làm dấu với ngụ ý bốn phía của khoảnh đất này đã có chủ. Người chủ làng và các cụ già quay về thông báo cho dân làng biết đã tìm được vùng đất để lập làng mới, nếu như trong lúc đi chọn làng người ta đi trong im lặng thì lúc về mọi người nói cười rất vui vẻ. Lúc này dân làng làm thịt heo, gà, lấy ché rượu cần cúng thần linh, nhờ thần linh che chở cho dân làng được khoẻ mạnh để họ yên tâm làm ăn, sinh sống. Đêm đó mà một ai đó trong làng mơ thấy diềm lành thì người ta mới bắt đầu đến dựng làng, ngược lại nếu ai đó mơ thấy điềm xấu như nước có màu đỏ, bị hổ vồ chết, làng bị cháy hoặc người khác đến phá làng của mình,…thì họ không đến vùng đất đó nữa.

Xong khâu chọn đất, người ta bắt đầu vào rừng tìm gỗ, chặt lồ ô, cắt cỏ tranh,…để dựng nhà. Ngày đầu tiên vào rừng tìm vật liệu làm nhà đồng bào cũng có những kiêng cữ như ngày đầu tiên đi chọn đất lập làng, nếu thuận lợi thì công việc mới được tiến hành, còn không thuận lợi thì lập tức quay về để ngày khác làm tiếp. Chuẩn bị xong mọi việc người Stiêng đợi ngày lành tháng tốt mới dựng nhà, họ rất kiêng làm nhà vào tháng 3 âm lịch; thông tin tốt hay xấu cho việc dựng nhà được người Stiêng phỏng đoán qua điềm báo mộng hoặc qua tiếng chim kêu.

Lúc làm nhà thì mỗi gia đình tự làm lấy, nhà ở truyền thống của người Stiêng là nhà dài nên cần rất nhiều nhân lực. Để công việc được tiến hành nhanh chóng và thuận tiện nên giữa các gia đình trong làng có sự hoán đổi công cho nhau. Đối với những trường hợp gia đình neo đơn, tàn tật,…thì được các thành viên trong làng đến giúp đỡ. Trước khi dựng nhà mới, đồng bào làm thịt con gà lấy máu đổ xuống chân cột, nhất là chân cột đầu tiên để khấn thần linh cầu mong mọi điều tốt lành. Dựng xong nhà, người Stiêng làm heo, gà, ché rượu cần cúng các thần linh, đồng thời đồng bào lấy máu của các con vật hiến sinh bôi lên miệng ché rượu, các cột nhà, mái nhà, sàn nhà cho mọi thứ đều được ăn rồi mới dọn nhà đến ở.

Người Stiêng có tục cấm làng khi vừa mới dựng làng xong. Trong thời gian bảy ngày kể từ ngày dựng xong làng mới thì những người lạ không được phép vào làng. Dấu hiệu cấm làng là một nhánh lá xanh được cắm hoặc treo đầu làng, cũng có thể là một dây thừng căng ngang lối vào. Trong thời gian này việc đưa vào làng các ché đầy rượu, các cối và chày giã gạo, các nia, mẹt,…đều bị cấm. Đồng thời, mọi người trong làng không được nấu nướng trên nhà mà họ chỉ làm bếp nấu ở dưới nhà, thức ăn của mọi người là các loại rau, thịt nào đó trừ thịt heo và gà dò thì không được ăn vì đây là điều kiêng. Người Stiêng quan niệm rằng việc giữ cho làng càng im lặng trong thời gian này càng tốt, có như vậy dân làng mới được ấm no, khoẻ mạnh và hạnh phúc./.

Tác giả bài viết: Điểu Huỳnh Sang