Người “tiếp lửa” cho đờn ca tài tử

Người “tiếp lửa” cho đờn ca tài tử
Đờn ca tài tử là môn nghệ thuật có sức sống mãnh liệt tựa một dòng chảy ngầm. Qua bao đời, đờn ca tài tử vẫn âm thầm lan tỏa, đặc biệt là ở những vùng nông thôn có rất nhiều người yêu thích môn nghệ thuật này. Có đến xã Tân Phước, huyện Đồng Phú mới biết người dân nơi đây mê đờn ca tài tử như thế nào. Dù bận rộn đến mấy nhưng cứ tối đến, các thành viên của Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử lại tập trung để sinh hoạt và giao lưu ca hát tại nhà ông Nguyễn Văn Tá - người “giữ lửa” cho phong trào đờn ca tài tử nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Tá quê ở huyện Đầm Dơi, tỉnh cà Mau. Quê hương miền Tây sông nước, nơi mà đâu đâu cũng nghe được tiếng đờn ca tài tử trên những chiếc ghe xuôi ngược buôn bán hoặc buổi tối trên vuông chiếu trải trước sân nhà. Từ nhỏ, ông đã mê đờn ca, rồi ông biết ca, biết chơi thành thạo các loại nhạc cụ như đàn bầu, đàn cò, guita lõm. Năm 1960, ông Tá tham gia Đoàn văn công xã Định Thành. Năm 1962, ông được giới thiệu vào Đoàn văn công tỉnh Bạc Liêu và đi biểu diễn phục vụ các chiến trường. Trong kháng chiến, đờn ca tài tử là linh hồn của phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ở Nam bộ. Tham gia mấy năm, ông về quê nhưng vẫn chơi đờn ca tài tử. Do đam mê văn nghệ nên ông thường xuyên đánh đàn phục vụ đám tiệc ở quê. Gần nhà có điểm du lịch sinh thái, ông tham gia phục vụ du khách.

Năm 1992, ông cùng gia đình đến xã Tân Phước, Đồng Phú lập nghiệp. Trên quê hương mới, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, cuộc mưu sinh đè nặng nhưng tình yêu đối với nghệ thuật đờn ca trong ông không bao giờ tắt. Ông tâm sự: “Đờn ca tài tử đối với tôi như một mối lương duyên. Người thầy dạy đờn ca cho tôi là nghệ nhân Tăng Phát Vinh. Năm 16 tuổi, tôi dành tiền mua một cây guita phím lõm. Mua đờn về mà lúc đó không biết chơi  nên tôi đi tìm thầy học. Mỗi lần nghĩ tới thầy, tôi đều tự nhủ rằng hát không chỉ để thỏa đam mê mà phải làm một điều gì đó để phát triển phong trào đờn ca tài tử, làm sao để càng có thêm nhiều người yêu quý, gắn bó với nghệ thuật đờn ca tài tử như gìn giữ nét văn hóa truyền thống quý báu của cha ông mình”.  

Năm 2014, ông Nguyễn Văn Tá được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử

Năm 2005, CLB đờn ca tài tử xã Tân Phước được thành lập và hoạt động ổn định cho tới nay, với 18 thành viên đa số là nông dân. Tuy còn vất vả với ruộng đồng nhưng mỗi người đều tự giác rèn luyện để tiếng hát, lời ca thêm trau chuốt, mượt mà. Nhiều người không phải là thành viên, lúc rảnh rỗi cũng đến giao lưu ca hát. Đờn ca tài tử không phân biệt tuổi tác, nam hay nữ, lớn hay nhỏ. Khi vào CLB họ đều hòa đồng, gần gũi. Các thành viên còn tự bỏ tiền ra mua nhạc cụ, trang phục. Mỗi người có một chất giọng riêng. Ông Tá hướng dẫn chọn lựa ca khúc, chọn bản phù hợp với từng chất giọng. Trong CLB, có những người chỉ biết chơi nhạc cụ như guita lõm, đàn sến, đàn cò, có người chỉ hát nhưng cũng có người vừa đàn vừa hát. Tất cả họ đều có điểm chung là đam mê đờn ca tài tử.

Chị Nguyễn Thị Linh, một thành viên CLB cho biết: “Lần đầu tôi đến với CLB chỉ để thưởng thức. Tôi còn ngại vì mình hát chưa hay, chưa khớp nhịp. Được bác Tá hướng dẫn rất tận tình, bài bản và khơi dậy lòng đam mê cho chúng tôi...”. 

Từ CLB ấy, phong trào đờn ca tài tử ở Tân Phước được duy trì và phát triển. Ông Tá luôn được gia đình ủng hộ. Gia đình có 11 người thì 7 người tham gia CLB. Lúc rảnh rỗi, ông dạy các con, cháu chơi đàn, ca vọng cổ. Cháu Lê Ngọc Mỹ được ông ngoại dạy hát vọng cổ từ năm 7 tuổi. Em đã tham gia nhiều cuộc thi chuyên nghiệp. CLB còn thường xuyên giao lưu với các CLB trong tỉnh và biểu diễn nhiều nơi. Năm 2014, CLB đờn ca tài tử Tân Phước được vinh dự đại diện cho đờn ca tài tử tỉnh Bình Phước tham dự liên hoan đờn ca tài tử trong khu vực.

Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Phú cho biết: “Ông Nguyễn Văn Tá đã góp phần tích cực gìn giữ giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn huyện. Dù nhà xa, tuổi cao nhưng ông vẫn cộng tác nhiệt tình với ngành văn hóa, hướng dẫn các lớp đờn ca tài tử...”.      

Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật

Nguồn tin: Báo Bình Phước