Để Bom Bo trở thành điểm đến hấp dẫn

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đã có hàng ngàn du khách mỗi tháng đến tham quan

Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đã có hàng ngàn du khách mỗi tháng đến tham quan

Giai đoạn 1 Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (Bù Đăng) đi vào hoạt động đã thu hút sự khám phá của hàng ngàn du khách về vùng đất, con người một thời giã gạo nuôi quân kháng chiến đánh giặc cứu nước. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển du lịch của địa phương, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo còn rất nhiều việc phải làm để níu chân du khách.

MỖI THÁNG ĐÓN HƠN 1.000 DU KHÁCH

Dù mới hoàn thành giai đoạn 1 với một số hạng mục, thế nhưng mỗi tháng nơi đây đã có hơn 1.000 du khách trong cả nước đến tham quan. Nếu tạo được ấn tượng tốt ngay từ đầu, đây sẽ là cơ hội, tiềm năng phát triển du lịch của Bình Phước trong tương lai. 

Đến với khu bảo tồn, sau khi tham quan hình ảnh, hiện vật về tập quán, nét sinh hoạt của đồng bào dân tộc S’tiêng xưa tại nhà đón tiếp, men theo con đường mang tên cố nhạc sĩ Xuân Hồng, lên đến đỉnh đồi, du khách sẽ tiếp tục chiêm ngưỡng hệ thống nhà dài của người S’tiêng. Tại đây, có các bức tượng tái hiện cảnh nam, nữ S’tiêng cùng bộ đội giã gạo nuôi quân và lễ hội đâm trâu của đồng bào. Sân lễ hội là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng S’tiêng trong vùng và là nơi du khách có thể tổ chức các hoạt động dã ngoại...

Ông Đỗ Văn Đa (67 tuổi), đến từ Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đến Bom Bo để giáo dục cho các cháu về truyền thống lịch sử, tình yêu thương, đùm bọc qua hình ảnh người S’tiêng dù nghèo vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ ngày đêm giã gạo nuôi quân”. Trong sổ lưu bút, hầu hết du khách đều bày tỏ niềm vui khi đặt chân đến vùng đất Bom Bo. Đồng thời ghi nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng khu bảo tồn.

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN  KHẮC PHỤC

Sau một thời gian đưa vào vận hành, khu bảo tồn đã bộc lộ những hạn chế cần khắc phục. Hệ thống bảng chỉ dẫn, pa-nô, áp phích giới thiệu về khu bảo tồn chưa đầy đủ. Từ ngã ba Minh Hưng vào khu bảo tồn chỉ khoảng 6km nhưng do chưa có cổng chào, biển báo... du khách rất dễ lướt qua khu bảo tồn nếu không có người dẫn đường. Trên trục đường chính dẫn vào nhà đón tiếp, đàn trâu, bò qua đường, phóng uế bừa bãi đã làm mất đi cảm giác háo hức của du khách khi đến tham quan. Được biết, đây là con đường duy nhất để người dân đưa trâu, bò vào rẫy của mình bên trong khu bảo tồn.    

Tại nhà đón tiếp, sẽ rất thuận lợi và hợp lý nếu có một pa-nô lớn giới thiệu tổng quan về khu bảo tồn để định hướng du khách tham quan. Ở phòng trưng bày, hình ảnh nhiều nhưng hiện vật ít, lại chưa thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào S’tiêng, nhất là các khung dệt, trang phục của nam, nữ S’tiêng. Ngoài ra, du khách cũng rất cần các dịch vụ ăn uống, quà lưu niệm mang tính đặc thù và phù hợp với túi tiền của người  tham quan.

Anh Nguyễn Văn Oai, Tổ phó Tổ quản lý khu bảo tồn cho biết: Mặc dù đã được xử lý chống mối đúng định kỳ nhưng hai nhà dài truyền thống đang bị mối mọt “tấn công” ảnh hưởng đến các hiện vật treo trên vách. Một phần mái của nhà đã bị tốc nhưng chưa có kinh phí để sửa. Sân lễ hội chưa đốt lửa trại vì nguy cơ hỏa hoạn do quá gần 2 nhà dài. 12 căn nhà bảo tồn làng nghề truyền thống của đồng bào S’tiêng chưa có người ở nhưng đã xuống cấp. Một số cửa ra, vào bị cong, vênh. Nhân viên trong tổ quản lý vừa trông coi, bảo vệ khu bảo tồn vừa đi sưu tầm hiện vật lại kiêm thuyết minh nên khó đảm bảo nhiệm vụ và chưa thực sự hấp dẫn du khách... 

ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP?

Nhiều du khách cho rằng cần tăng một số sản phẩm mang đặc trưng của đồng bào S’tiêng như: Quy hoạch khu trồng rau nhíp, đọt mây, nuôi heo rừng và có bếp ăn phục vụ bữa ăn cho du khách khi có nhu cầu. Anh Oai cho biết, có khoảng 20 hộ dân ở đây có thể phục vụ cho dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tính đến phương án này nhưng chư a thể thực hiện. Ông Hồ Văn Trì, đến từ tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Khu bảo tồn cần sưu tầm thêm nhiều hiện vật và phải có thuyết minh viên là người dân tộc S’tiêng. UBND tỉnh phải ưu tiên con em đồng bào S’tiêng vào làm việc tại đây”.

Với 12 ngôi nhà bảo tồn các làng nghề truyền thống, phải bố trí người vào ở để trông nom, bảo vệ và phát huy hiệu quả công trình. 8 căn nhà còn lại phải được xây trên nền đất bằng phẳng, ở thế tựa sơn phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào S’tiêng. Ngoài ra, chủ đầu tư nên mở một con đường khác để người dân khi chăn dắt trâu, bò không đi vào đường chính của khu bảo tồn, tránh làm mất mỹ quan nơi đây.

Sở đã đề nghị UBND tỉnh cho thành lập Ban quản lý khu bảo tồn để có tư cách pháp nhân thuận lợi cho hoạt động. Trong khi chờ quyết định của UBND tỉnh, sở đã thành lập tổ quản lý gồm 5 người là cán bộ các phòng, ban của sở luân phiên lên làm nhiệm vụ trông nom, bảo vệ khu bảo tồn và thu thập hiện vật. Ngoài ra, sở còn hợp đồng với 3 bảo vệ là người địa bàn. Thời gian qua, sở đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cho Bom Bo theo định hướng phát triển du lịch homestay và đã liên hệ UBND huyện Bù Đăng sưu tầm một số sản phẩm của đồng bào S’tiêng... Tuy nhiên, để Bom Bo trở thành điểm đến hấp dẫn, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các sở, ngành trong triển khai xây dựng các hạng mục còn lại và khắc phục những hạn chế, tồn tại”.

               Ông Đỗ Minh Trung, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

 

Tác giả bài viết: VH,TT&DL

Nguồn tin: Báo Bình Phước