Độc đáo ngôi nhà kiến trúc cổ
- Thứ năm - 22/08/2019 08:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh đại diện
Căn nhà của gia đình ông Vũ Trọng Bỉnh (SN 1951, ngụ ấp Chợ, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú) vẫn còn lưu giữ những nét kiến trúc cổ của cư dân nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ. Với lối thiết kế nhà cổ quen thuộc cùng sân vườn đã tạo nên một tổng thể kiến trúc vô cùng độc đáo và đẹp mắt.
Ông Bỉnh sinh ra tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình - quê hương nổi tiếng với nghề trồng lúa nước. Ông cho biết, văn hóa lúa nước đã tác động đến kiến trúc nhà ở của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Họ thường sinh sống trong căn nhà 3 gian, 5 gian làm bằng gỗ đan xen trong những lũy tre hay dưới tán cây xanh, bên cạnh sông suối, ao hồ. Nhà cổ nông thôn Bắc bộ đơn giản chỉ là mẫu nhà cấp 4, với mái ngói, vì kèo truyền thống. Nhà với cấu trúc đơn giản khiến không gian mát mẻ và gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
Năm 1980, gia đình ông Bỉnh vào ấp Chợ, xã Tân Tiến lập nghiệp. Ông cùng vợ con đi chặt cây để xây dựng căn nhà cấp 4 theo kiến trúc cư dân nông thôn Bắc bộ. Sau nhiều năm tích cực lao động sản xuất và phát triển kinh tế, đến năm 2003, gia đình ông có 10 ha cao su. Những năm giá mủ cao su cao, ông thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Năm 2012, căn nhà gỗ xuống cấp, ông đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua gỗ căm xe từ Đắk Nông, mua ngói mũi từ tỉnh Thái Bình và thuê nghệ nhân mộc từ tỉnh Thanh Hóa vào xây dựng căn nhà cổ theo kiến trúc của cư dân Bắc bộ. Căn nhà có 3 gian, 2 mái lợp ngói mũi, bên dưới có ngói liệt. Khung sườn nhà hầu hết sử dụng kỹ thuật lắp ghép tự nhiên (lắp mộng) không dùng đinh sắt. Những nghệ nhân mộc tài giỏi ở Thanh Hóa không chỉ tạo ra công trình kiến trúc tài hoa, chứa đựng những tác phẩm điêu khắc tinh xảo mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc cổ của cư dân người Việt. Với kiến trúc nhà thuận, kết cấu 16 cột được chạm khắc cẩn thận, tinh xảo, làm nổi bật sắc gỗ mộc thanh cảnh, vàng óng, đỏ tươi và sắc mun ánh ngời bóng loáng... tạo nên vẻ đẹp sinh động nhưng tôn nghiêm cho căn nhà. Trong nhà trang trí theo mô thức nội thất thống nhất, bàn thờ gia tiên được sắp xếp, gồm: khám thờ, ngai thờ, ảnh thờ, đèn thái cực, bộ đỉnh hương, bình cắm hoa, đĩa đựng lễ hoặc hoa quả, cặp chân nến, bát hương, 3 chén nước, chóe đựng nước, nậm rượu, ống hương, đũa thờ và kỷ cắm đũa, cây vàng khối... Bên cạnh đó còn có các vật dụng trang trí xung quanh bàn thờ gia tiên như hoành phi câu đối, lọ lục bình... Các câu đối trên cột hoặc các bài minh bằng Hán tự đặt trên bàn thờ tổ tiên đều được sơn son thếp vàng. Nội dung câu đối, bài minh đề cao lòng hiếu đạo với ông bà tổ tiên, nền nếp gia phong, việc kính trọng và phụng dưỡng cha mẹ. Trước bàn thờ gia tiên có một phản gỗ đen với bộ tách trà, điếu bát, ống tăm, gạt tàn... bằng gỗ hoặc đồ gốm theo phong cách cổ - đây là nơi hội họp hoặc tiếp khách. Ở một góc nhà có tủ kiếng được gắn cặp ngà voi, bên trong tủ trưng bày các cổ vật kỷ niệm. Sân trước nhà được xây dựng hệ thống hòn non bộ, thác nước, bể nuôi cá, cây cảnh... tạo không gian hài hòa, xanh mát.
Không chỉ lưu giữ căn nhà với kiến trúc cổ, ông Bỉnh còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ người cao tuổi xã Tân Tiến. Ông Bỉnh cho biết: Hoạt động văn nghệ của câu lạc bộ là phục hồi chất cổ - dân tộc - các làn điệu dân ca Bắc bộ, khuyến khích các tiết mục tự biên tự diễn, sáng tác ca khúc, phổ thơ thành nhạc... Các thành viên câu lạc bộ đều từ các tỉnh phía Bắc vào Bình Phước lập nghiệp nên những làn điệu dân ca Bắc bộ đã ăn sâu vào máu thịt và các cụ thể hiện rất thành công làn điệu chèo, quan họ, hát chầu văn... Căn nhà của ông Bỉnh cũng là nơi hội họp, luyện tập và khơi nguồn cảm hứng sáng tác của thành viên câu lạc bộ. Nhiều tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu, chất lượng nghệ thuật cao, được đại diện tham gia các hội thi, hội diễn của huyện, tỉnh.
Giữa bộn bề của cuộc sống mưu sinh, khi đến thăm gia đình ông Vũ Trọng Bỉnh, đắm mình trong không gian của ngôi nhà cổ giữa khu vườn yên ả... chợt thấy mình như được quay về thời thơ ấu và hòa mình giữa thiên nhiên, trong cuộc sống yên bình và ấm cúng giữa một vùng quê đồng bằng Bắc bộ.