Múa dân gian truyền thống của người S’tiêng

Múa dân gian truyền thống của người S’tiêng
Trong đời sống văn hóa người S’tiêng, nghệ thuật múa có từ lâu đời mang tính chất dân gian gắn liền với đời sống sinh hoạt cộng đồng. Những động tác múa uyển chuyển hòa quyện cùng âm nhạc của cồng, chiêng trầm hùng vừa mang đậm ý nghĩa tâm linh vừa mang tính cố kết cộng đồng. Hiện nay, người S’tiêng duy trì 3 loại hình múa sinh hoạt, múa lao động và múa tín ngưỡng.

MÔI TRƯỜNG NẢY SINH

Múa dân gian phản ánh cuộc sống sinh hoạt bình dị của người S’tiêng, trong lao động sản xuất với những động tác chọc hạt, phát rẫy, tỉa lúa… Đối với phụ nữ S’tiêng, giã gạo không chỉ là công việc hằng ngày mà đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người. Vì vậy, những động tác giã gạo hăng say, thành thục, nhuần nhuyễn là một phần không thể thiếu trong múa dân gian của người S’tiêng khi hòa nhịp cùng cồng, chiêng tại các lễ hội, nghi lễ.

 

Đồng bào S’tiêng múa trong lễ hội mừng lúa mới ở xã Thiện Hưng (Bù Đốp)

Người S’tiêng trước đây thường tổ chức rất nhiều nghi lễ trong năm liên quan đến vòng đời con người, nông nghiệp như lễ cúng thần Liêng, thần đất, thần núi, thần bến nước… đến lễ cầu mưa, mừng lúa mới, kết bạn, bỏ mạ, đâm trâu… Đây là dịp để đồng bào thỉnh cầu ước nguyện với trời đất, thần linh, tổ tiên cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong các phần lễ và hội bao giờ cũng có âm nhạc và điệu múa hòa quyện với nhau tạo không khí thiêng liêng cho buổi lễ.

NGHỆ THUẬT DIỄN XƯỚNG

Khi múa người S’tiêng thường kết hợp động tác tay với điệu nhảy của đôi chân, mô tả các công việc như tỉa hạt, phát dọn rẫy, săn bắt, giã gạo…

Một số điệu múa lấy thân mình làm trục chính rồi đưa bàn tay qua hai bên mở lòng bàn tay xòe hay chúm lại, từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới nhịp nhàng như thể hiện việc chúc tụng, ngợi ca thần linh. Khi múa mọi người xếp thành một hàng dọc, hàng ngang nối nhau hay tạo thành một vòng tròn đi quanh cây nêu, cột đâm trâu, bên đống lửa. Đây cũng là trục trung tâm của lễ hội và đoàn múa, mọi người không phân biệt già trẻ, gái trai, bất kỳ ai tham dự lễ hội đều có thể múa nếu thích. Cứ như thế vòng múa ngày càng rộng ra.

Bên cạnh động tác múa trên nền nhạc cồng chiêng diễn ra ở các lễ hội, người S’tiêng còn múa trong lễ Bà bóng hay còn gọi là múa Bà bóng (Tà râm). Người múa chủ yếu là phụ nữ trên nền nhạc trống, cồng chiêng, lục lạc. Mọi người múa quanh một cây nêu đặt trong nhà trước mâm lễ vật. Thời lượng múa không hạn định, diễn tiến kéo dài theo diễn trình của lễ cúng Bà bóng. Múa Bà bóng không chỉ phục vụ lễ hội mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân. Đây là loại hình nghệ thuật khó thực hiện, do đó rất ít sóc, ấp trên địa bàn Bình Phước còn lưu giữ được loại hình nghệ thuật này. Số nghệ nhân biết rõ nghệ thuật này cũng ngày càng ít đi, cần có giải pháp bảo tồn, lưu giữ và phát huy.

Múa lục lạc được thực hiện trong lễ hội đâm trâu ở cộng đồng cư dân S’tiêng Bù Lơ và Bù Đek trong các lễ cầu mưa, mừng lúa mới… Người tham gia chủ yếu là nữ. Khi biểu diễn người múa thường cầm lục lạc, lúc múa âm thanh của lục lạc sẽ vang lên rộn ràng.

Nếu có dịp tham dự những lễ hội của người S’tiêng hoặc đến tham quan Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh (Bù Đăng) vào dịp tổ chức các hoạt động cộng đồng bên ánh lửa hồng, thưởng thức ngụm rượu cần ấm nồng, trong tiếng cồng chiêng trầm hùng, vang vọng, mọi người sẽ được hòa mình vào những điệu múa dân gian truyền thống của người S’tiêng. Những điệu múa uyển chuyển, nhịp nhàng tạo không khí thoải mái, tất cả như muốn níu chân du khách.

Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do mà các điệu múa dân gian truyền thống của người S’tiêng có nguy cơ mai một. Vì vậy, việc tổ chức truyền dạy, phục hồi lễ hội, nghi lễ là việc làm cần thiết nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của người S’tiêng.

Nguồn tin: Báo Bình Phước