Làm vua cũng khổ
- Thứ năm - 22/03/2018 14:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vua Gia Long là cháu nội của Nguyễn Phúc Khoát, một trong những vị chúa Nguyễn cuối cùng ở đàng Trong. Ông sinh ngày 8-2-1762, húy là Nguyễn Phúc Ánh, thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh, là vị hoàng đế đã sáng lập nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820 và được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Thế Tổ.
Sau 25 năm nếm mật nằm gai, phải sống những ngày tháng lưu vong thì đến năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh chính thức lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu Gia Long, lập ra triều Nguyễn. Ông là một biểu tượng của sự can trường, bản lĩnh nhưng ít ai ngờ đến, vua Gia Long không ít lần than thở về sự đấu đá chốn hậu cung.
Minh họa: S.H
Xếp sau Minh Mạng và Thiệu Trị, Gia Long là vị vua có nhiều vợ đứng thứ 3 trong lịch sử nhà Nguyễn. Vua chính thức có 21 bà vợ, trong đó có 3 người được sử sách nhắc đến nhiều nhất là: Đệ nhất phi (Quế phi) tên là Tống Thị Lan (sau được truy tôn là Thừa Thiên Cao hoàng hậu), đệ nhị phi (Minh phi) tên gọi Trần Thị Đang (sau được truy tôn là Thuận Thiên Cao hoàng hậu), đệ tam phi (Đức phi hay Thần phi) tên là Lê Thị Ngọc Bình.
Ngoài các bà chính thất thì tam cung lục viện của vua còn có hàng trăm phi tần là khuê nữ của quan lại triều đình tiến cung. Do các quan tự nguyện dâng con gái, vì không muốn tổn thương hòa khí nên vua Gia Long vẫn chấp nhận việc nạp phi. Kết quả là hậu cung của vua Gia Long ngày càng “chật chội” và cũng gây rắc rối về sau cho vua. Theo ghi chép của sử sách, vua chỉ cần lơ đễnh với một bà vợ, ngay lập tức bà ta sẽ “kể tội” với phụ thân và ông “nhạc phụ” này, nếu không nguyền rủa sự già yếu của vua thì nhất định “sẽ tìm cách gieo rắc một cách khéo léo” với triều thần và gây nên những lời bàn tán khiến vua trở thành trò cười trong mắt bàn dân thiên hạ.
Những tưởng có được 3.000 giai lệ là diễm phúc nhưng sự thực thì ngược lại. Sau mỗi buổi thượng triều vất vả lo việc nước, vua lại phải đau đầu phân xử chuyện của các bà vợ, bị vây quanh bởi những lời van xin, trách móc đòi phân xử công bằng đủ thứ chuyện. Vua thực khó xử và vua Gia Long đã nói: Nếu làm đúng thì tôi phải trị tội cả bọn, vì không biết rõ trong cả bọn ấy có đứa nào không độc ác bằng mấy đứa nào!
Từ đó, vua Gia Long coi hậu cung của mình là nơi chứa những “con quỷ cái” suốt ngày chỉ biết gây lộn. Không thể sống trong sự tính toán chốn hậu cung, Gia Long tâm sự với quan đại thần người Pháp J.B.Chaigneau rằng vua “muốn sửa đổi lại cả thế giới, nhất là đàn bà” bởi trong mắt Gia Long, lòng dạ đàn bà ác nghiệt, đáng sợ hơn đàn ông. Và Gia Long đã biến mong muốn đó thành sự thật bằng việc đề ra những quy định xử lý mâu thuẫn trong hậu cung (như cãi vã, đánh nhau), được ghi trong Hoàng Việt luật lệ, cụ thể như sau:
Bất cứ khi nào trong hậu cung nổi giận, tranh giành lẫn nhau, phạt đánh 50 roi vì tội bất kính. Để tiếng tranh giành giận dữ thấu đến chỗ vua ngự hoặc đánh nhau, phạt 100 trượng bởi không biết kiêng sợ.Vết thương từ gãy, giập trở lên, tội danh sẽ tăng thêm 2 bậc do vừa không biết kiêng sợ lại còn làm tổn thương đến người khác. Nếu ở chỗ lâm triều trong điện, lại tăng thêm một bậc nữa, tương đương phạt 60 roi. Còn để tiếng tranh giành thấu đến chỗ vua ngự hoặc đánh nhau trong điện xử tăng thêm 1 bậc, phạt 60 trượng, đồ 1 năm. Tuy nhiên, vua vẫn hạ thủ lưu tình với các bà vợ dù đánh người đến mức tàn tật suốt đời, tội cũng chỉ phạt đến mức 100 trượng, lưu đày 3.000 dặm, “thu tiền chuộc của cả người tàn tật lẫn người có tội, cho nên không xử cắt phần tài sản để nuôi người tàn tật”. Ngay cả đối với những trường hợp gây ra án mạng cũng chỉ chiếu theo luật thường mà xử.
Dù đã được ghi rõ trong Hoàng Việt luật lệ, nhưng những quy định đã nêu chỉ được áp dụng cho chính các bà vợ của vua. Có thể nói, Gia Long là ông vua đầu tiên và duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã phải lên tiếng về cuộc sống riêng tư nơi chốn hậu cung.
Lời bàn:
Theo sử cũ, ngoài việc được biết đến là vị hoàng đế có công thống nhất Việt Nam sau nhiều thế kỷ nội chiến, Gia Long còn được biết đến là vị vua có nhiều vợ vào hàng thứ ba của vương triều Nguyễn. Thế nhưng, tuy là hoàng đế đầy quyền uy, song thường ngày sau buổi thiết triều, giải quyết xong các việc triều đình, vua Gia Long không thể yên ổn lui về chốn hậu cung nghỉ ngơi. Lý do đơn giản là bởi, nếu về đó ông sẽ gặp phải các phi tần mà theo ông chẳng khác gì “những con quỷ dữ”. Họ sẽ tranh thủ vây quanh ông, van xin, trách móc đòi phân xử chuyện này, công bằng chuyện kia.
Như vậy, vua Gia Long oai hùng trong chiến trận, uy nghi khi ở bệ rồng nhưng vẫn không thể nào quản “chuyện nhà” mình. Ai bảo làm vua sở hữu tam cung lục viện, trăm ngàn cung tần mỹ nữ mà đã là vui? Thế mới biết câu nói của Khổng Tử trong sách Đại học rằng: “Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Và ý nghĩa của câu này ở chỗ tu thân là chính, chăm sóc gia đình là quan trọng, quản trị đất nước là tốt, bình định thiên hạ là cuối. Mà đã không tu thân thì khó có thể tề gia và đã không tề được gia thì đừng nói làm được việc gì. Vâng, lời dạy của Khổng Tử cho đến nay vẫn không hề thay đổi.
Nguồn Báo Bình Phước