Loại hình hát đối đáp trong nghệ thuật truyền thống của người Stie6ng Bình Phước

Già làng cúng xin thần linh khi chọn đất lập làng mới

Già làng cúng xin thần linh khi chọn đất lập làng mới

Hát đối đáp là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống, thể hiện sự sáng tạo độc đáo trong diễn xướng và trình diễn âm nhạc truyền thống của người S’Tiêng Bình Phước. Loại hình nghệ thuật này thể hiện ở hai lĩnh vực là hát đối trong lễ hội và hát đối trong sinh hoạt hằng ngày.

Hát  trong các nghi lễ của lễ hội:

Trong các hoạt động lễ hội truyền thống, hát đối đáp là một trong những nội dung đặc trưng, trong đó có hát hình thức là hát cúng và hát giao duyên. Đây là một loại hình không thể thiếu lễ hội của cộng đồng người S’Tiêng Bình Phước.

Trước tiên là hát đối trong các nghi lễ cúng thần linh trong các lễ hội. Hát cúng là hình thức thể hiện lời khấn cúng của những người chủ lễ khi trình bày những ý nguyện của người dân đối với đấng tối cao, thần linh. Thay vì trình bày những lời khấn bằng hình thức nói, người S’Tiêng dùng hình thức hát để thể hiện. Hát đối là hình thức hát giữa hai người với nhau khi trình diễn, thường mỗi người hát một đoạn xen kẽ với nhau.

Trong các buổi lễ, sau khi các lễ vật được chuẩn bị xong, chủ lễ và một số thành viên trong sóc đứng xếp thành vòng tròn quanh cây nêu nắm chặt tay và hát cầu khấn. Thường chủ lễ hát trước và những người khác sẽ hát tiếp theo, chủ lễ hát chính và những người khác sẽ hát đáp trả mang tính hưởng ứng. Những lời khấn cúng có nội dung hết sức phong phú, tùy mỗi lễ hội mà họ có những lời khấn cũng khác nhau.

Chẳng hạn lời khấn trong lễ cúng cầu mưa, lời hát được tạm dịch như sau: “Bà con trong sóc dựng nêu giết gà, giết heo thết đãi các thần. Mời các thần về nhận lễ vật và chứng giám cho tấm lòng thành của bà con dân sóc. Sau khi nhận lễ vật xong thì các thần làm phép để cho mưa xuống lấy nước gieo hạt, suối chảy cho cá lên nguồn, cây rừng đâm chồi nảy lộc. Chim thú gọi bạn săn mồi. Bà con trong sóc trỉa lúa lúa tốt, trồng bầu bầu leo. Cho heo gà đầy sân, cho thóc gạo đầy bồ... Nếu được như vậy năm sau chúng tôi sẽ cúng lễ vật nhiều hơn vui hơn.

Hay trong lễ cúngtỉa lúa, người S’Tiêngthường khấn “Ơi thần! Ngày hôm nay chúng tôi bắt đầu tỉa lúa. Cầu thần cho tỉa lúa đầy đất, cầu cho lúa mọc đầy lỗ, cầu cho lúa thu đầy kho, cầu cho bông lúa to bằng cái chụp, cầu cho cây lúa to bằng măng tre”. Trong quá trình chăm sóc lúa, họ cũng có các nghi lễ tương tự nhưng với nội dung là cầu cho cây lúa phát triển tốt và mùa màng bội thu: “Cầu xin các vị thần linh phù hộ cho cây lúa được tốt tươi để cho mùa vụ được nhiều lúa”, “Cầu xin thần linh cho cây lúa đơm bông được dài, nhiều hạt để vụ mùa được bội thu”. Lời hát trong lễ mừng lúa mới thì:“Ông bà rừng, ông bà núi, ông bà lúa ở chỗ nào, xin mời hồn lúa còn rơi rớt ở trong bụi, trong nước, bị con gà con vịt ăn… hãy về nhà cùng uống rượu, ăn gan trâu, gan gà, uống rượu cần, cùng tham dự chung vui cùng với anh em hòa thuận đoàn kết. Mời ông bà  rừng, ông bà lúa hãy tụ họp về đây chứng kiến cảnh chuẩn bị cho lễ đâm trâu. Mong hồn lúa ở lại trên kho cho gia đình có no, có đủ trong cả năm, mọi người được mạnh khỏe, bình an”.

Hiện nay, thể loại hát cúng khấn thần linh của người S’Tiêng Bình Phước vẫn được duy trì  nhưng  được ghi nhận là rất ít. Hầu hết các bài hát cúng nói riêng cũng như các loại hình âm nhạc của người S’Tiêng Bình Phước chỉ được truyền khẩu là chính, rất ít có các bản ghi chép để lưu truyền. Bên cạnh đó, các hình thức này đã có sự thay đổi cả về nội dung và hình thức với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Trên thực tế, trong các chương trình phục dựng các lễ hội truyền thống của các cơ quan chuyên môn các bài hát cúng mới được diễn ra một cách có hệ thống.

Bên cạnh những hình thức hát cúng thần linh, trong các lễ hội còn có hình thức hát đối trong quá trình giao lưu giữa các cộng đồng cư dân khi tham dự lễ hội. Nhìn chung, hình thức và nội dung có nhiều điểm tương đồng với hát đối trong sinh hoạt hằng ngày.

Hát đối trong sinh hoạt hằng ngày:

Trong sinh hoạt hằng ngày, nghệ thuật hát đối đáp được trình diễn khá phổ biến. Khác với hát đối trong lễ hội, hát đổi đáp trong sinh hoạt hằng ngày khá đa dạng về đối tượng trình diễn, thời gian và không gian trình diễn…Người S’Tiêng có đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú, họ thường có những hoạt động giao lưu sinh hoạt cộng đồng giữa các nhóm cư dân, các hộ gia đình, các cá nhân…Và mỗi lúc như vậy, hình thức hát đối lại được trình diễn. Chẳng hạn: Trong các hoạt động cộng đồng, các gia đình, những người có năng khiếu sẽ thể hiện hình thức hát đối đáp trong hoạt động giao lưu văn nghệ với nhau. Phổ biến nhất là hát đối giữa các cá nhân với nhau trong các hoạt động sinh hoạt gia đình. Mỗi khi gia đình có bạn đến thăm, chủ nhà sẽ ra tận cửa đón và hát những câu hát chào đón bạn. Người bạn sẽ hát đáp trả lại để thể hiện sự tôn kính. Trong quá trình ăn uống, khi mời rượu lẫn nhau, họ cũng dùng hình thức hát đối đáp để thể hiện tầm lòng, tình cảm họ dành cho nhau. Khi ra về, họ sẽ hát những lời hát đổi để đưa tiễn nhau, những lời chúc và những lời hẹn sẽ gặp lại. Nhìn chung hát đối trong sinh hoạt hằng ngày hết sức phong phú.

Trong tình yêu giữa các đôi nam nữ, hình thức hát đối cũng đã được các thành viên trong cộng đồng sử dụng khá phổ biến. Người S’Tiêng đề cao vai trò của người phụ nữ, trong đó lĩnh vực hôn nhân gia đình được thể hiện khá rõ. Trai gái khi đến tuổi trưởng thành, việc hôn nhân do phía người phụ nữ quyết định. Trong quá trình tìm hiểu để đi đến hôn nhân, họ thường sử dụng hình thức hát đối để bày tỏ tình cảm với nhau, để tìm hiểu nhau. Cũng giống như hát đối trong sinh hoạt hằng ngày khác, hát đối đáp trong tình yêu nam nữ cũng mang tính ngẫu hứng, tự sự. Không có những bài bản đã được sáng tác sẵn mà tùy vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể và khả năng của mỗi người mà họ sáng tác ra những lời hát cho phù hợp. Thông thường, người con trai chủ động tỏ tình trước và người con gái sẽ đáp lại.

Lời hát được thể hiện trong hát đối đáp trong sinh hoạt hằng ngày có những điểm khác so với lời hát trong các lễ hội. Nếu hát đối trong lễ hội thường là những lời hát đã được truyền từ đời này qua đời khác và được thể hiện mang tính cố định (khi thực hiện lễ cúng thì phải hát những lời này) thì hát đối trong sinh hoạt hằng ngày có những điều khác. Đó là những lời hát có thể đã được sáng tác từ lâu nhưng cũng có những lời hát được thể hiện qua sự ngẫu hứng, sáng tác bất chợt và cũng sẽ nhanh chóng quên đi nếu không được trình diễn thường xuyên. Tuy nhiên, khác với loại hình hát cúng, hát đối đáp hiện nay không còn duy trì trong cộng đồng do sự thay đổi của thị hiếu người dân và những tác động của xã hội.

Ngày nay, cả hát đối trong lễ hội và hát đối trong sinh hoạt hằng ngày đã mai một  dần. Nguyên nhân là do sự tác động của quá trình hội nhập và phát triển đã du nhập vào cộng đồng nhiều loại hình nghệ thuật mới. Họ tiếp nhận và sử dụng các loại hình nghệ thuật đó và quên dần nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, sự mai một của các lễ hội cũng góp phần làm cho loại hình hát đối không còn môi trường diễn xướng và cũng mai một theo. 

(Trong bài có sử dụng tư liệu thuộc dự án “Nghiên cứu, khảo sát vàđịnh dạng âm nhạc của người S’Tiêng Bình Phước”năm 2013 và ảnh tư liệu của Bảo tàng tỉnh)

Tác giả bài viết: Đinh Nho Dương